Dấu hiệu hồi sinh từ thành phố biển Đà Nẵng

Chiều cuối tuần chạy xe loanh quanh, đi chậm lên đỉnh cầu Thuận Phước đón cơn gió mát từ ngoài vịnh ngọc thổi vào lồng lộng, quay mặt lại ngắm ánh nắng hươm vàng xuyên qua áng mây thu tỏa xuống khắp thành phố, phủ lên những tàng cây xanh mươn mướt sau mấy trận mưa đầu mùa, như dát vàng lấp lánh trên vách kính của loạt tòa cao ốc ở khu phố trung tâm dọc theo bờ tây dòng sông Hàn.

Nắng thu vàng cũng như muốn đánh thức hàng nghìn căn khách sạn bên phía biển Sơn Trà mau bật dậy sau một kỳ “ngủ đông” kéo dài không một ai mong muốn.

Một góc thành phố Đà Nẵng.

Gần hai năm trời dịch dã bủa vây, như là khó khăn chung của toàn xã hội, thì bản thân mình đã phải căng ra hết sức chèo chống trong cả hai công việc kinh doanh bất động sản và cung ứng đá ốp lát cao cấp cho thị trường miền Trung.

Ban đầu chỉ ở mức độ phải giảm phát tăng trưởng vì những đốm dịch cục bộ được chính quyền thành phố nhanh chóng dập tắt, nhưng đợt dịch kéo dài từ tháng 7 sang tháng 8 năm trước đã làm đổ vỡ hoàn toàn mọi kế hoạch điều chỉnh mức độ doanh thu phù hợp với tình hình mới được hoạch định lại vào đầu quí 2. Mọi việc chỉ tốt lên một chút vào khoảng thời gian sau Tết Âm lịch vừa rồi cho đến đợt nghỉ lễ lớn nhất giữa năm là ngày 30-4 và 1-5, là giai đoạn các doanh nghiệp như mình có cơ hội bán hàng và nguồn thu đủ duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu nhất để chờ đợi sự trở lại bình thường của toàn xã hội.

Thế nhưng, một đợt dịch mới khủng khiếp nhất đã ập tiếp đến, cuốn phăng đi bao nhiêu là hy vọng tươi sáng của mọi người. Đà thành thiệt hại nặng về kinh tế – nhất là ngành du lịch với hàng nghìn khách sạn và nhà hàng đóng cửa, hàng chục nghìn thớt xe cỡ lớn đưa đón du khách,  xe taxi hay Grab đều phải khóa bánh, dẫn theo các ngành nghề bất động sản, xây dựng và các dịch vụ ăn theo du lịch ở thành phố biển cũng lâm vào cảnh khó khăn tột cùng. May mà chính quyền nơi đây giữ vững được mặt trận y tế nên Đà Nẵng không phải chịu nỗi đau kép như Sài Gòn, vừa suy sụp kinh tế lại phải tiễn biệt biết bao nhiêu sinh mạng con người.

Xã hội gần như thinh lặng trước tai ương!

Về phía mình, dù cố cầm cự hết sức cũng phải bán lỗ một nền đất lẻ bên phía Hòa Xuân vào hồi tháng 6 khi vừa chớm dịch, còn bây giờ vẫn rao bán tiếp căn nhà bên đường Cô Bắc là những tài sản tích lũy đời người, thì mới có thể sắp xếp ổn thỏa được phần tài chính, vốn bị bào sạch dòng tiền bởi những chi phí cố định không thể thu hẹp kịp thời trong suốt hai năm vừa qua.

Bên cạnh đó, chỉ trong một tháng sau ngày hết lệnh giãn cách, doanh nghiệp cung cấp mặt hàng đá ốp lát cao cấp bên mình phải thu gọn quy mô từ năm xuống hai địa điểm, còn lại duy trì một nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Khánh và một xưởng chế tác bên Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước mà thôi. Việc sắp xếp này giúp giảm một nửa tiền thuê mặt bằng lên tới 250 triệu mỗi tháng, bớt đi áp lực chi phí đáng kể trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Nhưng dù có khó khăn bao nhiêu đi nữa, thì mình tự hào là chưa bỏ lại một anh chị em công nhân nào cả. Vẫn lo cắt đặt công việc đủ cho tất cả mấy chục con người, đảm bảo thu nhập của anh chị em công ty không bị sút giảm bằng cách xoay xở thêm các đơn hàng gia công gần xa khắp nơi.

Xác định con người vẫn là quan trọng hơn tất cả, nếu còn khả năng duy trì tổ chức nhân sự cứng cáp thì việc doanh nghiệp hồi sinh sau dịch sẽ thuận lợi hơn. Như quí 4 này, doanh nghiệp mình đã bắt đầu nhận cấp đơn hàng gia công bộ cột bằng đá cẩm thạch lớn nhất Việt Nam cho chủ đầu tư là Sungroup lắp đặt trên khu du lịch Bà Nà, cũng như tái tục cung ứng hàng chục nghìn mét vuông đá ốp lát cao cấp các loại cho các dự án bất động sản cao cấp, khách sạn hay resort ven biển kéo dài  từ cuối Đà Nẵng xuống tận Hội An đã bị ngưng trệ suốt thời gian qua. Nếu không có đủ nhân sự có nhiều kinh nghiệm làm việc, chắc chắn doanh nghiệp mình không đáp ứng kịp số lượng hàng hóa gia công phải cung cấp theo hợp đồng với các đối tác nói trên.

Hình ảnh xe Suv kéo theo một chiếc mô tô nước trên đường Lê Đức Thọ đi ra phía biển.

Đổ xe xuống dốc cầu, ngắm nhìn mấy chú mấy anh ngư dân khỏe mạnh cắm lại lá cờ tổ quốc đỏ thắm tung bay trên nóc ghe tàu đánh thủy sản bắt xa bờ, chuẩn bị cho một chuyến ra khơi đầy rạo rực sau những tháng dài nằm bờ.

Đôi cánh dù đỏ thắm bay thử trên nền biển trời Mân Thái xanh lam.

Lại còn bắt gặp hình ảnh xe Suv kéo theo một chiếc mô tô nước trên đường Lê Đức Thọ đi ra phía biển, và đôi cánh dù đỏ thắm bay thử trên nền biển trời Mân Thái xanh lam, hình như của mấy đơn vị du lịch chuẩn bị lại các dịch vụ vui chơi phục vụ du khách quốc tế chuẩn bị trở lại Việt Nam, và họ hẳn nhiên sẽ đến với thành phố biển thân yêu đẹp đẽ đầy lòng mến khách này.

Chuẩn bị cho một chuyến ra khơi đầy rạo rực sau những tháng dài nằm bờ.

Chạy xe dọc theo phố biển Võ Nguyên Giáp, thấy các công trình xây dựng khách sạn loại lớn bắt đầu tăng tốc hoàn thành, hoặc những khách sạn đóng cửa trước đó bắt đầu thuê mấy dịch vụ vệ sinh vách kính, lau dọn mặt tiền đèn đóm sáng choang. Thành phố hồi sinh được ngành du lịch, thì những doanh nghiệp như mình nhanh chóng được hồi sinh theo, xã hội sẽ trở lại những ngày yên bình và tươi đẹp sau một kỳ đại dịch kinh hoàng đầu thế kỷ mà thôi.

Nguyễn Đình Hoàng Quân

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn