Du lịch giữa mùa dịch: Chuyến đi Bình Thuận – Đắk Nông 3 ngày 2 đêm

Ngày đầu tuần của bạn như thế nào? Có bao giờ bạn nghĩ sẽ đi đâu đó cho thoải mái sau khi hết dịch chưa? Hoài niệm về những chuyến đi, mình nhớ nhất là quyết định “Ăn bờ ngủ bụi 3 ngày 2 đêm tại Bình Thuận và Đắk Nông”. Đó là những dòng chia sẻ được bạn đọc Nam Phạm gửi về cho chương trình “Du lịch giữa mùa dịch”.

Bản đồ tổng độ dài đường đi do bạn đồng hành của mình vé lại.

Mình bắt đầu di chuyển từ Đồng Nai đến Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương rồi về lại Đồng Nai. Nói ăn bờ ngủ bụi vậy thôi chứ mình đi cắm trại ngao du một vòng rồi về. Tổng độ dài chuyến đi của mình là 787km, tổng kinh phí của mình chưa đến 500.000 đồng đâu (đi vào thời điểm xăng đang rẻ). Dưới đây là lịch trình của mình sau 3 ngày.

Ngày đầu tiên mình di chuyển từ thành phố Biên Hòa đến Hồ Hàm Thuận – Bình Thuận lúc 13:00, mua một ít vật dụng cho bữa tối cắm trại: than đước, mì ly, nước uống, bắp và khoai lang. Đường đi đến hồ Hàm Thuận cũng khá dễ dàng, bạn chỉ cần bật Google maps và chạy theo chỉ dẫn sẽ đến nơi, tầm 20:30 mình đến Hồ Hàm Thuận, do bị lạc đường vì tin khả năng phán đoán của mình là đúng nên không cần xem lại google maps và đến nơi có trễ so với dự định ban đầu.

Một cánh đồng sau khi thu hoạch ở Tánh Linh – Bình Thuận.

Trên đường đi khá là nhiều cảnh đẹp, vì thế mình vừa đi vừa dừng lại chụp ít tấm ảnh rồi tiếp tục hành trình. Đến được hồ trời cũng đã tối nhưng may mắn mình tìm được một mõm đá nhô ra phía hồ và hạ trại tại đây, chuẩn bị cho buổi tối thịnh soạn.

Hạ trại nướng bắp.

Ngày thứ hai mình tiếp tục đoạn đường di chuyển từ hồ Hàm Thuận đến Hồ Tà Đùng – Đắk Nông. Sáng dậy mình dọn trại, chụp ít tấm hình tại hồ Hàm Thuận rồi di chuyển tham quan quanh hồ. Mình định đi cầu La Ngà nhưng đường đi vào thôn rất xấu nên mình phải quay lại và di chuyển về thành phố Bảo Lộc. Trên đường đi mình ghé vào chùa Linh Quy Pháp Ấn tham quan, chụp ảnh, đường lên chùa nằm trên núi phải chạy xe lên một đoạn dốc bằng đất và đá, dốc hơi cao và có uốn lượn một xíu nhưng vẫn chạy được, các bạn có tham quan nhớ chạy xe cẩn thận nhé.

Đến chỗ giữ xe bạn phải đi bộ lên đoạn đường bậc thang một đoạn để đến được cổng chùa, khuôn viên chùa khá rộng rãi cho việc tham quan. Tại đây bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của ngôi chùa hòa mình vào thiên nhiên. Chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh, khi tham quan bạn nhớ giữ gìn trật tự, tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác.

Cảnh hồ Hàm Thuận vào buổi sáng.

 

Khuôn viên trước chùa Linh Quy Pháp Ấn.

Khoảng 14:00 bắt đầu di chuyển đến thác Dambri, vừa đến thác thì trời đổ mưa nên mình không vào thác nữa. Trú mưa xong mình di chuyển đến Đắk Nông để kịp trời sáng tìm nơi hạ trại. Vé vào cổng thác Dambri là 200.000 đồng đối với người lớn và 100.000 đồng với trẻ em. Giá vé đã bao gồm chơi một số trò chơi ở đây và tắm thác thoải mái.

Cổng chào KDL thác Dambri.

Trên đường di chuyển đến Đắk Nông thì trời chuyển mưa xám xịt cả bầu trời. Chốc lát mình lại thấy một đường sét dài chạy ngang bầu trời, cuối cùng thì trời cũng đổ mưa, lần đầu tiên trong cuộc đời mình được trải nghiệm trận mưa đá rớt xuống người “lịch bịch” rồi rơi vào nón bảo hiểm “lọc cọc”. Mình ghé vào một tiệm tạp hóa bên đường trú mưa một lúc. Mình có mua thêm lon bia để dành tối uống cho dễ ngủ vì di chuyến đường dài khá là mệt.

Mốc lộ giới đi Đắk Nông.

 

Cảnh vật sau cơn mưa.

Khoảng 18:00 đến được hồ Tà Đùng, mình tìm được một bãi đất trống bên cạnh hồ cảnh đẹp, có thể ngắm bình mình trên mặt hồ vào buổi sáng. Tìm được nơi hạ trại an toàn mình vào chợ mua thêm ít than, mì ly, bánh, nước để buổi tối được ngon giấc. Giữa đường gặp một quán bánh xèo miền trung mình ghé vào ủng hộ sau đó quay về dựng trại và chuẩn bị cho bữa tối.

Check in hồ Tà Đùng.

Buổi sáng tại hồ Tà Đùng sương mù dày đặc, những mảng sương mù bay là đà trên mặt hồ nhìn như chốn tiên cảnh. Nếu bạn thích săn mây và ngắm cảnh thì nơi đây không thể bỏ qua trong danh sách những nơi đáng đến nhất của tuổi trẻ. Chủ nhật trong làng có họp phiên, trai gái xúng xính trong những bộ quần áo mới truyền thống, mình quyết định đi cho biết, 9:00 mình đến được thôn ăn sáng.

Đường vào thôn với đoạn đường dốc cao, những khúc cua uốn lượn quanh co, mình vừa chạy vừa ngắm cảnh bạt ngàn cánh đồng cà phê chập trùng trên những ngọn đồi cao thấp. Khung cảnh quanh thôn thiên nhiên hùng vĩ lắm, một dãy đồi cà phê, thoáng lại thấy những cây bơ say trĩu quả, thoáng lại thấy những cây sầu riêng nằm giữa rẫy cuốn hút, nhìn bằng mắt mới cảm nhận được vẻ đẹp trọn vẹn của nơi này.

Check in hồ Tà Đùng.

Chạy một vòng chợ tham quan, sau đó mình di chuyển ra quốc lộ 28 về thành phố Gia Nghĩa (thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Nông). Đến đoạn ngã 3 vào quốc lộ 14C mới và đi cửa khẩu Búp Răng, do trời cũng còn sớm nên mình đi cửa khẩu check-in vì không biết đến khi nào mới có dịp quay lại nơi này. Check-in xong mình quay lại quốc lộ 14C xuyên vườn quốc gia Bù Gia Mập (giáp Bình Phước và Đắk Nông) để về Biên Hòa.

Check-in đường biên giới Việt – Cam.

Đường vào vườn quốc gia ban đầu là đoạn đường nhựa mới làm xong rất dễ chạy. Có đoạn đường nhựa, có đoạn đường đá đỏ rồi đường đất, ổ gà ổ vôi nhiều vô kể nên các bạn nhớ chạy xe chậm để đảm bảo an toàn cho bản thân. Đường xuyên rừng thì được trải nhựa, đường nhỏ, lắm lúc chạy trên đường mình nghe chim rừng hót vang. Tiếp đó là tiếng khỉ kêu, vừa chạy trong rừng mình vừa sợ – một cảm giác rất thú vị, đến giờ mình ngồi nhớ lại vẫn thấy lúc đó sao mình gan đến vậy.

Cổng chào VQG Bù Gia Mập.

Đến thị xã Phước Long mình ăn tối và nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục đoạn đường còn lại. 21:30 mình đến Thành phố Đồng Xoài ( thành phố trực thuộc tỉnh Bình Phước). Cuối cùng thì mình cũng chạy được hết đất Bình Phước tiếp đó là đất Bình Dương. Đến 22:20 mình đến thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Đường về nhà còn 26km nữa. Đến ngã 3 đi Sài Gòn và đi Biên Hòa mình chia tay bạn đồng hành. Khoảng 23:50, mình “đáp cánh” an toàn tại Biên Hòa, kết thúc hành trình cắm trại với cung đường dài 787km.

Sau chuyến đi mình cảm thấy khá là thú vị, tiếp thêm chút năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo. Trên đây là trải nghiệm của mình, mọi người có thể tham khảo. Chúc mọi người có một chuyến đi an toàn nhiều niềm vui (dĩ nhiên là khi dịch được kiểm soát), ngắm thật nhiều cảnh đẹp và tích lũy cho bản thân thật nhiều trải nghiệm nhé!

Nam Phạm


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn