Du lịch giữa mùa dịch: Đà Lạt, địa điểm du lịch người ta cứ muốn tìm về

Đà Lạt là một thành phố du lịch đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Một năm, người ta có thể đến thăm thành phố sương mù này đến vài lần. Vẫn là những chốn quen cũ với hàng thông, hồ Xuân Hương hiền hòa, vẫn là cái tiết trời se se lạnh đặc trưng làm người ta buồn man mác nhưng Đà lạt vẫn cứ như thế, vẫn làm người ta cứ muốn tìm về.

Trước khi khoảng thời gian nghỉ dịch bắt đầu thì tôi cũng đã có cơ hội được ghé đến Đà Lạt, dù chỉ là một ngày dừng chân ngắn ngủi nhưng tôi đã có những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ với những người bạn của mình.

Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi tham quan là thác Datanla – một trong những thác nước đẹp nhất tỉnh Lâm Đồng với hệ thống xe trượt tự lái hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu bạn là một người ưa mạo hiểm thì nên thử khi đến đây nhé! Còn tôi đã lựa chọn không đi bằng xe trượt mà sẽ tự mình đi bộ đến thác. Mặc dù con đường đến thác khá dốc và thời tiết không ủng hộ khi trời đổ vài cơn mưa phùn làm mặt đất thêm trơn nhưng tôi và những người bạn của mình vẫn không bỏ cuộc, thật cẩn thận bước từng bước.

Khi đã thấm mệt và không biết còn phải đi bao lâu nữa thì hiện ra trước mắt tôi đã là dòng nước trắng xóa với khung cảnh thật sự khiến tôi thích thú. Thác nước có độ cao hơn 20 mét, được nằm ở thượng nguồn của dòng chảy nên dòng nước lúc nào cũng chảy ở mức ổn định và êm đềm nhất. Chúng tôi ai nấy cũng đều tranh thủ chụp hình cùng dòng thác.

Đà Lạt ngoài những cảnh sắc tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng còn sở hữu những công trình thu hút khách tham quan từ bàn tay sáng tạo của con người. Trong đó, phải kể đến Đường hầm điêu khắc đất sét – một địa điểm du lịch mới với toàn bộ công trình đều được hình thành từ đất sét. Bạn sẽ phải trầm trồ khi biết rằng nơi đây được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận hai kỷ lục, đó là: Ngôi nhà đất đỏ Bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất và ngôi nhà đất đỏ Bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất.

Tôi khá ấn tượng với những tiểu cảnh độc đáo được xây dựng tại đây, trong đó phải kể đến Hồ Vô Cực với tiểu cảnh là hai gương mặt đang nhìn nhau, như thể hiện tình yêu giữa chàng Lang và nàng Biang. Phía sau là hồ nước như trải dài đến vô cực, tạo nên khung cảnh nên thơ, nên họa.

Hoạt động sau đó khá thú vị khi chúng tôi đến với Xã Lát để tham gia chương trình “Giao lưu cồng chiêng Tây Nguyên” với người dân tộc K’ho, tìm hiểu nền văn hóa người bản địa. Giọng ca nội lực vang vọng núi rừng và những điệu nhảy đầy điêu luyện của các chàng trai cô gái miền sơn cước đã làm tôi phải trầm trồ và không thể rời mắt.

Sinh viên chúng tôi cũng đáp lại bằng những tiết mục văn nghệ vô cùng ngẫu hứng và nhiệt huyết, khán giả chúng tôi đã “đốt cháy” cái lạnh Đà Lạt hôm đó. Dường như không có khoảng cách giữa người dân và du khách. Thêm một chút thịt nướng và rượu cần đã làm chúng tôi “say” con người và mảnh đất Tây Nguyên ở đây mất rồi!

Khi đứng giữa khoảng không gian chơi vơi và se lạnh của Đà Lạt về đêm, tôi thấy lòng mình có một chút bâng khuâng nào đó. Người ta vẫn hay nói rằng Đà Lạt là mảnh đất của sự chia tay, tan vỡ của các cặp đôi nhưng “lòng người cạn thì ắt nơi nào cũng cạn”, Đà Lạt vẫn luôn là nơi để người ta lựa chọn tìm đến khi muốn nuôi dưỡng những cảm xúc đẹp bên trong mình. Tôi thích cái cảm giác buồn man mác mà không khí nơi đây mang lại, tôi thích cả những chuyến đi nhiều cảm xúc tại nơi đây. Hết dịch, hẹn Đà Lạt một chuyến nữa nhé!

Lâm Ngọc Kim Ngân


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn