“Khi tham gia làm du lịch, được tiếp xúc với các bạn nhỏ như thế này, tôi cảm thấy đó là cơ hội quý giá. Tiếng mẹ đẻ, các lễ hội, điệu múa của dân tộc mình được giới thiệu đến thế hệ lớp sau, thấy rằng văn hóa của người Chăm vẫn được quan tâm và truyền bá cho đời sau”, một người dân tộc Chăm chia sẻ.
- Giáo dục tình yêu thiên nhiên cho học sinh qua những lần đến với rừng
- Sáng kiến Điểm đến An toàn đồng hành cùng các điểm đến phát triển du lịch xanh
Ông Ức Viết Vòng, người dân tộc Chăm tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận, lặn lội khoảng 1 giờ đồng hồ để đến chia sẻ trong buổi giao lưu kỹ năng giao tiếp được tổ chức tại TP Phan Thiết, Bình Thuận với sự tham gia của gần 300 bạn học sinh từ một trường quốc tế ở TPHCM.
Từ chất liệu địa phương
Buổi giao tiếp kỹ năng với chủ đề “Ilimo Champa”, tạm dịch văn hóa Chăm Pa, nằm trong hành trình “Salam Panduranga”, tạm dịch xin chào vương quốc Chăm Pa, do Công ty Hải Âu Cần Thơ (Haiau Educursions), thành viên sáng kiến Điểm đến An toàn, tổ chức cho hơn 1.700 học sinh, chia làm nhiều đợt trong tháng 3.
Trong buổi giao lưu lần này, những học sinh trong độ tuổi từ 12, 13 được chơi các trò chơi thông qua những câu hỏi, tranh ảnh để tìm hiểu về văn hóa người Chăm, điểm nhấn là học sinh được tương tác với đồng bào người Chăm, các bạn có thể đặt câu hỏi với người dân và thực hành một số hoạt động như đánh trống Paranưng, nghe kèn Saranai, những nhạc cụ được xem là “linh hồn” trong các lễ hội của người Chăm.
“Em rất vui khi gia buổi giao lưu như này, đây là lần đầu tiên em được nhìn thấy những loại nhạc cụ này, âm thanh nó phát ra rất lạ. Chú nghệ nhân còn dạy em tiếng của người Chăm, như cách chào, tạm biệt, giới thiệu bản thân… khiến chúng em rất hào hứng. Em muốn được tham gia nhiều buổi giao lưu như thế này”, bạn Nguyễn Ánh Ngọc (12 tuổi) tham gia trong buổi giao lưu, nói.
Bên cạnh buổi giao tiếp “Ilimo Champa”, không chỉ tiếp xúc văn hóa qua nghe và nhìn, những học sinh tham gia tour này còn được “chạm”. Các em học sinh còn có thời gian tham gia các trò chơi vận động gắn với văn hóa người Chăm. Chẳng hạn như thử thách mặc trang phục của đồng bào Chăm, tham gia múa quạt, múa bình gốm, biểu diễn nhạc cụ, vẽ thổ cẩm…
“Không giống về những chuyến về nguồn chỉ đến xem và nghe thuyết minh, đối với HaiAu Educursions, khi làm du lịch chúng tôi muốn các bạn nhỏ được “chạm” nhiều hơn. Với độ tuổi này, khả năng tiếp nhận thông tin sẽ không giống với người trưởng thành, do đó những thông tin cung cấp cho các bạn phải được truyền đạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu và phải được ôn tập, nhắc lại liên tục”, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng giám đốc HaiAu Educursions, cho biết.
Ngoài ra, với cốt lõi dựa vào cảm hứng từ bản địa và tôn vinh văn hoá tộc người bản địa, HaiAu Educursions cũng mong muốn tạo ra những chương trình mà ở đó mà học sinh, người trẻ có thêm những hiểu biết và góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, bà nói thêm.
Chị Thu Trang (28 tuổi), làm công việc giáo viên mầm non tại tỉnh Ninh Thuận đã dành khoảng hơn 2 giờ di chuyển để đến tham gia dạy múa trong thử thách của các bé, chị cho biết: “Với người Chăm múa dân gian như múa quạt, múa bình gốm chính là hình thức gửi gắm những ước nguyện. Khi được hướng dẫn cho các bé thực hành những điệu múa này mình cảm thấy rất ý nghĩa, đây cũng là một cách để các bạn ghi nhớ lâu hơn và hứng thú hơn khi tìm hiểu văn hóa người Chăm”.
Du lịch vừa học vừa chơi
Trên hành trình di chuyển giữa các điểm đến, hầu như các hướng dẫn viên điều không bỏ trống thời gian. Lúc trên xe các hướng dẫn viên sẽ kể chuyện về những điểm đến, ôn tập những kiến thức qua tương tác qua việc đặt câu hỏi và để các bạn nhỏ trả lời chẳng hạn như người Chăm ở Việt Nam có mấy nhóm, người Chăm dùng chữ viết gì…? như vừa cung cấp kiến thức vừa ôn tập lại để học sinh ghi nhớ lâu hơn. Đây là cách thức học tập nhẹ nhàng, thực tế, mỗi chương trình là một chuyên đề học tập, được tổ chức trong một địa điểm nhất định.
Ngoài những hoạt động tìm hiểu văn hóa của đồng bào Chăm, hành trình “Salam Panduranga” để các em học sinh có sự hiểu biết về vùng đất này, HaiAu Educursions còn tổ chức cho các bạn tham quan các điểm đến nổi tiếng của TP Phan Thiết như đồi cát hồng, tháp Poshanư.
Các bạn học sinh còn được tham quan Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa. Khi đến đây, các bạn được ngắm nhìn các di vật, được tương tác nhập vai làm dân chài lưới cá, đóng vai diêm dân trên những cánh đồng muối, thăm phố cổ Phan Thiết 300 năm, ghé nhà hàm hộ (đại gia nước mắm) xưa, khám phá nguồn gốc quy trình làm nước mắm, tên gọi nước mắm ngày xưa, lý do có tên gọi “nước mắm” như hiện nay. Không chỉ vậy các bạn nhỏ được thưởng thức ca múa nhạc qua vở Huyền thoại làng chài, để các em càng thấy rõ hơn về sự hình thành của mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này.
Hoạt động giáo dục qua những chuyến du lịch được công ty phối hợp xuyên suốt với nhiều trường học và tìm đến những vùng đất mới lạ đối với các bạn nhỏ. Có khi là tại những cánh rừng của các vườn quốc gia, khu bảo tồn như Bình Châu – Phước Bửu, Cát Tiên, Núi Chúa hoặc khi thì tìm về biển như Phú Quốc, Nha Trang… Những đặc trưng của vùng đất sẽ được lồng ghép để giờ chơi cũng là giờ học.
“Khi làm việc cho các bạn nhỏ, mình cảm thấy có nhiều hứng thú, ở độ tuổi này các bạn đang tò mò về thế giới xung quanh và với vai trò là người kết nối mình mong muốn những thời gian như này ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa bản địa mà còn rèn luyện các kỹ năng khác như giao tiếp, cách làm việc nhóm…”, anh Đăng Khoa (32 tuổi), hướng dẫn viên, cho biết.
Em Trần Việt Hoàng (13 tuổi) chia sẻ: “Chuyến đi dã ngoại cho em thời gian để vừa thư giãn, vừa học hỏi thêm văn hóa mới đó là văn hóa của dân tộc Chăm. Trong suốt chuyến đi em được trải nghiệm rất nhiều điều và chuyến đi này giúp em trưởng thành hơn, tự lập hơn, đây cũng là chuyến đi đầu tiên xa nhà mà không có ba mẹ em đi cùng”.
Ngày nay, du lịch có trách nhiệm không chỉ là du lịch xanh, không tác động xấu tới môi trường sống mà còn là tìm hiểu, nâng cao hiểu biết và gìn giữ văn hóa bản địa.