Du lịch giữa mùa dịch: Liège thu hút du khách theo… cách riêng

Liège, Bỉ thu hút du khách xa gần với những nét quyến rũ: kiến ​​trúc mới cũ đan xen cùng chợ trời và đương nhiên, không thể bỏ qua chuyện ăn uống lạ mà quen ở thành phố này.

Đến Liège, lần thứ ba, cũng bằng xe lửa. Nhưng lần thứ ba, tại thành phố lớn hàng thứ ba của Bỉ này, lại thấy một nhà ga mới.

Nhà ga mới, hiện đại  

Cổng vào nhà ga Liège-Guillemins mới, thanh thoát, hiện đại.

Theo tài liệu đọc được, khi nhà ga xe lửa của Liège, thành lập năm 1863, tuy qua nhiều lần cải tạo, nhưng vẫn trở nên quá cũ kỹ, chật hẹp, ngành đường sắt Bỉ đã tìm cách “làm mới” nhà ga. Thiết kế của Santiago Calatrava, một kiến trúc sư Tây Ban Nha, đoạt giải do đã theo đúng đề bài, mà lại rất sáng tạo, qua đó giúp người dân thành phố thư giãn mỗi khi đến ga để đi tàu hay đón người thân.

Calatrava chính là kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa nhà ga xe lửa. Ông từng thiết kế các nhà ga như nhà ga cho tàu tốc độ cao Lyon-Satolas cạnh sân bay Lyon, Pháp, khánh thành năm 1994 và nhà ga hiện đại Lisbon Oriente của  Lisbonne, thủ đô Bồ Đào Nha, khai trương năm 1998.

Năm 2009, nhà ga xe lửa mới của Liège được khánh thành sau 10 năm xây dựng theo phong cách công nghiệp, hiện đại. Ngày nay nhà ga này là một trong những điểm thu hút khách du lịch, được chụp ảnh nhiều nhất so với những địa danh nổi tiếng khác ở Liège, trở thành biểu tượng mới, đánh dấu một bước ngoặt trong sự hồi sinh của thành phố này.

Ánh sáng trong nhà ga là ánh sáng tự nhiên. Và trước nhà ga, khu phố Guillemins xưa đã được phục hồi với bãi đậu xe cùng cầu đi bộ, có thể từ nhà ga đi thẳng đến trung tâm mua sắm Médiacité.

Nhà ga Liège-Guillemins cũng là một trong những nhà ga đón đưa nhiều khách của vùng Wallonie, Bỉ. Và một “ngã tư” quan trọng của những chuyến tàu tốc hành: tàu Thalys, Bỉ; tàu ICE, Đức nối liền Liège với nhiều thành phố của Đức, Pháp, Hà Lan và đại công quốc Luxembourg.

Nhà ga trông thật nghệ thuật, thanh thoát, sáng rỡ và rộng rãi. Không quá để nói rằng, nhà ga này là điểm nhấn mới của thành phố Liège. Ngoài ra, nhà ga còn tổ chức cả tour miễn phí cho khách tham quan, chắc “để khoe”!

Leo “núi” chiều thẳng đứng

Liège, với khoảng 800.000 dân, bao gồm vùng phụ thuộc, nào chỉ có nhà ga mới đáng xem. Một trong những địa điểm bất cứ khách du lịch nào đều phải tới, cũng chủ yếu để chụp hình, là “núi Bueren”; muốn được hướng dẫn miễn phí, cũng có luôn.

“Núi Bueren” leo mệt nghỉ, trong lòng thành phố Liège.

Trên thực tế, đây không phải là núi mà là một cầu thang dài 374 bậc lát gạch kết nối những khu phố mới phía với khu phố cổ đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, ở trung tâm thành phố.

Từ trên nhìn xuống, sẽ cảm thấy như đứng đầu một con dốc dựng thẳng nằm lọt giữa các tòa nhà. Có thể, từ đó, nhìn ngắm thành phố bên dưới, dòng sông Meuse lấp lánh uốn lượn, cả đồi núi xa xa, phía ngoại ô của Liège…

Trước đây, “núi Bueren” đã giúp kết nối nhanh và trực tiếp giữa doanh trại quân đội với trung tâm thành phố, nhằm chống ngoại xâm.

Những năm gần đây, cứ vào ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng 10, một “đêm của những ngọn đồi trong lòng thành cổ – Nocturne des Coteaux de la Citadelle” lại được tổ chức. Hơn 20.000 ngọn nến được đặt dọc theo cầu thang, tạo ra một màn trình diễn đẹp mắt với ánh sáng lung linh. Bên cạnh đó là những cuộc biểu diễn nghệ thuật khác. Năm 2021 thì không tổ chức được màn trình diễn nào vì Covid-19.

Leo lên hết những bậc thang của cầu thang khắc nghiệt quá mỏi chân, thỉnh thoảng tôi phải dừng lại hít thở. Rõ ràng hình thức này không dành cho những người ít tập thể thao. Tuy nhiên, những người này cũng có thể khám phá các lối đi ở dưới núi Bueren. Ở đó, họ sẽ tận hưởng được không gian dịu dàng và nhẹ nhàng, có thể sẽ ồ lên thích thú trước những kho báu ẩn dấu như vườn xưa của giới quý tộc, chẳng hạn.

Một người cậu của chúng tôi, định cư lâu năm ở Liège, đã đưa chúng tôi đến đây để vừa leo lên cầu thang vừa đi dạo ngoạn cảnh ở phía dưới… Liège có nghĩa là bấc, loại vật liệu làm nút cho chai rượu, rất nhẹ, người dân ở đây chơi chữ, nói rằng “thành phố mình nhẹ nhất thế giới”. Ngoạn cảnh dưới núi Bueren thì vậy, còn leo hết 374 bậc thang của nó thì chẳng phải thế đâu!

Đi chợ La Batte

Chồng của dì chúng tôi, vào một ngày cuối tuần, đã đưa chúng tôi tới một khu chợ trời. Đó là chợ La Batte. Thật sống động, đầy màu sắc, không những chỉ có rau trái miền ôn đới như táo, nho, lê, su hào, su lơ… mà còn đủ loại hàng hoá, từ cây kim, cuộn chỉ may vá cho đến cuốc, xẻng, xe kéo nhỏ làm vườn. Thậm chí nơi đây còn bán cả sách vở cũ.

 

Chợ cổ La Batte dài hơn 3,5km nằm dọc sông Meuse, đi hết cũng mệt.

Tới đây, du khách không thể bỏ qua việc chuyện trò với những người bán hàng thân thiện, luôn chào mời với nụ cười nở trên môi. Dường như, họ từ những vùng quê quanh thành phố tới đây, vừa bán hàng vừa mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình. Trông họ cứ hệt như người trong làng xóm, miệt miền sông Cửu Long: cởi mở, dễ tiếp xúc, dễ hòa đồng.

Chợ trời La Batte được cho là lâu đời nhất – thành lập năm 1561 – cũng lớn nhất thành phố Liège, Bỉ và có lẽ của cả châu Âu. Chợ nằm dọc theo tả ngạn sông Meuse hững hờ qua Liège. Sông Meuse dài 950km, bắt nguồn từ một ngôi làng của Pháp, chảy qua nhiều thành phố của Pháp, Bỉ và Hà Lan, trước khi đổ vào biển Bắc.

Chợ trời La Batte không bán đồ ăn uống, tức chẳng thể thấy quầy cà phê hoặc quầy thức ăn gì cả, rất khác những khu chợ khác. Bởi vậy, muốn nhâm nhi ly cà phê, thưởng thức miếng bánh ngọt, phải chờ cho đến khi ra khỏi khu chợ kéo dài đến hơn 3,5km này – đi cho hết cũng khiến chân cẳng rã rời. Cũng không hề dành cho người ít tập thể thao!

Ẩm thực ở Liège

Không biết những người lứa tuổi 60 trở lên ở miền Nam Việt Nam có còn nhớ món gọi là café liégeois? Nghe cái tên cứ tưởng xuất xứ của nó là thành phố Liège.

Tàu du lịch trên sông Meuse.

Thật ra, món cà phê này của Pháp, gồm cà phê đá chừng nửa ly to cộng với một viên kem vani và một viên kem chantilly. Một phiên bản khác của nó là chocolat liégeois, với socola thay cho cà phê.

Tại TPHCM bây giờ vẫn tồn tại món café liégeois, nhưng trong những quán… Tây như Fanny! Họ quảng cáo thức uống này theo kiểu: “Vị cà phê đăng đắng, thơm phức hòa quyện cùng viên kem béo ngậy, thơm mát biến café liégeois trở thành “siêu phẩm” tráng miệng rất đáng để thưởng thức. Chiếc nón lá Việt Nam được trang trí cùng café liégeois cũng là một nét chấm phá độc đáo thuần chất Việt”.

Muốn thưởng thức bánh ngọt ở Liège, hẳn không gì hơn món bánh quế. Mà lạ, ở Bỉ chỉ có hai loại bánh quế mang thương hiệu: gaufre de Liège và gaufres de Bruxelles. Bánh quế của Liège được làm từ bột làm bánh mì trộn với bơ, trứng, quế và đường thắng kiểu ca ra men màu nâu phủ lên, rất ngọt, ngọt hơn bánh quế Bruxelles, thủ đô của Bỉ.

Gaufre de Bruxelles cũng từ bột làm bánh mì nhưng trộn với bơ, trứng, quế và sữa cùng đường bình thường. Trang vivreabruxelles.be chuyên giới thiệu về cuộc sống ở Bruxelles có viết về bánh quế như sau: “Kỳ lạ thay, đó không phải bánh gaufre người ta thường tìm thấy tại thủ đô, mà là bánh gaufre bà con từ Liège!”.

Còn rất nhiều chuyện về Liège có thể kể đến như ngắm nhìn những khu phố cổ cùng tàu đi dọc sông Meuse với năm điểm dừng, chẳng hạn. Một kiểu tàu buýt trên sông…

Ngọc Trân


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn