Những ngày tháng 8, tôi cùng hai con đến Vườn Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận, thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn để tham gia chương trình bảo tồn rùa biển của nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam. Chuyến đi đầy nắng và gió ở Ninh Thuận đã để lại những ấn tượng khó quên, về nhà rồi lại muốn đi tiếp, cảnh vật, con người và những trải nghiệm đầy cuốn hút.
- Sáng kiến Điểm đến An toàn khởi động chương trình ‘Dấu ấn xanh qua từng điểm đến’
- Thông điệp bảo vệ môi trường của cậu học trò người Raglai giành giải nhì vẽ tranh ở Núi Chúa
Tuy nằm trong vùng có khí hậu khô hạn nhưng Núi Chúa vẫn xanh rì với những rừng cây, sự hòa trộn của thiên nhiên khiến cảnh quan nơi đây thật độc đáo. Tôi và các con cứ ngẩn ngơ với vẻ hoang sơ và hùng vĩ nơi đây. Đó còn là những ngọn núi trập trùng, đá to nhỏ đủ loại hình thù xếp chồng lên nhau, biển cả xanh màu ngọc bích, dịu êm với những bãi cát trải dài.
Sáng tinh mơ, quả cầu đỏ rực nhô lên từ mặt biển, những tia nắng đầu tiên chiếu rọi lóng lánh mặt biển xanh, khoảnh khắc khiến tôi đắm chìm trong sự bình yên và tinh khôi của ngày mới. Chiều tối, cả đoàn dắt các con leo lên một gò trống ở trên cao, cậu con trai tôi bảo “mẹ ơi, trời ở đây nhiều sao hơn ở Sài Gòn”. Ở Núi Chúa, vẻ hoang sơ, mộc mạc của biển và trời giúp ta tìm được sự tĩnh lặng, thấy yêu người và yêu đời hơn.
Trong chuyến đi, có lẽ điều thích nhất chính là hoạt động thả rùa về biển, đây là trải nghiệm mà tôi và các con sẽ khó quên được. Sau khi leo qua những đoạn đường dốc từ rừng xuống biển, các con được tận mắt chứng kiến các chú rùa mới nở. Trong mắt trẻ con, chúng như gặp được những người bạn, hồ hởi chơi đùa và sau đó nói lời tạm biệt, tiễn những người bạn về ngôi nhà lớn biển khơi.
Ở đây các con tìm hiểu tập tính rùa biển, được các chuyên gia sinh học giảng dạy quá trình tiến hóa, khi sinh ra chúng đã có được một gien định hướng để cảm nhận từ trường của trái đất, dùng làm định vị nơi chúng sinh ra, khoảng 20 – 40 năm sau nếu sống sót chúng sẽ tìm về nơi sinh ra để sinh con. Khi đẻ trứng xong trước khi về lại biển, rùa mẹ còn biết tạo ra các ổ đẻ giả nhằm đánh lừa kẻ thù, đặc biệt giới tính của rùa con không phải do rùa bố hay rùa mẹ quyết định mà do nhiệt độ môi trường.
Tại đây, đoàn còn tham gia làm bom hạt giống (những viên tròn được vo lại từ đất sét và phân chuồng, bên trong chứa những hạt giống cây rừng), các bom này sẽ được các du khách, nhân viên mang theo khi đi rừng. Những bom hạt giống này được ném vào rừng ở Núi Chúa, gieo những mầm xanh vào tự nhiên, góp phần tái sinh rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Sau chuyến đi, bằng những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, sẽ khơi gợi trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn thiên nhiên, trong đó có loài rùa biển, nhất là đối với các con trẻ trong việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống tốt hơn.
Nga Nguyễn
Chuyên viên Petrolimex Sài Gòn
Tham gia chương trình “Dấu ấn xanh qua từng điểm đến”
“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.