Du lịch giữa mùa dịch: Kỷ niệm lần đầu chinh phục núi Voi, Đà Lạt

Tôi cùng các bạn trẻ leo núi Voi ở Đà Lạt vào cuối năm 2020. Đây là lần leo núi đầu tiên đúng nghĩa của tôi, điều tưởng chừng như không thể nhưng hôm đó tôi đã chinh phục được núi Voi và chiến thắng chính bản thân mình.

Tính cách của tôi hễ muốn làm gì thì nhất định phải làm cho bằng được, không chịu khuất phục bởi bất cứ khó khăn nào, lúc nào cũng muốn chiến thắng bản thân mình.

Dịch Covid-19 đến, không có khách du lịch thì tôi cũng không chịu “bó gối” ngồi không ở nhà. Mấy tháng nay, tôi đu đeo theo mấy bạn trẻ đạp xe, rồi bây giờ lại leo núi. Hồi còn trẻ, tôi không có điều kiện để tham gia những hoạt động mà mình yêu thích, bây giờ tôi nhất định không bỏ qua bất cứ các hoạt động nào.

Hôm nay, tôi cùng các bạn trẻ leo núi Voi ở Đà Lạt, đây là lần leo núi đầu tiên đúng nghĩa của tôi. Núi Voi có độ cao 1.756m so với mặt nước biển, nhưng tính từ chân núi trên cao nguyên thì chỉ có 587m.

Trước đây tôi đã từng nhiều lần đứng từ Thiền Viện Trúc Lâm trên núi Phượng Hoàng nhìn về núi Voi, lúc ấy tôi không hề có ý nghĩ rằng sẽ có ngày mình lại có thể chinh phục đỉnh núi ấy.

Xem ra, leo núi còn “phê” hơn đạp xe hàng trăm cây số. Tôi cũng trang bị trang phục, dụng cụ leo núi đầy đủ như mọi người nhưng không có gậy leo núi.

Tôi rất vui khi bước chân vào con đường bằng phẳng dưới chân núi. Xung quanh con đường là những vườn rau xanh ngát của đồng bào dân tộc K’Ho, trước mặt là ngọn núi Voi sừng sững. Tôi hồi hộp không biết mình có lên được đến đỉnh núi hay không.

Ban đầu là những con đường bằng phẳng, dễ đi nên tôi đi rất khí thế. Nhưng càng đi đường dốc càng cao, có lúc tôi phải đứng lại để lắng nghe “trái tim mình lên tiếng”, tôi muốn ém hơi thở của mình, không để nó phát ra âm thanh, nhưng thật sự là không thể.

Tôi thở như “voi”, thở như chưa bao giờ được thở. Trái tim tôi đập loạn xạ như sắp sửa được gặp người yêu, ngón chân cái sưng khóe của tôi đau nhói lên theo từng bước chân. Tôi bất chấp tất cả, không chỉ để đạt được mục đích là chinh phục đỉnh núi Voi mà còn là vượt lên chính bản thân mình.

Những lúc tôi dừng chân dọc đường để nghỉ ngơi, tôi nhận được rất nhiều sự động viên từ đồng đội. Người tiếp nước, người đưa bánh, có cả người tự nguyện xách ba lô giúp và cho tôi mượn gậy leo núi.

Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tràn đầy ấm áp trước sự quan tâm đặc biệt của các bạn đồng hành, những người bạn mới chỉ biết nhau qua vài tour đạp xe đạp trước đó. Nhưng trong một góc khuất sâu thẳm của tâm hồn, tôi lại nghĩ “giá mà mọi người đừng quan tâm như thế, hãy xem tôi bình đẳng như bao nhiêu bạn trẻ khác, để tôi không phải nhớ ra rằng, mình là người ra đời trước các bạn ấy mấy mươi năm”.

Cuối cùng, tôi cũng chinh phục được đỉnh núi Voi. Niềm vui vỡ oà, tôi muốn khóc. Tôi đã thành công cho lần đầu tiên leo núi.

Kỷ niệm lần đầu chinh phục đỉnh núi Đá Voi vẫn còn vẹn nguyên

Nhóm bắt đầu hành trình chinh phục núi Đá Voi.

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn