Du lịch giữa mùa dịch: Khám phá không gian di sản vô giá ở Hội An

Mở cửa miễn phí từ năm 2017, phòng tranh Di sản vô giá của Réhahn không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật mà còn “kể” lại những câu chuyện mà anh biết được về người dân tộc bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt.
Phòng tranh của nhiếp ảnh gia người Pháp tại Hội An.

Một buổi sáng đi dạo, khi ngang qua số 26 đường Phan Bội Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, tôi bị lôi cuốn bởi không gian di sản vô giá nhưng lại được vào cửa tự do.

Ngôi nhà cổ 2 tầng được nhiếp ảnh gia Réhahn (42 tuổi, quốc tịch Pháp) dùng làm phòng tranh với cái tên “rất lịch sử”: Di sản vô giá. Tầng 1 của ngôi nhà, tác giả trưng bày 200 bức ảnh đặc sắc về vẻ đẹp con người, trong đó chủ đạo là tác phẩm về phụ nữ Việt – những người mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Réhahn nổi tiếng về các bức ảnh chụp chân dung

Tầng trên là bộ sưu tập hình ảnh di sản quý giá trưng bày 35 bộ trang phục truyền thống, câu chuyện và các hiện vật liên quan đến đời sống và văn hóa của các dân tộc Việt dọc 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Nhà nhiếp ảnh gia người Pháp chia sẻ, chính tình yêu nhiếp ảnh đã đưa anh đến với hơn 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Nhưng anh chọn Việt Nam là quê hương thứ hai vì ở đây anh cảm thấy tự do và hạnh phúc hơn bất cứ nơi nào anh đã đến.

Một góc trong phòng tranh của Réhahn.

Để thực hiện phòng tranh của mình, suốt nhiều năm qua, Réhahn đã xuôi ngược không biết bao nhiêu lần trên lãnh thổ Việt Nam; lặn lội tìm hiểu những giá trị của đời sống người dân để cho ra những tác phẩm độc đáo.

Cũng có khi anh phải dành thời gian để nghiên cứu về văn hóa các dân tộc rồi từ đó sưu tầm, “kể” lại câu chuyện qua cách hiểu của bản thân về trang phục của những người dân tộc bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt.

Mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng được Réhahn phục dựng trong không gian phòng tranh của mình.

Cũng theo Réhahn, cuộc sống hiện đại khiến con người đang chạy theo những giá trị mới thiên về vật chất mà đôi khi quên mất đi những nét văn hóa truyền thống. Có những giá trị về văn hóa đang bị mai một dần.

Hành trình tìm kiếm để có được những bức ảnh và trang phục truyền thống trong bảo tàng này đối với Réhahn cũng không phải điều dễ dàng. Việt Nam là quốc gia đa dạng về văn hóa và luôn thể hiện điều này bằng nhiều cách.

Mô hình nhà rông của người Bana ở Tây Nguyên.

Một vài tộc người thiểu số Việt Nam đang suy giảm một cách nhanh chóng. Sự hòa nhập của cuộc sống hiện đại đã tạo nên nhiều ảnh hưởng đến nhóm dân tộc này theo cách mọi người không lường trước. Những người trẻ rời bỏ làng quê lên đô thị làm việc, tự tạo nên cuộc sống của riêng mình, bỏ lại sau lưng những di sản có nguy cơ biến mất mãi mãi.

Vì tình yêu nhiếp ảnh, tình cảm với những giá trị văn hóa Việt Nam càng thôi thúc vị nhiếp ảnh gia người Pháp tìm hiểu về vùng đất này. Những xúc cảm khó diễn tả, trong đó có cả những lo âu, đáu đáu về nét văn hóa đang có nguy cơ mai một.

Réhahn tâm sự: “Việt Nam đã cho tôi nhiều thứ. Từ cơ hội thành công cho đến gặp gỡ các nhân vật như mẹ Sông – những nhân vật làm thay đổi sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi. Sau suốt hành trình sưu tập được chân dung các dân tộc cùng những bộ trang phục truyền thống tôi muốn mở bảo tàng này như một cách để tri ân Việt Nam”.

Réhahn, sinh ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1979 ở Bayeux, Normandy, Pháp, là một nhiếp ảnh gia hiện đang sống tại Hội An, Việt Nam. Anh đã đi qua hơn 35 quốc gia và đặc biệt nổi tiếng về các bức ảnh chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ.

Tại Việt Nam, anh đã gặp gỡ 49 dân tộc, chụp và thu thập trang phục truyền thống, vật dụng phản ánh văn hóa địa phương về trưng bày ở phòng tranh của mình.

Trần Quang Duy

CEO Chim Cánh Cụt Travel


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn