Du lịch giữa mùa dịch: Khám phá “nàng thơ” K50 giữa đại ngàn

Tây Nguyên luôn nổi tiếng với những con thác hùng vĩ, đẹp mê hồn và trong số đó không thể không kể đến thác K50 – được mệnh danh là “nàng thơ” giữa đại ngàn.
Toàn cảnh thác K50 hùng vĩ.

Thác K50 hay còn gọi là thác Hang Én nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Kbang khoảng 70km.

Thác được gọi là K50 vì độ cao của thác tính từ  đỉnh đến chân thác khoảng 50m; còn tên gọi thác Hang Én có lẽ từ cái hang lớn phía sau dòng thác, nơi quanh năm cỏ mọc xanh mướt và có nhiều chim én trú ngụ ở đây.

Bắt đầu vào rừng.

Để khám phá thác K50 có khá nhiều cung đường cho bạn lựa chọn. Bạn có thể đi từ thị trấn Kbang, tỉnh Gia Lai, sau đó di chuyển đến Ban quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Tại đây bạn có thể lựa chọn tiếp tục đi đường bê tông để xuống thăm quan thác hoặc đi đến trạm Lập, bản Hà Lâm để trekking khám phá khu bảo tồn này.

Cung đường thứ hai là xuất phát từ huyện An Lão, tỉnh Bình Định đi dọc theo sông Côn ngược lên Kbang, Gia Lai. Đây là cung trekking xuyên qua 2 khu bảo tồn thiên nhiên: An Toàn và Kon Chư Răng. Cung đường này khá dài và phải di chuyển trong những khu rừng nguyên sinh rậm rạp, những con suối trơn trượt, đến những con dốc cao vì vậy khá vất vả và mạo hiểm. Nhưng muốn trải nghiệm được trọn vẹn, được thử thách bản thân nên nhóm mình đã lựa chọn cung đường này để khám phá.

Đường trở nên trơn trượt, rậm rạp hơn.

Cung đường này bắt đầu tại thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão. Đây là bản miền núi của huyện An Lão, nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Nơi đây tập trung nhiều người đồng bào Bana với những ngôi nhà sàn mộc mạc, bình dị. Để tới được đây, từ Sài Gòn, bạn có thể đi xe khách về Bình Định, sau đó thuê xe trung chuyển vượt qua những con đèo ngoằn ngoèo mới tới nơi.

Sau khi tới bản, tụi mình sắp xếp lại đồ đạc và chờ mấy anh Porter (người khuân vác) bản địa ở đây tới dẫn đi và bắt đầu hành trình.

Bắt đầu lên đường.

Đoạn đường từ bản di chuyển vào rừng khá nhẹ nhàng, chỉ cần đi trên những con đường mòn. Cảnh vật xung quanh cũng đẹp, bình yên với những đồi cỏ xanh, lấp ló là những trại bò của người Bana. Sau khoảng 15 phút di chuyển, chúng tôi chính thức bước vào rừng, bắt đầu hành trình khám phá đầy thách thức.

Đó là hành trình vượt qua những khu rừng nguyên sinh rậm rạp, hoang sơ, cây cối mọc um tùm nhiều chỗ không có lối đi phải tự phát quang để tạo đường, đến những con suối ngoằn ngoèo hay những con dốc dựng đứng trơn trượt.

Trên đường đi, bạn sẽ được trải nghiệm thảm thực vật đa dạng từ bụi cây dương xỉ rừng mọc cao quá đầu đến những tán cây cao cổ thụ… Đặc biệt, bạn sẽ đi qua một đồi sim rộng lớn, nếu đi trúng mùa hoa nở (khoảng tháng 4,5) sẽ thấy một cánh đồng hoa sim với sắc tím đầy mộng mơ. Còn nếu bạn đi vào mùa sim chín (khoảng tháng 7,8) sẽ được thưởng thức những quả sim ngon ngọt, tạm xua tan đi cái vất vả của hành trình vừa qua.

Check-in đồi sim.

Và trải nghiệm không thể quên trên cung đường này là đi qua những khu rừng ẫm ướt với đầy rẫy những vắt ẩn náu dưới những lớp lá cây khô, cành cây mục. “Canh me” những phượt thủ sơ hở để bám vào hút máu. Để an toàn, các bạn nên chọn trang phục dài, kín và thủ sẵn thuốc chống vắt.

Sau khoảng 5, 6 tiếng băng rừng lội suối sẽ tới được đỉnh thác. Tại đây, chúng tôi hạ trại nghỉ ngơi. Tối đốt lửa trại, cùng nhau ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Vì hành trình ngày mai còn dài nên đoàn tranh thủ ngủ sớm.

Đêm đó là một đêm khó quên khi được ngủ dưới một bầu trời đầy sao nơi núi rừng rộng lớn cùng tiếng côn trùng kêu lẫn trong tiếng thác đổ. Sáng sớm lúc tỉnh dậy, đập vào mắt là một dòng suối chảy xiết và cùng đua nhau đổ xuống một vách đá cao chót vót, đây chính  là con suối đầu nguồn tạo nên ngọn thác K50 hùng vĩ.

Cận cảnh thác K50.

Từ đây, muốn xuống chân thác phải vượt qua những con dốc đá nhỏ hẹp, cheo leo, trơn trượt, có những đoạn phải bám vào dây mới có thể leo xuống. Trên đường đi, càng xuống sâu tiếng thác đổ càng to, như cổ vũ, khích lệ đoàn vượt qua những con dốc để được tận mắt chiêm ngưỡng ngọn thác.

Sau khoảng 30 phút tuột dốc đá, dòng thác K50 hùng vĩ cũng đập vào trước mắt với một vẻ đẹp vừa nguyên sơ vừa kì ảo, trông xa như một dải lụa bạc lấp lánh giữa màu xanh ngát của rừng núi đại ngàn. Những ánh cầu vồng lúc ẩn lúc hiện trong dòng thác tung bọt trắng xóa. Và dưới chân thác là những khối đá rêu với nhiều hình dạng kỳ thú, xếp chồng lên nhau tạo thành những bậc thang độc đáo.

Sau khi ngắm và check-in ngọn thác, đoàn leo lên lại đỉnh thác, ăn uống nghỉ ngơi trước khi thu dọn đồ đạc để di chuyển ra khỏi rừng. Từ đây, chúng tôi chia tay mấy anh Porter bên An Lão vì mấy anh sẽ quay lại theo đường An Lão còn chúng tôi được một cán bộ kiểm lâm dắt về theo hướng Kbang.

Từ điểm thác, để ra được Kbang phải vượt qua một con suối khá dài, trơn trượt trước khi đến con đường mòn. Đoạn đường này không vất vả như hành trình đi xuyên rừng An Lão nhưng cũng khá thú vị khi được rảo bước trong một không gian tĩnh lặng của núi rừng, vừa đi vừa ngắm cây, nghe tiếng chim hót, vượn kêu…

Dòng suối chảy xiết trên đường về.

Nếu tới đây bạn đã đuối sức có thể ngồi xe của kiểm lâm ra chốt trước. Còn quyết đi bộ thì sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, bạn sẽ ra tới chốt kiểm lâm. Tại đây, bạn sẽ được xe kiểm lâm chở ra làng để tắm rửa, nghỉ ngơi, chờ xe về lại Sài Gòn, kết thúc một hành trình thú vị.

Với tôi, K50 là một địa điểm đáng để khám phá. Tùy thuộc vào trường phái, sở thích, thể lực của bạn mà có thể lựa chọn cung đường phù hợp. Để đảm bảo an toàn cho du khách, K50 không cho phép đi tự túc mà phải thông qua tour của các đơn vị du lịch hoặc là của khu bảo tồn.

Hiện nay, có khá nhiều đơn vị tổ chức tour khám phá thác K50, vì vậy bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn cho mình một chuyến đi phù hợp. Bạn nên đi thác K50 trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 6. Vì thời tiết lúc này nắng ấm, không quá nóng bức, khô hanh, đường dốc cũng khô ráo, mỏm đá ít rêu, nước ở suối trên đường di chuyển không quá sâu nên dễ đi hơn.

Bùi Hương

Ảnh: Ngọc Hào, Khánh Trung


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn