Câu chuyện du lịch: Khám phá Kala – Cung đường khó quên

Một ngày cuối tháng 3 năm ngoái, chúng tôi cùng nhau đến hồ Kala, Di Linh, Lâm Đồng chinh phục cung đường xe đạp ở địa hình bình sơn nguyên với núi cao kèm đất đỏ bazan xen lẫn đá vừa kết hợp chèo SUP với những trải nghiệm khó quên.
Đạp xe khởi động.

Kala là một hồ chứa nước nhân tạo có diện tích mặt hồ rộng trên 300 héc ta thuộc địa phận thôn Kơ Nệ, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Hồ được xây dựng trên suối Dariam từ năm 2004 đến 2008 cùng đập thủy lợi lớn với mục đích chính là phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho người dân kết hợp với nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái.

Di Linh là huyện có địa hình đồi tiếp đồi, dốc nối dốc nên khi ngồi trên xe ô tô chỉ thấy thích thú với mảng xanh trùng điệp của cây và mặt hồ Kala phẳng như tấm gương khổng lồ.

Thế nhưng khi xe đến bãi cắm trại, cái nắng chói chang giữa trưa ngày cuối tháng 3 làm mình có chút mệt vì áp lực công việc và bị thiếu ngủ. Sau khi cất hành lý vào lều, nhóm mình ăn trưa với cơm niêu và lá bép xào, cá kèo kho rau răm… trước khi chuẩn bị cho buổi chiều đạp xe nhẹ nhàng và để team làm quen địa hình.

Những chiếc thuyền SUP bên hồ Kala.

Màu xanh của những vườn cà phê nở hoa trắng muốt, những cánh đồng rau bạt ngàn, những ô ruộng bậc thang nối nhau tít tắp; còn có con suối nước trong mát lạnh, những đường mương dẫn nước tưới, rồi những con đường đất đỏ bazan… cũng đủ vẽ lên khung cảnh tuyệt vời của vùng đất cao nguyên này.

Khi mặt trời còn trên lưng đồi, cả nhóm đã quay về lại bãi cắm trại để chuẩn bị chèo SUP ngắm hoàng hôn. Nắng đã dịu, tiếng cười đùa rôm rả của mọi người làm sinh động thêm cho vùng quê yên ả.

Nhóm thì chèo SUP, nhóm thì bơi dưới làn nước mát lạnh, nhóm thì tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc không muốn để lỡ hay có nhóm chỉ đơn giản là ngồi lại với nhau chuyện trò. Mình thích những buổi chiều như thế!

Tối đến, mọi người ai cũng vui vẻ chuyện trò bên bàn ăn nào thịt nướng, nào lẩu cá tầm được nuôi tại hồ Kala… Và đặc biệt hơn hẳn khi tiếng cồng chiêng hòa cùng gió ngàn và ngọn lửa được thắp sáng làm rạng rỡ hơn nét đẹp của những điệu múa đơn sơ nhưng đậm bản sắc dân tộc của đồng bào K’ho nơi đây.

Tiếng cồng chiêng hòa cùng điệu múa bên bếp lửa hồng.

Ánh lửa hồng cùng điệu cồng chiêng rộn rã ấy đã làm ấm lại không khí se lạnh của màn đêm. Chúng mình cùng múa, cùng hát, cùng chuyện trò như thể mọi gánh nặng cuộc sống đều được bay theo làn gió mát, kết nối mọi người lại thành một đại gia đình… tạo năng lượng tích cực cho ngày mới!

Tỉnh giấc khi màn sương còn lãng đãng trên mặt hồ êm ả và mùi cà phê thơm nhẹ nhàng, những cơn gió se lạnh, từng đôi chim chao lượn… bình yên. Cả nhóm ngồi quây quần với nhau bên chuyện trò, ăn sáng. Sau khi kiểm tra xe, nhóm khởi động kỹ càng cho một ngày chinh phục những con dốc, chính xác là dốc nối dốc.

Lần đầu tiên trong đời mình hiểu thế nào là địa hình bình sơn nguyên và địa hình núi cao cùng đất đỏ bazan xen lẫn đá…. Những con dốc trơn trượt làm mình dắt bộ khá nhiều vào đầu buổi sáng. Chỉ đến khi quen dần với dạng địa hình “khó nhằn”, mình luôn cố gắng hết sức để có thể hoàn thành các con dốc một cách tốt nhất theo sức mình.

Cung đường đạp xe bụi mịt mù.

Mình nhớ, có những con dốc cao và dài đến nỗi nhìn đã thấy “ngán” nhưng mình cứ lầm lũi đạp. Cũng may là “sợ dắt xe hơn đạp” nên cuối cùng cũng không đến nỗi thất vọng về bản thân mình hay có con dốc bụi, đang cố sức đạp đến 3/4 dốc thì bị “đá ngầm” cản đường đành dắt bộ vì không còn sức rướn để giữ xe thăng bằng.

Nhưng cái khó không phải ở việc dừng lại mà nó nằm ở chỗ phải thăng bằng để tiếp tục đổ dốc khi mình đang ở giữa lưng chừng đồi mà chỉ cần thả tay thắng xe cũng lôi mình tuột không điểm dừng còn cơ thể chỉ muốn nhào lộn ngược về trước.

Bình an khi hoàn thành việc “đổ” hết những con dốc đầy đá tròn nhẵn trơn tuột xen lẫn cát mịn là hạnh phúc và thành công mà giờ nhìn lại mình còn thoáng rùng mình. Rất nhiều những kỷ niệm trong chuyến đi này.

Sau khi nghỉ ngơi và vác xe qua cây cầu gỗ nhỏ, mình nhìn thấy con dốc vừa cao vừa dài trước mặt mà chân hết muốn đạp, đơn giản vì nó đã được nghỉ ngơi đủ lâu nhưng chưa được đánh thức kịp lúc.

Và đắm mình dưới dòng nước mát lạnh khi chèo SUP.

Mọi người đều kiên trì nỗ lực vượt qua những con dốc, có người đó là sự thân thuộc vì từng đi nhiều lần nhưng với mình và phần đông thành viên khác thì đã cùng nhau khám phá thêm khả năng của bản thân và vỡ òa với việc mình đã làm được.

Mình nghe nói “hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến”. Và mình vẫn luôn hạnh phúc trên những cung đường mình đi qua và con đường mình chọn.

Mình cũng cố gắng mỗi ngày để khám phá khả năng của bản thân chứ không đi tìm giới hạn của chính mình. Rất cám ơn các đồng đạp luôn bên cạnh, cùng nhau vượt qua mọi cung đường.

Hoài Trâm

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn