Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-2021), tôi muốn đưa bạn về quê hương của tôi, quê hương của những vị anh hùng đã quên mình vì Tổ quốc – Củ Chi.
Có thể nói người Củ Chi họ lạ lắm, họ sống trong gian khó, cực nhọc nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai về những chiến tích vàng trong lịch sử. Mà nơi ghi dấu lừng lẫy nhất, khó quên nhất phải kể đến Khu di tích địa đạo Củ Chi.
Để tôi kể bạn nghe, tôi rất tự hào khi Củ Chi quê tôi đã để lại những chiến công hào hùng của dân tộc về tinh thần quả cảm cũng như thể hiện sự trí tuệ của những con người nước Nam nhỏ bé, tay không chống giặc.
Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM khoảng 70 km về phía Tây Bắc. Có thể xem đây là một kỳ quan độc đáo có một không hai trong lòng đất, bởi vào thời đấy, làm gì có máy móc, thiết bị tiên tiến nào có thể đào được những đường hầm đầy kiên cố thế kia.
Ấy vậy mà chỉ bằng cuốc, xẻng, rìu, xô, thau… qua bàn tay khô ráp của người Củ Chi đã hình thành nên một hệ thống đường hầm dài gần 250 km với đầy đủ các công trình như: chiến hào, bẫy chống giặc, kho cất giấu lương thực, bếp ăn, giếng nước, phòng ở, phòng làm việc, bệnh xá… liên hoàn như mạng nhện đầy phức tạp.
Tất cả như tái hiện cuộc sống sinh hoạt nhiều thiếu thốn nhưng đầy sáng tạo trong lòng đất của quân, dân Củ Chi. Nhưng chính nhờ hệ thống đường hầm chằn chịt, rối ren đó đã biến Củ Chi thành căn cứ địa vững chắc cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ.
Không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người mỗi khi vào trong lòng địa đạo mới thấy không gian trong hầm rất thấp và tăm tối. Có những đoạn chúng ta phải khom người xuống, thậm chí là bò, trườn để luồng qua các ngách nhỏ đầy gian khó, cực nhọc đã khiến nhiều người phải thở dốc, thoáng chút sợ hãi, lo âu, xen lẫn là sự thích thú, ngỡ ngàng. Nhưng đó chưa là gì cả so với việc mà ông cha ta trước đây đã trải qua.
Những đường hầm ngày trước làm gì rộng, thoáng, sáng đèn, khô ráo như bây giờ. Vì lẽ đó mà khiến bản thân tôi càng thán phục hơn cái sự khốn khó, cực nhọc lẫn sự hy sinh cao quý mà các ông, các bà, các anh chị chiến sĩ đã gầy dựng cho thế hệ tương lai.
Chiến tranh qua đi, không riêng gì Củ Chi mà nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn mới. Nhưng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng bộ và nhân dân TPHCM cho xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược tại quần thể Khu di tích địa đạo Củ Chi.
Ngôi đền tọa lạc trên vùng đất rộng 7 héc-ta và đã gây xúc động cho bao con người mỗi khi thăm viếng. Ngay cả tôi cũng vậy, mỗi khi viếng đền, tôi lại được các anh chị hướng dẫn chia sẻ về những người lính đã hy sinh trên mảnh đất này. Có người đã phải từ bỏ gia đình, rời bỏ quê hương, một lòng cống hiến vì Tổ quốc, vì nước nhà. Không xúc động sao được, khi xung quanh tôi có những bậc đáng tuổi ông, tuổi cha, mái tóc bạc trắng bởi tuổi tác và thời gian, lặng lẽ nghiêng mình khóc trước những tượng đài liệt sĩ.
Khu vực đền chính Bến Dược là tượng đài vị Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến và phía sau ba câu “Tổ Quốc ghi công – Vì nước quên mình – Đời đời ghi nhớ”. Cùng với đó là những bảng vàng to lớn, được khắc tên của gần 45 ngàn liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đã ngủ yên trên mảnh đất này.
Trân quý biết bao, tự hào biết bao khi chính chúng ta là những mầm non được nuôi lớn từ sự gian khổ, oanh liệt đó, càng tự hào hơn nữa khi bản thân tôi là người Củ Chi, người con của “Đất Thép Thành Đồng”, nơi ghi dấu hàng nghìn con người vì miền Nam thống nhất, vì nước nhà non sông.
“ Máu hồng tỏa hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước
Người đang sống nhớ thương người đã khuất
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời…”
Đến với Củ Chi là đến với chuyến hành hương về nguồn. Từ không gian tĩnh lặng đến những câu chuyện khơi dậy lòng tự hào, tính tự tôn dân tộc, ta có thể lắng lòng để hòa mình cùng quá khứ hoặc thả hồn mình vào không gian xanh mát của khu di tích. Có thể nói, địa đạo Củ Chi hay Đền Bến Dược là công trình vĩ đại, là dấu ấn của thời gian sẽ không thể nào phai nhòa trong tâm thức dân tộc.
Lê Thanh Lượng
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.
Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.
Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.