Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm trekking núi lửa Chư Bluk

Núi lửa Chư Bluk nằm trong hệ thống hang núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, tọa lạc tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu với tổng chiều dài lên đến 25km.

Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu hệ thống hang động, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000 – 7.000 năm.

Hang C9 Chư Bluk cũng như các hang động khác trong quần thể đang là điểm đến hấp dẫn cho những ai đam mê khám phá.
Quần thể hang núi lửa này gồm rất nhiều hang với các ký hiệu như A1, C3, C7, C8, C9. Các hang này đều đặc trưng với dòng dung nham phun ngược, tạo nên các tầng kiến tạo độc đáo và cảnh quan núi lửa kỳ vĩ.

Cách di chuyển đến hang động Chư Bluk

Chư Bluk rất dễ nhận ra từ xa, bởi vị thế đặc biệt, nằm giữa một vùng đồi trống rộng lớn. Tuy nhiên, vì hệ thống hang động này có rất nhiều hang và con đường để tiếp cận tới các hang động cũng không phải dễ vì vậy để đảm bảo an toàn và tiết kiệm thời gian, bạn nên liên hệ với ban quản lý rừng phòng hộ hoặc người bản địa để được dẫn đi.

Từ Sài Gòn để lên Krông Nô bạn có thể đi xe máy hoặc xe khách. Nhóm mình muốn đảm bảo an toàn và sức khỏe nên quyết định đi xe khách về Đắk Nông sau đó liên hệ xe trung chuyển đưa về nhà người dẫn đoàn đã liên hệ trước đó để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và sắp xếp lại đồ đạc và chuẩn bị lên đường.

Từ đây đoàn được một chiếc máy cày chở tới điểm bắt đầu trekking vào khu núi lửa. Sau khoảng 20 phút “dập dìu trên con siêu xe” trên những con đường gồ ghề, hai bên là những cánh đồng ngô bạt ngàn, lộng gió, chúng tôi cũng tới được điểm bắt đầu trekking.

Con “siêu xe” đưa cả đoàn đến điểm trekking.
Hệ thống các hang động ở đây nằm rải rác trong một cánh đồng rộng lớn. Để tiếp cận được các hang bạn phải luồn lách qua những ruộng ngô bạt ngàn hay những con đường sình lầy giữa cách đồng, dưới là lớp đất đỏ bazan bám dính.

Nếu đi vào mùa khô thì đường khô ráo, khá dễ đi còn nếu không may gặp phải những cơn mưa, cánh đồng ngô ấy và những con đường đất đỏ bazan sẽ trở nên lầy lội, trơn trượt, việc di chuyển sẽ khó khăn hơn nhiều.

Thường các miệng hang núi lửa không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Vì vậy cần có người biết rõ về vị trí các hang để việc tìm kiếm, khám phá được dễ dàng, an toàn hơn.

Miệng hang um tùm cây cối rất khó nhận biết.

Điểm thú vị ở Chư Bluk

Khi đến với Chư Bluk, điều thú vị nhất có lẽ là hành trình thám hiểm hệ thống các hang núi lửa nơi đây. Ở mỗi hang động có một đặc điểm và mang mỗi vẻ đẹp khác nhau, như:

+ Hang A1 dài 456,7 mét với dòng nham thạch trong lòng hang lồi lên và được nhà khoa học so sánh giống như một con đê.

+ Hang C3 dài 594,4 mét đứng thứ hai về độ dài ở khu vực Đông Nam Á, các nham thạch và dung nham rất mịn, dòng chảy đều và đẹp, trên thành hang cũng có nhiều hóa thạch khuôn cây, nghĩa là khi dòng dung nham bám quanh và đông cứng lại xung quanh cây, sau đó cây biến mất đã để lại khuôn.

+ Hang C6 là hang có hố khí tựa như giếng trời do khối khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy.

+ Hang C7 dài 1.066,5 mét được các nhà khoa học đánh giá là hang dài, đẹp trong khu vực Đông Nam Á. Nền hang âm sâu cách mặt đất chừng 12 mét và hoàn toàn không có lối đi xuống, muốn xuống phải đu dây khoảng 23 mét. Nền hang ở đây rất đẹp, có nhiều hoa văn và trông giống như bề mặt dòng dung nham. Trong hang có rất nhiều khuôn cây và nham thạch hiện hữu.

Bên cạnh đó, còn nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm. Và đây là hang dung nham núi lửa có nhiều hoa văn, thuộc dạng hiếm trên thế giới với các thạch nhũ đẹp.

+ Hang C8 là một trong những hang động mới được các chuyên gia Nhật Bản khám phá. Từ miệng hang nhìn vào bên trong là một hình vòng cung với khối đá tuyệt đẹp. Từ trên miệng hang đi xuống khoảng 18 – 20 mét có các tảng đá lớn chồng chéo lên nhau tạo thành một lối đi xuống. Miệng hang hình bậc thang, nền hang là những khối đá lởm chởm. Trong hang rất ẩm ướt, khá tối và có nhiều sinh vật lạ sinh sống.

+ Hang C9 là hang có cổng vòng to thật to. Lối xuống hang là con dốc xuống khoảng 30 – 40 độ, toàn là những tảng đá dung nham lớn nhỏ chồng chất rải rác khắp mọi nơi và bị phủ lên trên những bụi cây dương xỉ lớn, những cây gai, cây dại và dây leo rất rậm rạp, um tùm. Vì vậy khi di chuyển xuống phải hết sức cẩn thận.

Cửa hang với thảm thực vật xanh.
Khi xuống được dưới hang, hiện ra ngay trước mặt là thành hang hình vòm cung màu xám được phủ đầy các lớp cây dương xỉ trông khá lạ mắt và huyền bí.

Tiếp tục đi sâu vào hang, các tảng đá nham thạch nằm rải rác khắp nơi, dưới nền là dòng chảy dung nham đỏ vàng cuộn lên thành từng gợn, trên thành hang sẽ có những đường vân dung nham với hình thù rất sinh động.

Khi phóng tầm mắt qua bên trái cửa vào hang, sẽ thấy một cửa hang khác. Ở cửa hang này, cây cối mọc xanh tươi hơn. Những luồng ánh sáng luồn qua những kẻ lá với các lớp bụi sương bay nhẹ trong làn nắng chói chang cùng với những tảng đá núi lửa xếp chồng được phủ đầy các lớp thực vật, cho ra một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ đến lạ thường.

Ngoài hành trình khám phá các hang động, bạn có thể kết hợp tham quan cụm thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long ở gần cũng đẹp và thú vị.

Cụm thác Dray sap – Dray Nur – Gia Long

Thời điểm thích hợp nhất để khám phá Chư Bluk

Thời điểm lý tưởng cho chuyến hành trình đến hang Chư Bluk là mùa xuân và mùa hè. Lúc này thảm thực vật xanh tốt, trời nắng đẹp và ít có mưa, đường đi khô ráo, di chuyển dễ dàng hơn.

Đặc biệt bạn nhớ tránh mùa mưa bão vì khi ấy những con đường đất đỏ bazan dẫn vào các hang sẽ rất lầy lội và những con dốc đá đầy rêu khi xuống cửa hang cũng rất trơn trượt, nguy hiểm.

Ảnh: Trúc Mai, Cường núi lửa


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn