Vào những ngày có trăng tròn, khoảng từ 14 đến 17 âm lịch hàng tháng, du khách sẽ có một hành trình khác lạ trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Du khách khó có thể tượng tượng trên dòng kênh đen ngày trước nay lại có một tour đầy chất thơ.
Du khách đã quá quen thuộc với các hành trình tham quan và thưởng thức ẩm thực trên sông Sài Gòn, ngắm thành phố về đêm hay lướt sông trên các chuyến ca nô đi Củ Chi, Cần Giờ. Nhưng rất nhiều du khách trong và ngoài nước, kể cả người Sài Gòn đã bất ngờ với các tour trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trong đó có tour “Vọng Nguyệt”.
Từ giữa thập niên 60, rạch Thị Nghè, cùng với rạch Bến Nghé – Tàu Hủ, bắt đầu bị nhà dân lấn chiếm và suốt mấy thập kỷ, việc cải tạo môi trường nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè gặp khó khăn, dòng kênh trở nên ô nhiễm nặng. Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc luôn là hình ảnh “đen ngòm, hôi thối, đầy nhà ổ chuột…”. Từ năm 2003 đến nay, vượt qua nhiều trở ngại, công trình thế kỷ cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cơ bản được hoàn thành.
Khi dòng kênh đã xanh trở lại, hoạt động hai bên bờ nhộn nhịp hơn, ông Phan Xuân Anh, một lão làng trong ngành du lịch, cũng là Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc (thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, đã tâm huyết xây dựng và triển khai chùm tour du ngoạn trên kênh này.
Tour “Vọng Nguyệt” là tour khác lạ, chỉ tổ chức vào những ngày có trăng tròn, rõ thường là các ngày 14, 15, 16, 17 âm lịch hàng tháng. Khác lạ còn vì phải trông chờ vào trăng và khó có thể tưởng tượng trên dòng kênh đen lại có một tour đầy chất thơ.
Du khách xuống bến, lên thuyền Nguyệt và bắt đầu hành trình ngắm trăng trên dòng kênh giữa lòng phố thị. Vừa nghe nghệ sĩ tấu khúc nguyệt cầm, vừa ngắm cảnh phố thị Sài Gòn lên đèn, “ngựa xe như nước” hai bên bờ Trường Sa và Hoàng Sa, du khách sẽ cảm thấy dường như đang sống chậm lại, bình yên hơn.
Thuyền trôi trên mặt nước hiền hòa, thưởng thức “mỹ vị” ngày trăng với tách trà ấm cùng bánh “nguyệt” – một loại bánh in dân dã tròn như mặt trăng. Vị trà đã ngấm, tức cảnh sinh tình, du khách cứ thế thay nhau ngâm thơ và hát say sưa các bản tình ca, ngợi khen chị Hằng. Những câu chuyện rôm rả trên du thuyền không khác gì nơi các “tao nhân mặc khách” tụ tập bàn chuyện văn thơ.
Trăng đang lên cao, rọi xuống dòng sông lấp lánh ánh vàng, đây cũng chính là lúc du khách thắp hoa đăng và thả xuống kênh cùng lời cầu nguyện những điều an lành, hạnh phúc, cả một đoạn kênh lung linh sắc màu, trở nên thi vị.
Điểm nhấn ấn tượng nhất là khi thuyền Nguyệt khi đi gần đến chùa Chantarangsay (Chantarangsay trong tiếng Khmer có nghĩa là ánh trăng), ngôi chùa mang nét kiến trúc Khmer Nam Bộ đầu tiên TPHCM, du khách sẽ được thưởng thức điệu múa Nghê thường từ các “nàng tiên Apsara” trên sân khấu nhỏ giữa kênh. Những động tác chậm rãi, mang nét dịu dàng, thanh thoát trước ngôi chùa Ánh Trăng và dưới ánh trăng vàng.
90 phút “Vọng Nguyệt” trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giúp du khách hòa mình giữa nét xưa cũ trong nếp sống hiện đại phố thị. Quả thật, dòng kênh đen giờ không chỉ xanh mà còn tràn đầy chất thơ vào các đêm trăng!
Phan Yến Ly
Chuyên gia du lịch
tham gia chương trình “Dấu ấn xanh qua từng điểm đến”
“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.