Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm chinh phục núi Chúa, Ninh Thuận

Nắng, nóng, mất sức là những điều anh Mai Văn Vinh ở Ninh Thuận cảm nhận được khi chinh phục núi Chúa, Ninh Thuận với hình thức treckking (đi bộ đường dài) sau 2 ngày 1 đêm.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Mai Văn Vinh cho biết anh vốn là người ưa khám phá và trải nghiệm thiên nhiên, du lịch xanh. Trước đây, anh đã từng tham gia nhiều như núi Lảo Thẩn (Lào Cai), cực Đông, núi Bà đen (Tây Ninh), núi Chứa Chan (Đồng Nai), cung đường Tà năng – Phan Dũng (Lâm Đồng – Bình Thuận), hồ Tiên – La Ngâu (Bình Thuận)…

Cung đường tuyệt đẹp với màu xanh cây cỏ. Ảnh: NVCC

Mới đây, anh đã có một trải nghiệm thú vị tại quê hương mình khi tham gia trải nghiệm tour leo núi Chúa có độ cao xấp xỉ hơn 1.000m trên mực nước biển, một cung đường khó nhằn ngay cả với những người leo núi chuyên nghiệp.

“Trong hành trình lần này, mình chọn tour bên Vườn Quốc gia núi Chúa với 1 hướng dẫn viên, 2 porter (người gùi đồ), cùng 6 thành viên khác, để có thể cảm nhận chuyến đi một cách mộc mạc nhất và cũng tăng tính an toàn của chuyến đi”, anh chia sẻ.

Tự tại giữa thiên nhiên mây trời. Ảnh: NVCC

Nắng, nóng, mất sức là những cảm nhận của anh khi chinh phục cung đường này. Nhưng với anh mọi vất vả sẽ được bù đắp xứng đáng khi được hòa mình vào núi rừng, ngắm nhìn biển Đông từ trên ngọn núi cao nhất Ninh Thuận. Ngoài ra, những đồi cỏ xanh mướt, thảm thực vật rừng phong phú nơi đây cũng khiến mọi người bất ngờ.

Anh cho biết, sau quá trình “hành xác” có lẽ việc được đắm mình trong con suối mát lạnh nơi đây, thưởng thức bữa tiệc nướng là điều khiến mỗi người phấn khích hơn cả. Không công việc, không lo toan, không công nghệ, mọi người trong đoàn quây quần trò chuyện dù là người lạ khiến con người gần nhau hơn.

Đu đưa giữa mây trời trong khoảng thời gian nghỉ chân. Ảnh: NVCC

“Có lẽ điều khiến mình cảm thấy ấn tượng nhất có lẽ là khí hậu nơi đây, ban ngày khí hậu khắc nghiệt với nhiệt độ cao và nắng gắt, nhưng về đêm nhiệt độ giảm nhanh và rất lạnh. Theo cảm nhận của bản thân mình, khi đến đây mình có thể khí hậu cả 4 mùa trong 1 ngày”, anh nói.

Chia sẻ kinh nghiệm về chuyến đi lần này, anh cho rằng người tham gia tour nên trang bị 2 bộ quần áo mỏng, nhẹ, dễ hút mồ hôi, giày chuyên dụng và không quên mang theo nón, khăn choàng.

Thiên nhiên trở thành chất xúc tác tuyệt vời giúp con người gần nhau hơn. Ảnh: NVCC

Đồng thời, quá trình leo núi và đi bộ thể lực sẽ dễ bị giảm sút, vì thế nên mang theo 1 chai nước chanh muối, viên sủi C để bổ sung năng lượng cho bản thân.

“Trước khi leo núi, mình nghĩ mọi người nên rèn luyện sức khỏe ở nhà trước với các bài tập như chạy bộ, leo cầu thang…để có một nền tảng thể lực tốt nhất, sẵn sàng khám phá thiên nhiên vô tận”, anh nói.

Minh Hoàng



Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn