Gần tới tháng 12, dạo bước trong công viên mà lòng tôi luôn nhớ về những ngày cao điểm dẫn khách du lịch quốc tế đi tham quan, trải nghiệm và khám phá Việt Nam. Tôi rất nhớ nghề. Nhớ cảm giác được nói, được chia sẻ những điều mà mình đam mê, yêu thích, chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện đi làm, đi kiếm tiền.
- Các điểm du lịch ở TPHCM mở cửa trong… hồi hộp
- Mê mẩn cánh đồng hoa kỳ lân tím đẹp mộng mơ ở Gia Lai
Sài Gòn chuẩn bị bước vào mùa khô, đó cũng là thời điểm các HDV Inbound (đón khách du lịch quốc tế đến) bận rộn nếu như đại dịch Covid-19 không xuất hiện. Lần gần nhất, tôi được bận rộn với nghề cũng đã cách đây tròn 2 năm. Ở thời điểm đó, dù thông tin về Covid-19 cũng đã xuất hiện trên các trang báo trong nước cũng như trên thế giới nhưng khách Tây (khách quốc tế) vẫn đến Việt Nam nườm nượp.
Tôi không phải là HDV chính thức cho một đơn vị lữ hành nào mà chỉ đảm trách vai trò cộng tác cho 4-5 công ty du lịch khác nhau. Cứ vào khoảng cuối tháng 11 hàng năm, cũng là mùa cao điểm của du lịch Inbound, trung bình mỗi tháng, tôi “đi khách” (từ lóng của dân HDV du lịch nói về việc chạy tour) từ 18-22 ngày.
Từ Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết cho đến các tỉnh miền Tây hay ra đảo Phú Quốc, tôi bận rộn với những chuyến đi có thể kéo dài cả tuần.
Thời điểm đó, chuyện tôi rời nhà từ 1:00 sáng và về nhà có thể là đêm muộn là rất đỗi bình thường. Thậm chí, có những lần đi dẫn tour quá dài, tôi mệt lả, nôn thốc nôn tháo ngay tại khách sạn.
Số ngày được đi rong ruổi với khách du lịch đếm không xuể, điện thoại lúc nào cũng “cháy máy” từ các đơn vị lữ hành gọi đặt dẫn tour. Dù vất vả nhưng tôi vẫn rất yêu mến công việc HDV du lịch của mình.
Thế rồi dịch Covid-19 bùng phát. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả cuộc sống của các HDV du lịch, trong đó có tôi. Không còn được “đi khách”, tôi phải vất vả vật lộn với nhiều nghề khác nhau để mưu sinh như làm bảo vệ, shipper, nhân viên phục vụ…
TPHCM hiện tại có hơn 5.800 HDV du lịch, trong đó có hơn 3.500 HDV có thẻ quốc tế (HDV Inbound). Đối với các bạn là HDV Inbound, họ sở hữu một, thậm chí một vài ngoại ngữ nên có thể sẽ có lợi thế hơn các bạn HDV nội địa trong quá trình tìm việc làm.
Các bạn ấy có thể đảm trách vai trò giáo viên ngoại ngữ, phiên dịch viên hoặc nộp hồ sơ vào các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến ai cũng gặp khó khăn, cả về mức thu nhập cũng như sự ổn định lâu dài trong cuộc sống.
Với cá nhân tôi, công việc của một cộng tác viên biên dịch hiện tại bây giờ có phần nhàn hơn so với khi đảm trách vai trò của một HDV Inbound trong quá khứ. Tôi có nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn, dành nhiều thời gian cho việc chạy bộ ưa thích ở công viên gần nhà hơn. Tuy nhiên, tôi không hề thích thú với sự nhàn rỗi ấy.
Vào những ngày cuối năm này, tập thể dục trong công viên mà lòng tôi luôn đau đáu về những ngày mùa du lịch cao điểm du lịch Inbound của những ngày xưa đẹp đẽ. Tôi rất nhớ nghề. Tôi rất nhớ cảm giác cầm microphone trò chuyện với du khách, nhớ cảm giác được chỉ trỏ, giới thiệu cho họ những danh lam thắng cảnh, di tích ở Việt Nam.
Tôi nhớ cảm giác được nói, được chia sẻ cái mà mình đam mê, yêu thích, chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện đi làm, đi kiếm tiền.
Hiện tại, một số địa phương cũng đã thực hiện việc đón khách quốc tế theo hộ chiếu vắc-xin. Du lịch Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực cho quá trình hồi phục trở lại.
Tôi mong rằng ngành du lịch sẽ sớm trở lại dù chặng đường sắp tới còn rất nhiều gian nan. Khi ấy, những người làm du lịch nói chung và đội ngũ HDV inbound nói riêng như chúng tôi sẽ lại có dịp trở lại với nghề mà mình yêu thích.
Nam Sơn