Câu chuyện du lịch: Hành trình khám phá miền Tây bằng xe đạp

Tôi nói sợ các bạn không tin nên mời các bạn cùng xem lại tour “9 cửa sông Mekong” mà tôi đã tham gia. Đây là tour đạp xe xa nhất và dài ngày nhất của tôi từ khi làm quen với “con ngựa sắt” thể thao. Hành trình đã để lại trong tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc và ấn tượng khó quên.

Từ chuyện đạp xe

Chúng tôi xuất phát vào ngày mùng 7 Tết Tân Sửu (ngày 18-2-2021), từ Sài Gòn đi ô tô xuống Sóc Trăng và đạp ngược về Sài Gòn trong 3 ngày liên tiếp. Tổng cự ly khoảng 300km. Buổi chiều ngày đầu tiên, chúng tôi chỉ đạp khởi động xung quanh thành phố Sóc Trăng khoảng 25km.

Chúng tôi đạp xe trên đường làng.

“Con ngựa sắt” của tôi chỉ là chiếc xe đạp touring bình thường, không sang trọng hay đắt giá bằng các “thiết mã” khác đi chung đoàn nhưng nó “rất ngoan”. Nó đã lặng lẽ đi cùng tôi suốt một chặng đường dài hơn 300km trong 3 ngày liên tục. Đi từ nội ô Sóc Trăng đến Duyên Hải (Trà Vinh) qua cù lao Tam Hiệp (Bình Đại – Bến Tre) để trở lại Sài Gòn. Mỗi ngày chúng tôi cùng đồng hành khoảng 100km.

Đoàn chúng tôi đã băng qua đủ mọi địa hình, từ đường nhựa bằng phẳng đến đường đất sét lồi lõm, ngoằn ngoèo; đường đá dăm đầy ổ gà, ổ vịt; đường đan nhỏ hẹp, lúc lên cao, khi xuống thấp… Tóm lại, chỉ còn đường sình là chúng tôi chưa qua mà thôi!

Cả nhóm check-in giữa cánh đồng lúa.

Còn nhớ ngày đạp xe thứ hai, chúng tôi đang đi giữa cánh đồng lúa chín của tỉnh Sóc Trăng, bỗng chiếc xe như khựng lại… thì ra, chúng tôi đang đạp ngược chiều gió.

Rồi chúng tôi lại đi vào một con đường đất sét nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, lồi lõm, bên phải là con kênh xanh nước chảy lững lờ, bên trái là ruộng lúa vàng ươm. Gió bấy giờ cực mạnh, thổi ngang từ trái qua phải, sơ sẩy một chút là tắm kênh như chơi! Cứ cách khoảng 50m thì có một mương xẻ ngang con đê để cho nước ra vào… Lúc đó, tôi chọn biện pháp an toàn là… dẫn bộ.

Đến điểm tham quan

Thật quá nhiều cảm xúc để kể! Buổi chiều đầu tiên đến Sóc Trăng, chúng tôi đã khởi động bằng một tour ngắn, quanh thành phố.

Chính xác thì sau khi check-in những cánh đồng lúa chín, chúng tôi cũng tranh thủ tham quan 2 ngôi chùa Khmer nổi tiếng: chùa Dơi (Mahatup) và chùa Pătum Wôngsa Som Rông, có kiến trúc đẹp và có tượng phật nằm lớn nhất Việt Nam.

Và tham quan chùa.

Chúng tôi đến chùa thì nắng sắp tắt nên sau khi vội vã ghi lại vài tấm hình kỷ niệm nơi đây, chúng tôi nhanh chóng đi ăn tối rồi về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị tinh thần cho ngày mai “xung trận”. Vậy chứ cũng có mấy bạn tranh thủ đi tham quan thành phố về đêm.

Sáng hôm sau, trời còn mờ tối, chúng tôi đã lên đường. Rời khỏi nội ô Sóc Trăng không bao lâu, chúng tôi choáng ngợp trước cảnh những đồng lúa chín vàng, thơm bát ngát, mênh mông đến tận chân trời.

Trước mắt tôi bây giờ là một khung cảnh “ruộng đồng cò bay thẳng cánh”, một bức tranh đồng quê tuyệt đẹp! Sóc Trăng – quả không hổ danh là vựa lúa của miền Nam! Xa xa, một số máy gặt đập liên hợp đang hoạt động hết công suất. Không còn cảnh nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa.

Trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi đã lên hơn 10 chuyến phà lớn nhỏ, lần lượt vượt qua các cửa sông Trần Đề, Định An, Cung Hầu, Cổ Chiên, Hàm Luông, cửa Đại, cửa Tiểu. Sóng gió quá trời nhưng cảm giác thật thú vị.

Chúng tôi đã lên hơn 10 chuyến phà lớn nhỏ.

Tôi thích đứng trên các chuyến phà, mắt hướng về sóng nước mênh mông để đón những ngọn gió mát rượi từ biển thổi vào, để hít thở đầy lồng ngực không khí trong lành của biển cả, để hòa mình cùng với thiên nhiên rộng lớn…

Đêm cuối ở cồn Tam Hiệp, chúng tôi ăn tối và nghỉ ngơi tại homestay Út Trinh. Đây là buổi tối thoải mái nhất, vui nhất của chúng tôi. Cả đoàn 25 con người, đã không còn xa lạ với nhau như ngày đầu tiên nữa.

Dương Minh Phượng

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn