Du lịch giữa mùa dịch: “Chỉ thèm ôm và hôn con”

Chiều nay, 24-6, chị Vũ Thị T. N., Giám đốc kinh doanh của một khách sạn 5 sao lớn tại Sài Gòn, sẽ rời khu cách ly tập trung nhưng chưa thể về đoàn viên bên gia đình vì chị vẫn phải tiếp tục thực hiện tự cách ly thêm 7 ngày (bên nhà ngoại). Lúc này, điều chị mong muốn nhất là “thèm ôm và hôn con. Mọi chuyện khác tính sau”, chị nói.

Sau những ngày thực hiện cách ly tập trung vì là F1, hôm qua, Vũ Thị T. N., Giám đốc kinh doanh của một khách sạn 5 sao lớn tại Sài Gòn nhận được thông báo kết quả âm tính lần 3. Như thế đồng nghĩa với việc chị sẽ được phép rời khu cách ly. “Đấy đã đủ để cho một ngày đáng nhớ”, chị chia sẻ trên trang facebook cá nhân.

Chị vui vì sẽ rời khu cách ly tập trung và thời gian sắp được gặp mặt cô con gái nhỏ thân yêu đã gần hơn. Dẫu biết rằng “đường về nhà còn xa, do phải tiếp tục cách ly thêm 7 ngày (tại nhà ngoại) và xong hết thì mới được ‘thả’ về cộng đồng. Nhưng thế đã là tốt rồi. Có người hỏi thèm gì sau khi ra khỏi khu cách ly? Em chỉ thèm ôm và hôn con em. Mọi chuyện khác tính sau”, chị đã chia sẻ niềm vui như thế kèm lời chúc những người bạn của mình hãy bình an.

Cô con gái nhỏ hạnh phúc trong vòng tay của mẹ sau 21 ngày xa cách.

Nhớ lại ngày 3-6, chị vẫn không thể nào quên được. Ký ức đó có thể sẽ là kỷ niệm theo chị suốt đời. “Sáng sớm đang ôm con ngủ thì có tin động trời. Em vô tình đụng phải F0 trong thang máy văn phòng công ty. Chỉ 1 phút 30 giây trong thang máy, mình ‘bỗng dưng’ thành F1”, chị nhớ lại.

Cảm giác hơi rối khi biết mình đúng là người trong hình khi truy vết F0 của tòa nhà. Bình tĩnh gọi điện thoại cho bác sĩ của gia đình để xin ý kiến rồi gọi trình báo y tế; thông báo những người mình đã gặp, khai chi tiết lịch trình và cuối cùng là gom hành lý đi cách ly 21 ngày.

“Cảm giác ngồi trên xe cứu thương, thấy buồn và rớt nước mắt vì sẽ rất nhớ con, nhớ gia đình. Các thành viên trong gia đình sẽ phải cách ly tại nhà. Không đành lòng nhưng tự nhủ, sống phải có trách nhiệm với cộng đồng, kê khai đầy đủ nên tâm trạng nhẹ nhàng hơn”, chị nhớ lại.

Góc làm việc trong khu cách ly.

Cô con gái nhỏ theo thói quen cũ cứ đòi mẹ bế, ôm hôn và kể chuyện. “Mong xe ‘hốt’ mình đi càng sớm càng tốt, vì thấy lo cho cả nhà”, chị tâm sự. Chỉ vì muốn bên mẹ cho mẹ vui mà vô tình lại thành có lỗi với gia đình.

Trước khi lên xe cứu thương để tới khu cách ly tập trung, chị đứng trước bàn thờ ba cầu nguyện, “mong linh hồn ba phù hộ cho gia đình”, chị nói. Lên xe, tự dưng nước mắt rơi khi con gái khóc đòi mẹ. “Mẹ sẽ về với con sau 21 ngày. Cả gia đình mình cùng cố gắng nhé”, lời chào tạm biệt trước khi chị lên xe để tới khu cách ly tập trung ở trường Trung cấp Y tế Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chị nhớ lại, những ngày đầu trong khu cách ly, tâm trạng chị thật đáng sợ. “Ngày làm việc, đêm khóc, ăn thì chỉ để cầm hơi”, chị nói. Cô con gái nhỏ ngày nào cũng gọi điện thoại cho mẹ vì nhớ.

Những phần ăn trong khu cách ly

Điều chị cảm thấy vui trong những ngày đầu là nhận được sự quan tâm, yêu thương của gia đình, bạn bè, người thân. “Nó như nguồn động viên để mình tiếp tục hành trình cách ly”, chị nói. Dù có mạnh mẽ đến đâu nhưng khi làm mẹ rồi mới hiểu, xa con mới có 2 ngày mà đêm nào cũng khóc.

Chị cứ hứa với con một lời duy nhất: mai mẹ sẽ về! “Cả nhà 3 người, mỗi người một nơi. Chưa bao giờ mình thấy sao đời nó thảm với mình như vậy”, chị nhớ lại những ngày đầu trong khu cách ly.

Sau đó nhận ra, lực lượng chức năng chỉ đang làm nhiệm vụ “truy vết” và để đảm bảo an toàn cho những người có tiếp xúc với bệnh nhân, chị mới phải đi thực hiện cách ly theo quy định chứ hoàn toàn không phải là bệnh nhân. Tinh thần chị phấn chấn trở lại.

Theo chia sẻ của chị, các phần ăn khá đa dạng và phong phú

Sau 21 ngày, từ những điều bở ngỡ, chị thấy quý căn phòng này. “Quý tình cảm của các anh chị Y tế chăm lo cho 3 bữa cơm hàng ngày. Những người ‘hàng xóm’ đã chia sẻ từ cái quạt, ấm đun nước nóng, ô cửa sổ màu xanh dán bằng bao rác để tránh mưa tránh nắng… Đặc biệt là tình cảm mọi người đã động viên, chia sẻ, giúp đỡ em không phí thời gian trong cách ly mà vẫn vui vẻ làm việc, trò chuyện và cười nhiều hơn mỗi ngày”, chị chia sẻ.

Chị cho biết thêm, cách ly không có gì là mệt mỏi hay khổ sở. Ngược lại, nhìn các chiến sỹ áo trắng, thấy thương họ hơn vì mặc bộ đồ xanh giữa cái nắng oi bức, từ ngày này sang tháng nọ. “Mình vẫn luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài cả năm nay. Dù không chủ quan hay cố ý nhưng “F0 rớt trúng ngay đầu” thì bình tĩnh xử lý và khai báo”, chị chia sẻ.

Căn phòng ngày đầu chị tới khu cách ly

Hôm qua, như thường lệ, chị gọi điện thoại cho con gái. Nói chuyện với mẹ, em bảo: “Mẹ có biết là con buồn mẹ lắm lắm không? Sao mẹ đi công tác gì lâu dữ vậy?”, chị nói nghe mà rơi lệ.

“Sắp được gặp rùi con gái ạ. Mẹ sẽ hôn bù 21 ngày xa cách nhé! Chờ mẹ!”, chị đã đăng nội dung này trên trang facebook cá nhân kèm dòng trạng thái “Một kỷ niệm khó quên mùa dịch: gia đình 3 người, ba cách ly Sài Gòn, mẹ cách ly tập trung, con cách ly tại nhà ngoại”.

Nguyễn Nam

Hình ảnh và clip do nhân vật cung cấp


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn