Ông chủ du thuyền nghỉ đêm trên vịnh mỗi tháng phải chi cả tỉ đồng dù không hoạt động

Dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch đóng băng, hàng loạt các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh vận tải biển có nghỉ đêm… bị chao đảo. Thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh nhưng nhiều công ty vẫn phải “gồng mình” để chi trả những khoản phí để chờ ngày hồi phục.

Điển hình như Tập đoàn Lux Group, một trong những thành viên của chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn, mỗi tháng vẫn phải chi cả tỉ đồng để trả lãi vay ngân hàng, tiền lương nhân viên, bảo hiểm và tiền bến bãi của du thuyền…

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group bên chân dung cụ Bạch Thái Bưởi.

Theo chia sẻ của ông Phạm Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Lux Group – doanh nghiệp chuyên kinh doanh các dịch vụ du lịch cao cấp, bao gồm cả kinh doanh dịch vụ du thuyền nghỉ đêm trên các vịnh tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp của ông.

Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông liên quan đến tình hình hoạt động và những khó khăn mà tập đoàn này đang phải gánh chịu bởi tác động của Covid-19.

SGTT: Thưa ông, từ khi đi vào hoạt động, đã bao giờ các du thuyền của công ty phải nằm không tại bãi như hiện nay?

Ông Phạm Hà: Trước khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, gần như các du thuyền hoạt động ở Nha Trang, Hạ Long và Lan Hạ không có chỗ để bán cho khách quốc tế. Khi thị trường khách quốc tế “đóng băng vì Covid”, chúng tôi chuyển sang phục vụ thị trường khách nội địa.

Có thể khẳng định, sự chuyển hướng kinh doanh đã này mang lại luồng sinh khí mới, tạo ra xu thế đi du thuyền cho người Việt trong năm qua.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4, tất cả du thuyền của chúng tôi trên cả 3 vịnh đều phải vào bờ nằm “trùm mềm”.

Dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch đóng băng, các du thuyền phải vào bến nằm “trùm mềm”. Ảnh cắt từ clip

Trong số những lần tái bùng phát dịch Covid-19 trong nước, đợt này là tương đối lâu khi đã gần 3 tháng rồi vẫn chưa thể kiểm soát được.

Tại phía Bắc, tình hình dịch bệnh đã dễ thở hơn so với các tỉnh, thành phía Nam. Dù vậy, một số địa phương như thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, việc cho phép hoạt động du lịch cũng “chập chờn tắt – mở” khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Hiện nay, Lux Group đang phải chi trả những khoản phí như thế nào?

Tất cả các du thuyền đang nằm bãi. Kinh doanh không có nguồn thu đã đành, mỗi tháng chúng tôi phải chi khoảng 1 tỉ đồng cho các khoản phí như bến bãi, duy tu du thuyền, trả lương nhân viên trực tàu bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn giông bão bất thường và tiền lãi suất ngân hàng. Đó là chưa kể chi phí khấu hao tài sản và khấu trừ tuổi thọ của hoạt động klinh doanh du thuyền theo quy phạm pháp luật.

Trong thời gian này, chúng tôi sửa lại cầu cảng, chuyển bến du thuyền từ bến phà Gót, Hải Phòng về Tuần Châu, Quảng Ninh để thuận tiện trong phục vụ du khách và tránh tắc đường vào mùa cao điểm.

Như ông chia sẻ thì du thuyền đang nằm bãi. Vậy doanh nghiệp lấy gì để trang trải chi phí?

Đấy là khó khăn rất lớn khi không có thu mà vẫn phải chi. Chúng tôi cũng đã tính bài toán tối ưu hoá dòng tiền nhưng không thấm vào đâu. Thậm chí đã phải vay khắp nơi để trả lãi ngân hàng, công ty giảm chi tiêu về mức tối thiểu.

Trải nghiệm tham quan vịnh Lan Hạ bằng du thuyền 5 sao.

Cái khó hiện nay của hầu hết doanh nghiệp hoạt động du lịch là ngân hàng đã không hỗ trợ lãi suất, thậm chí còn tăng lãi suất so với trước dịch. Ngay như doanh nghiệp chúng tôi muốn vay ngắn hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh cũng không được ngân hàng phê duyệt hồ sơ với rất nhiều lý do nên chúng tôi tự cứu mình là chính.

Tình hình hiện nay, ông nghĩ sao về hộ chiếu vắc-xin du lịch để đón khách quốc tế, vốn có lợi thế của du thuyền?

Dịch Covid-19 không biết đến khi nào mới có thuốc đặc trị. Chính vì thế, chúng tôi xác định sống chung với dịch. Tuy nhiên, để doanh nghiệp “bước qua bĩ cực”, chính quyền cần tạo “lằn xanh” để doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh tế.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo tiêu chí 5K của Bộ Y tế; đồng thời đẩy nhanh tiêm chủng toàn dân, áp dụng hộ chiếu vắc-xin nội địa cho người Việt Nam. Thời điểm này có thể thí điểm với thị trường khách miền Bắc, sau đó tiến tới mở cửa hoạt động bình thường cả nước.

Du khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ đạp xe trên đảo Cát Bà.

Với thị trường quốc tế, chúng ta chỉ mở cửa khi đã đảm bảo cộng đồng miễn dịch, khoảng 70% dân số tại khu vực xác định sẽ đón khách quốc tế đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Đối với khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin, nếu xây dựng được lộ trình đón khách, quy trình phục vụ và các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn… thì có thể công bố, quảng bá thông tin để đón khách.

Điều quan trọng là cần xây dựng lộ trình rõ ràng, các biện pháp phải cụ thể. Thậm chí, cần xây dựng cả kịch bản giả định nếu có nhóm khách bị nhiễm Covid-19 sau khi vào Việt Nam. Mọi thứ phải ở thế chủ động và trong tâm thế sẵn sàng.

Lux Group là tập đoàn kinh doanh chuyên lĩnh vực du lịch với hệ sinh thái gồm xe vận tải hành khách Luxtrans Limousine, Lữ hành Lux Travel DMC, Luxury travel, khu nghỉ núi Secret Hideaways Pù Luông, đội du thuyền Emperor Cruises Nha Trang và Hạ Long, Heritage Bình Chuẩn trên quần đảo Cát Bà. 

Nguyễn Nam thực hiện

Hình ảnh và clip do công ty cung cấp

 

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn