Du lịch giữa mùa dịch: Lưu luyến khi rời rừng tràm Trà Sư

Vào mùa này, rừng tràm Trà Sư (An Giang) như mang một vẻ đẹp “trác tuyệt”, kỳ ảo đầy thơ mộng. Giữa khoảng không xanh ngắt của những hàng tràm nối tiếp là những bông sen thơm ngát, tôi như lạc vào thế giới hoàn khác.

Nắng sớm trải dài trên hàng thốt nốt xanh bạt ngàn ở Tịnh Biên, chúng tôi tìm về rừng tràm Trà Sư, An Giang. Đi được một lát thì trời lại đổ mưa, tôi vào trú mưa và mua đồ ăn tạm ở một quán nhỏ ven đường, niềm vui cứ nhè nhẹ dâng lên trong lòng qua mỗi câu chuyện kể của người dân bản địa về vùng đất này.

Dân ở đây ngoài mùa nước nổi là mùa hái lượm, mấy năm nay đã bắt đầu làm thêm dịch vụ du lịch. Trưa hôm ấy, chúng tôi ăn một bữa lẩu cá linh, ăn kèm với bông điên điển vàng trái vụ.

 

Đầu giờ chiều, chúng tôi mang theo niềm háo hức về một chuyến đi chờ đợi bao ngày. Vào đến rừng, chúng tôi đăng ký thuyền chèo tay, bắt đầu hành trình đi bộ xuyên rừng 2km mới tới bến thuyền để tha hồ ngắm nhìn các loài thực vật.

Vào mùa này, rừng tràm Trà Sư mang một vẻ đẹp “trác tuyệt”, kỳ ảo đầy thơ mộng. Giữa khoảng không xanh ngát của những hàng tràm nối tiếp là những bông sen thơm ngát, tôi như lạc vào thế giới hoàn khác.

 

Những cây tràm vươn cao, cành lá xanh biếc đón nắng ấm, những bông tràm bé li ti hé nụ, chớm nở đón nắng mai rồi nở rộ, trắng xóa cả khu rừng. Mùi hương ngọt dịu của hoa tràm cứ thoang thoảng hòa vào trong gió làm tôi đắm say không muốn xa rời.

Trên mặt nước, những thảm bèo cái trôi theo dòng, một màu xanh mướt cứ trải dài và lan rộng. Mùa nước nổi, bèo ở rừng tràm nhiều lắm. Trong đó, bèo cái có số lượng nhiều nhất. Ngoài ra, một loại bèo khác đặc trưng chỉ có vào mùa nước nổi là bèo cám. Chúng sinh sôi, nảy nở rất nhanh, chỉ mất vài ngày đã phủ xanh một vùng rộng lớn.

 

Chị Ba Lụa, người chèo xuồng tay lâu năm đưa khách thăm quan rừng tràm Trà Sư nói rằng “Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm nhưng mỗi mùa lại có những điều thú vị rất riêng’’. Có lẽ, dù là mùa nào trong năm, ngày nào trong năm, người ta đều tìm thấy ở đây thứ cảm xúc lạ kỳ.

 

Ngồi trên thuyền, tôi có cảm xúc lạ kỳ trộn lẫn của một chút màu xanh, một chút hương cỏ với một chút yên bình tĩnh lặng. Xuống thuyền, mọi người háo hức trèo lên đài quan sát để thu vào tầm mắt cả rừng tràm.

Kết thúc chuyến tham quan rừng tràm tôi cảm thấy lòng còn một chút tiếc nuối. Tiếc nuối vì phải tạm biệt nơi yên bình này để về lại phố thị. Đây có lẽ là một điểm đến hấp dẫn, là nơi có thể gạt bỏ những bộn bề trong đời sống thường ngày.

Hoài Ly


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn