Nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của người S’tiêng ở Bình Phước là di sản quốc gia

 Sáng ngày 15-5, tại không gian sinh hoạt của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập diễn ra lễ công bố nghề truyền thống đan gùi và dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ công bố nghề dệt thổ cẩm và đan gùi của người đồng bào S’tiêng đang sống ở Bình Phước là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, Bảo tàng Văn hóa Bình phước phối hợp Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tổ chức.

Người dân biểu diễn đang gùi ở lễ công bố nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản Văn hóa phi vật thể, diễn ra vào ngày 15-5 tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Khương Thắng

Nghề thủ công dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 21-2. Trước đó vào tháng 3 năm ngoái, nghề đan gùi của người S’tiêng cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Các sản phẩm thổ cẩm cũng như gùi của người S’tiêng Bình Phước ngoài được sử dụng để phục vụ nhu cầu cuộc sống thường ngày, đây còn là sản phẩm được sử dụng làm vật trao tặng nhằm thể hiện tình cảm quý trọng, thiêng liêng giữa các thế hệ, gắn kết trong đời sống xã hội của người S’tiêng. Hiện còn khá ít người theo nghề này, đa số là những người người lớn tuổi.

Ông Điểu Thuận, Phó chủ tịch xã Bù Gia Mập chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm và đan gùi của người S’tiêng được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là một niềm vinh hạnh lớn lao đối với người đồng bào S’tiêng và địa phương, địa phương sẽ cùng người dân chung tay giữ gìn nghề truyền thống, hỗ trợ để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, đảm bảo di sản văn hóa này được lưu giữ và phát triển bền vững.”

Khu vực trưng bày và trình diễn nghề thủ công dệt thổ cẩm của huyện Phú Riềng. Ảnh: Khương Thắng

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 41 dân tộc thiểu số với khoảng 200.000 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh, trong đó người dân tộc S’tiêng có khoảng 100.000 người. Đồng bào S’tiêng được xem là người dân tộc bản địa và sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, các thị xã Bình Long, Phước Long.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, trong những năm qua cũng đang góp phần quảng bá và giữ gìn văn hóa địa phương thông qua các hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Vườn quốc gia đào tạo người dân tham gia làm hướng dẫn viên du lịch, phục dựng các lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng, lễ hội lúa mới, mời các nghệ nhân đan gùi, dệt thổ cẩm… tạo ra các hoạt động sinh hoạt nhằm thu hút du khách. Các hoạt động này không chỉ làm đa dạng sản phẩm du lịch mà tạo công việc cho người dân, vừa giữ được văn hóa truyền thống địa phương, vừa có nguồn thu nhập cho người dân.

Tỉnh Bình Phước hiện có 7 di sản được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm Lễ hội Miếu Bà Rá thị xã Phước Long; Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Lễ hội cầu bông của người Kinh huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long; Nghề dệt thổ cẩm của người Mơ Nông và nghề đan gùi của người S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng.

Khương Hữu Thắng
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn