Hành hương đầu năm: Khách ưu tiên tour trong nước, ngắn ngày

Sau mùa du lịch Tết Nguyên đán, đây là thời điểm nhiều người tìm về các điểm di tích, đền, chùa… để vãn cảnh, cầu năm mới bình an. Theo ghi nhận tại một số đơn vị lữ hành, năm nay, tour hành hương trong nước, ngắn ngày được du khách ưu tiên lựa chọn.
Khu du lịch núi Cấm ở xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một trong những điểm đến hấp dẫn vùng Bảy Núi, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, khám phá dịp đầu năm mới. Ảnh: Dương Việt Anh

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị – Công nghệ thông tin công ty du lịch BenThanh Tourist, cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các chương trình du lịch hành hương, kết hợp với các trải nghiệm tâm linh nhận được sự quan tâm lớn của du khách.

“Năm nay, lượng khách tham gia tour hành hương chiếm tỷ lệ hơn 50% trên tổng số lượng khách đăng ký tour du lịch có lịch khởi hành vào nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Nhìn chung, sức mua của du khách trong thời điểm này có tính ổn định qua các năm, không xuất hiện sự gia tăng đột biến so với cùng kỳ. Nguyên nhân khách quan là các sản phẩm tour du lịch hành hương có lịch khởi hành ngay sau Tết Nguyên đán, nhu cầu du lịch của khách hàng không còn cao”, bà Linh cho biết.

Tại BenThanh Tourist, với thị trường du lịch trong nước, xu hướng lựa chọn của khách hàng không có nhiều thay đổi. Ở miền Nam, du khách chọn hành hương đến núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Cấm (An Giang); tại miền Trung, chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) là điểm đến “hút” khách và ở miền Bắc, du khách có xu hướng tìm về chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam) hay “đất Phật” Yên Tử (Quảng Ninh).

Trong khi đó, thị trường du lịch nước ngoài có nhiều lựa chọn mới, ngoài điểm đến quen thuộc là “xứ sở chùa Vàng” Thái Lan, thì Ấn Độ và các quốc gia khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc)… là các tuyến hành hương thu hút du khách.

Một góc quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: Dương Nhựt Long

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Ngọc Kim Chi, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Thương mại Thế giới Du Lịch (World Travel), cho biết xu hướng khách hành hương trong nước vẫn chiếm lượng tỷ trọng cao hơn nước ngoài. Bà Chi cho biết  khách hàng đã có kỳ nghỉ Tết dài. Do đó, đối với tour hành hương, khách sẽ chọn đi ngắn ngày nhằm “xin lễ, trả lễ” cho một năm qua.

Theo đó, tại World Travel, hành trình tour ngắn ngày được khách ưu tiên lựa chọn như hành hương những ngôi chùa tại miền Tây như chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ), chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng) hay chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu).

Ngoài các tour du lịch hành hương trong nước, thì các tour hành hương nước ngoài cũng được World Travel giới thiệu đến du khách như tìm về các quốc gia Phật giáo như Bhutan, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ…

Khách du xuân tại núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh: Đạt Thành

Bà Trương Thị Mỹ Hiền, Trưởng bộ phận Outbound của Image Travel, cho biết lượng khách mua tour hành hương tại Image Travel không đáng kể so với các loại hình tour thông thường hay tour MICE nội địa và quốc tế.

Chủ yếu du khách lựa chọn du lịch tự túc, hoặc nếu mua tour, sẽ mua theo hội nhóm lớn, dạng tour thiết kế riêng cho đoàn. Cũng từ đó, du khách Việt có xu hướng chọn tour hành hương trong nước nhiều hơn nhờ sự thuận tiện và tiết kiệm.

Theo bà Hiền, để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hành hương, công ty sẽ chọn hướng dẫn viên có cùng tôn giáo với đoàn khách và có sự am hiểu chuyên sâu về tôn giáo đó.

Ghi nhận tại Bayon Travel, anh Trần Thanh Sử, bộ phận Marketing công ty, cho hay năm nay Bayon Travel giới thiệu đến du khách chương trình hành hương viếng tượng Quan Âm cao nhất thế giới tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), đây là chương trình mới và chưa được nhiều đơn vị lữ hành khai thác.

Anh Sử cho biết thêm, đối với chương trình hành hương trong nước, du khách có xu hướng đi tự túc, không thông qua đơn vị lữ hành.

Nguyên Phong
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn