Tâm lý du khách còn chưa thoải mái, ngân sách hạn chế, các quy định về phòng chống dịch cũng chưa ổn định do ngành y tế và chính quyền còn cẩn trọng nên các khu, điểm du lịch tại TPHCM dù đã mở cửa vẫn… hồi hộp và dè chừng vì không biết lúc nào “lên cấp độ dịch”.
- Thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn: Lữ hành “than khó” bán tour vì quy định phòng dịch của các tỉnh
- Thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn: Phòng dịch mỗi nơi mỗi kiểu làm “khó” du khách
Mở cửa nhưng… hồi hộp
Theo chia sẻ của ông Trần Lê Bảo Châu, Tổng giám đốc Làng du lịch Cá Gô Đồng ở quận Bình Thạnh, thành viên của chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn, làng du lịch đã mở cửa hoạt động trở lại nhưng dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 nên gặp khá nhiều khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, đối tác.
“Chưa kể với ‘thích ứng trong tình hình mới’, doanh nghiệp phải luôn chủ động, có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho khách”, ông Châu nói và cho biết thêm, tâm lý du khách vẫn còn chưa thoải mái, dịch bệnh kéo dài cũng ảnh hưởng đến túi tiền. Ngoài ra, các quy định về phòng chống dịch của các tỉnh, thành cũng chưa đồng nhất do ngành y tế và chính quyền còn cẩn trọng nên vẫn hồi hộp.
Ông Châu cho biết thêm Làng du lịch Cá Gô Đồng đang là điểm đến ưa thích của các đơn vị có nhu cầu tổ chức hoạt động ngoại khóa, ngoài trời cho sinh viên, nhân viên vì khuôn viên rộng và nằm trong trung tâm TPHCM.
“Với chính sách giá tốt, chỉ khoảng 100.000 đồng/khách cùng với việc di chuyển trong nội tỉnh hiện nay thuận lợi hơn so với việc phải đi xa nên các trường cũng bắt đầu đưa sinh viên (du lịch) đến tham gia các hoạt động ngoại khóa”, ông Châu nói và cho biết, dù vậy vẫn cứ trong trạng thái hồi hộp vì quy định đón khách được phân theo cấp độ vùng dịch.
“Hồi hộp không biết lúc nào thành ‘vùng đỏ’. Đó không chỉ là tâm lý chung của doanh nghiệp lữ hành mà ngay điểm đến và du khách cũng lo lắng nên hiện nay các tour trải nghiệm tại Làng du lịch Cá Gô Đồng thường có thời gian đặt dịch vụ rất sát ngày”, ông Châu chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn, cả nhà trường và làng du lịch vẫn áp dụng các biện pháp về phòng chống dịch như yêu cầu khai báo y tế, sinh viên đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19…
Còn với công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11 dù đã mở cửa trở lại hôm 6-11 nhưng chỉ hoạt động vào hai ngày cuối tuần. Theo chia sẻ của đại diện truyền thông Đầm Sen, việc mở cửa trở lại bình thường sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Dịp này, Đầm Sen cũng miễn phí vé cổng và giảm 50% vé trọn gói đến ngày 28-11 cho nhóm đối tượng là thầy cô giáo và các em học sinh – sinh viên. Đối với giáo viên, đem theo thẻ ngành (giáo dục) và thẻ xanh chứng minh đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Riêng các em học sinh, đem theo thẻ học sinh – sinh viên (còn thời hạn), và phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc-xin; đồng thời khi đến Đầm Sen thì phải khai báo y tế bằng QR Code tại cổng và luôn tuân thủ quy tắc 5K khi vui chơi trong công viên.
Trong khi đó, Khu du lịch Suối Tiên, quận 9, theo chia sẻ của ông Huỳnh Đồng Tuấn, Phó tổng giám đốc, khu du lịch dự kiến sẽ mở cửa trở lại để phục vụ khách vào dịp Tết Dương lịch (1-1-2022) và sẽ miễn phí vé cổng cho trẻ em khi đi cùng người lớn. “Chúng tôi cũng sẽ đưa vào hoạt động và phục vụ du khách tham quan nông trại nho được trồng bằng công nghệ cao của Nhật Bản”, đại diện Suối Tiên nói thêm.
Còn với Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc lập), theo thông báo trên website, điểm tham quan này vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại để phục vụ khách du lịch.
Mong chính sách “lỏng” từ ngành y tế
Trao đổi thêm với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Châu cho rằng ngành y tế nên có góc nhìn rộng hơn cho các ngành khác có cơ hội phục hồi. “Vì hiện nay y tế chỉ nhìn dưới góc độ chống dịch nên rất khó để doanh nghiệp du lịch triển khai dịch vụ. Ngành du lịch là ngành ‘nhạy cảm’ nên sẽ chịu tác động trực tiếp khi các tiêu chí phòng chống dịch cứ nhảy lên nhảy xuống”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, ngành y tế nên có “khung” về hướng dẫn đón và phục vụ khách đến từ vùng dịch, cấp độ dịch để doanh nghiệp mà áp dụng chứ cứ ban hành văn bản chung chung theo kiểu “vùng xanh được mở cửa và hoạt động đón 100% công suất còn vùng cam, vùng vàng thì hạn chế… khiến doanh nghiệp khó và không dám triển khai dịch vụ vì chẳng biết thế nào là hạn chế”, ông Châu chia sẻ thêm và cho biết đã xác định “sống chung” thì phải tạo tâm lý thoải mái cho người dân, du khách.
Ngoài ra, ông Châu cho biết thêm, khi chúng ta xác định “sống chung với dịch” thì yếu tố ý thức cộng đồng rất quan trọng. “Nên chăng, ngành y tế nên phát động phong trào ‘mỗi người dân là một y sĩ’, chủ động tìm hiểu thông tin và các biện pháp về phòng chống dịch”, ông Châu đề xuất thêm.
Nguyễn Nam