Về Tây Nguyên vào những ngày tháng 3 này, các bản làng nơi đây đang bước vào lúc “ăn năm uống tháng” với nhiều lễ hội được tổ chức. Ở làng du lịch cộng đồng Kép 2 thuộc xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai, người dân lại rộn ràng trong tiếng cồng chiêng và men rượu. Trong làng vừa có ba gia đình làm lễ Pơ Thi cho người thân đã mất.
- Du lịch giữa mùa dịch: Về Tây Nguyên để nghe tiếng vọng của đại ngàn
- Cảnh sắc thanh bình tại điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của TPHCM
Lễ Pơ Thi là một trong những nghi lễ dân gian độc đáo, tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số như Jarai, Ba Na, Ê Đê… Theo quan niệm của họ, trên đời có 3 thế giới: thế giới dành cho người sống, thế giới của ông bà tổ tiên, thế giới của các vị thần linh.
Người dân tại làng Kép 2 nói rằng con người sau khi chết sẽ thành ma và vẫn ở lại quanh quẩn với người thân. Con cháu trong nhà có nhiệm vụ mang cơm nước ra mả mỗi ngày để mời linh hồn người đã khuất. Công việc này sẽ kết thúc khi lễ Pơ Thi diễn ra, thường sau khoảng 5-7 năm hoặc lâu hơn tùy vào kinh tế của từng gia đình. Khi lễ kết thúc, gia đình sẽ hoàn toàn chia tay với người đã khuất, không còn lưu luyến nữa, chấm dứt mọi ràng buộc và họ sẽ không tiếp tục chăm sóc mả nữa, đây cũng là lý do Pơ Thi còn được biết đến với cái tên là lễ bỏ mả.
Bà Rơ Châm Kich, một già làng cho biết: “Lần này, có 3 gia đình cùng đứng ra tổ chức bỏ mả cho người thân đã khuất 12, 20 năm của họ. Họ cần cả 2, 3 tháng để chuẩn bị tiền bạc, trâu bò, vật dụng, các thủ tục cúng vái, kiêng cữ trước khi lễ chính thức diễn ra”.
Lễ bỏ mả có 2 phần: Tại nhà và ngoài mả. Các gia đình có người chết phải chuẩn bị đồ cúng lễ rồi báo tin cho họ hàng, toàn thể buôn làng tới dự. Trước ngày diễn ra lễ, họ sẽ chặt gỗ, làm nhà mồ, đẽo tượng, tượng gỗ này phản ánh các lứa tuổi, sinh hoạt khác nhau. Mâm cúng làm lễ không bắt buộc, tùy từng nhà, nếu giàu có thì trâu, bò, heo, gà, rượu cần, cây nêu, nếu gia đình khó khăn thì sắm heo, gà, rượu cần.
Gần đến lễ Pơ Thi, các trai làng sẽ tập hợp tre nứa, củi khô được chặt, lượm từ trong rừng và dựng lều cho khách mời tới tham gia lễ bỏ mả. Họ dựng cây nêu hình nhân, tượng trưng cho người đã mất, rồi cắm cọc cột trâu, vót tre làm ly uống rượu, dựng nhà bếp và mang nồi niêu xoong chảo ra để sẵn.
Theo truyền thống, trước lễ bỏ mả cả tháng, người Jarai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng tượng nhà mồ và quét dọn, tu sửa lại ngôi mộ lần cuối. Tượng nhà mồ là sản phẩm điêu khắc độc đáo được dựng lên từ những bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong làng.
Có nhiều lời giải thích khác nhau về ý nghĩa của các tượng nhà mồ. Những bức tượng ở phía gần trung tâm luôn là những bức tượng thể hiện sự hoan ái, biểu trưng cho sự phồn thịnh, ước muốn về một cuộc sống hạnh phúc ở thế giới bên kia. Ở bốn góc mộ là những bức tượng người ngồi ôm mặt thể hiện tâm tư của những người phải chia tay với người đã chết. Với tượng người đàn ông ôm thỏ thể hiện niềm vui trong lao động, săn bắn, tượng nữ giới mang thai thể hiện vai trò chức năng của phụ nữ trong việc sinh con chăm lo cuộc sống gia đình và nhiều tượng hình nhân với các hoạt động khác…
Trong ngày đầu tiên, người viết bài này khi theo đoàn du lịch của Công ty Image Travel & Events (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn) trải nghiệm lễ hội bỏ mả, từ 4 giờ chiều đã thấy đông người dân trong làng và khách phương xa tụ tập lại điểm bỏ mả. Họ được những người phụ nữ trong làng mời dùng những sản vật họ đã chuẩn bị, có cơm lam, chuối xào, bánh gạo thổi và rượu.
Khi mặt trời xuống núi, cũng là lúc những bếp lửa được thổi lên. Các bà, các mẹ, các chị bắt tay nấu nướng. Họ nấu cháo bột với thịt heo và rau lang, nướng nhăm klang brong ding (thịt nướng trong ống nứa) và gói trong những chiếc lá dầu đã được rửa sạch sẽ, sau đó mang đến mời từng người trong làng. Họ ăn bốc, phì phà khói thuốc, say với chung rượu cần, vừa nói, vừa cười đùa trêu chọc nhau. Một bữa ăn cộng đồng mang nhiều ý nghĩa và gần gũi với tự nhiên, không muỗng nhựa, chén nhựa. Có du khách còn nói đùa rằng: đây là phiên chợ 0 đồng có một không hai, chỉ có sẻ chia, không hề mua bán.
Khi trăng lên cao cũng vừa lúc diễn ra nghi lễ mong đợi nhất, đó là tiết mục cồng chiêng và múa xoan xung quanh cụm mả chuẩn bị bỏ. Trai làng luân phiên nhau trình diễn cồng chiêng. Các cô gái kéo tay nhau rủ rê lập thành 1, 2 vòng lớn múa xoan xung quanh.
Nhiều âm thanh lạ tai cùng vang lên từ chiếc trống, cồng chiêng, tạo nên một bản nhạc dân tộc vừa thổn thức, vừa thần bí. Họ múa và chơi cồng chiêng cả đêm. Người này mệt lại được người khác thay thế.
Lễ hội Pơ Thi là một dịp lễ đặc biệt quan trọng đối với người Jarai. “Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm rằng mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Linh hồn họ mới có thể tái sinh vào kiếp khác, sống một cuộc đời mới. Vì ý nghĩa này, lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất trong năm”, một người dân trong làng chia sẻ.
Đây cũng là dịp để dân trong làng tụ họp, trò chuyện, cùng nhau san sẻ thức ăn và giải trí sau những ngày mùa lao động vất vả. Tại lễ hội, các loại hình nghệ thuật độc đáo đều có mặt, giống như không gian của “bảo tàng” của người Jarai: có đan lát, cồng chiêng, múa xoan, ẩm thực, hội họa…
Trước kia, lễ Pơ Thi thường được tổ chức trong 7 ngày liên tục. Qua thời gian, hiện nay chỉ còn 3 ngày. Ngày thứ nhất, cồng chiêng và múa xoan. Ngày thứ hai, thui trâu, hiến tế và hóa trang ma bùn. Ngày cuối cùng là dành trong gia đình, được tổ chức ở nhà, khi đã chia sẻ thịt trâu, bò, lợn.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên rất coi trọng tình cảm gia đình, họ chuẩn bị cho người chết một “cuộc sống mới”, mong muốn người thân được hạnh phúc, no đủ. Điều thú vị là sau lễ bỏ mả, người sống không còn phải cúng giỗ hay lưu luyến với người đã mất… Đây là nét đặc sắc rất riêng trong văn hóa tâm linh của người dân vùng này.
Hiện nay, du lịch Tây Nguyên đang ngày càng thu hút nhiều du khách. Nhiều làng đã ghi tên du lịch cộng đồng như Làng Kép 2, để quảng bá mời khách đến thăm. Khép lại chuyến đi, người viết bài này nghĩ rằng, những phong tục tập quán nơi đây rất cần được quan tâm và hỗ trợ bảo tồn để những giá trị truyền thống không bị mất đi dưới sức ép của sự phát triển.
Phương Hà