Du lịch giữa mùa dịch: Hành trình khám phá Đài Loan trong 4 ngày

Tôi có cơ hội được trải nghiệm du lịch tại Đài Loan và thật sự choáng ngợp bởi sự hiện đại và văn minh nơi đây, từ con người cực kỳ niềm nở thân thiện cho đến cảnh quan phong phú. Tất cả chuyến đi để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc.

Đài Loan từ lâu đã nổi tiếng với du khách bởi nền văn minh tiên tiến, ẩm thực độc đáo, những địa điểm tham quan nổi tiếng từ hiện đại đến truyền thống mang đầy tính văn hoá lịch sử và nét đẹp cảnh sắc tự nhiên phong phú, đa dạng.

Chuyến hành trình của tôi chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 4 ngày. Dù tôi không có đủ thời gian để ghé thăm hết những điểm đến đặc trưng tại nơi đây nhưng chuyến đi ngắn ngày này đủ để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm và cảm xúc khó quên.

Hành trình của tôi kéo dài từ Đài Bắc (Taipei), Đài Trung rồi kết thúc ở Đài Nam, tất cả các nơi mà tôi được đặt chân đến đều rất đặc biệt và mang giá trị văn hoá cao.

Điểm dừng chân đầu tiên: Đài Bắc

Tháp Đài Bắc 101 có 101 tầng trên nền, cùng 5 tầng hầm.

Một địa điểm không thể nào bỏ qua tại Đài Bắc đó chính là tháp Đài Bắc 101 sở hữu phong cách kiến trúc hậu hiện đại độc đáo. Khi leo lên tới đài quan sát, tôi có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố nhộn nhịp tấp nập và đầy đủ sắc màu.

Đi xa trung tâm hơn chút, tôi có dịp ghé ngang qua phố cổ Thập Phần. Một hoạt động rất đặc biệt cho du khách khi đến thăm phố cổ này đó chính là thả lồng đèn trên đường ray xe lửa Bình Khê.

Du khách đặc biệt yêu thích hoạt động này. Đôi lúc được nghe tiếng còi báo hiệu có một chuyến xe lửa sắp đi xuyên qua Thập Phần, chúng tôi sẽ đứng sang hai phía đợi tàu chạy qua và rồi tiếp tục quay lại công cuộc viết điều ước lên lồng đèn và cùng nhau thả lên trời.

Từ làng Thập Phần đi bộ khoảng 15 phút sẽ đến thác nước Thập Phần, một trong những thác nước nổi tiếng nhất Đài Loan được người người ca ngợi bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.

Điểm dừng chân thứ hai: Đài Trung

Có một ngôi làng rất đặc biệt tại Đài Trung mang tên là làng Cầu Vồng. Tại đây những bức tường nhà được trang trí với hình vẽ vô cùng đặc biệt và đầy sắc màu, những hình vẽ này được ông Huang sáng tạo để phác hoạ ra những hình ảnh vô cùng dễ thương nhưng cũng đầy tính siêu thực.

Làng Cầu Vồng mở cửa miễn phí cho khách tham quan, du khách cũng có thể ủng hộ ngôi làng bằng cách mua các món đồ lưu niệm tại đây.

Đền Khổng Tử trang nghiêm.

Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi bước chân vào đền Khổng Tử, một ngôi đền trang nghiêm và là nơi giảng đạo của các bậc hiền sư ngày xưa, cũng là nơi đặt bài vị của Khổng Tử cùng các hiền đệ.

Hồ Nhật Nguyệt, hồ nước lớn nhất tại Đài Loan, cũng là một điểm đến ấn tượng. Du khách đến đây có thể ngắm nhìn mặt hồ nước trong xanh để cảm thấy rất bình yên và trân trọng thiên nhiên xung quanh mình nhiều hơn.

Hồ Nhật Nguyệt là thắng cảnh có nước non nổi tiếng nhất tại Đài Loan thu hút rất nhiều du khách.

Điểm dừng chân cuối cùng: Đài Nam

Tôi đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến tượng Phật khổng lồ tại chùa Foguang Shan (Phật Quang Sơn), một điểm tham quan vô cùng trang nghiêm, kỳ vĩ và là thánh địa Phật giáo quan trọng hàng đầu tại Đài Loan.

Điều đặc biệt nhất tại chùa Foguang Shan chính là nơi đây còn lưu giữ báu vật vô cùng hiếm có trên thế giới mà không phải ngôi chùa nào cũng có được, đó chính là xá lợi răng Phật. Đến với thành phố Cao Hùng này, người ta không thể không nhắc đến trạm tàu điện nổi tiếng MRT Formosa Boulevard.

Trạm tàu điện này có kiến trúc vô cùng đẹp mắt và được kênh truyền hình CNN đưa tin rằng đây là một trong những ga tàu điện đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, tôi còn được tham quan đầm Liên Trì, đây là địa điểm khá nổi tiếng được nhiều khách du lịch ngưỡng mộ không chỉ bởi nét đẹp của nơi này mà còn bầu không khí vô cùng dễ chịu.

Ngoài những điểm tham quan vô cùng đặc biệt nói trên, phủ khắp đất nước nhỏ bé và xinh đẹp này là những khu mua sắm sầm uất hay còn được biết đến là chợ đêm tấp nập người qua lại.

Chợ đêm, khu mua sắm tại Đài Loan.

Nổi tiếng có thể kể đến như khu mua sắm Ximending (Tây Môn Đình) tại Đài Bắc, chợ đêm Liuhe ở Đài Nam mà chỉ cần bắt tàu điện ngầm từ khách sạn đi một đoạn ngắn là đến nơi; hay không thể không nhắc đến chợ đêm Fengjia (Phùng Giáp) nổi tiếng tại Đài Trung.

Tất cả những địa điểm nổi tiếng trên đều mang nét đặc trưng riêng của Đài Loan và phổ biến là những món ăn đường phố vô cùng ngon miệng.

Đường phố Đài Loan.

Chuyến đi này giúp tôi khám phá rất nhiều điều thú vị như ở Đài Loan người dân cũng thường di chuyển bằng xe máy. Người dân Đài Loan cũng rất thích đi chơi mua sắm vào buổi tối tại chợ đêm tương tự như giới trẻ tại Việt Nam cũng thích hẹn bạn bè vào những buổi tối muộn.

Nếu có thêm thời gian và cơ hội, tôi vẫn muốn quay trở lại Đài Loan, bởi vì tôi biết nơi này còn vô số những điều thú vị mà tôi cần phải tự mình khám phá

Nguyễn Nhật Vy


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn