Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển đẹp, nước trong xanh và bãi cát dài phẳng mịn. Ít ai biết rằng nơi đây còn chứa đựng một bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời, ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.
- Lên cao nguyên chiêm ngưỡng Bảo tàng Thế giới Cà phê
- Độc đáo danh thắng núi đá Ba Chồng ở Định Quán, Đồng Nai
Về Nước Mặn khám phá lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ
Hành trình sẽ bắt đầu bằng chuyến đi về cảng Nước Mặn xưa, nay thuộc xã Phước Quang và Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15 phút đi ô tô hướng theo quốc lộ 19.
Vào thế kỷ XVI – XVII, nơi đây từng là cảng thị tấp nập phồn hoa với những chiếc thuyền buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản… có mặt trên những hải đồ mậu dịch thế giới lúc đó.
Cũng bởi vị trí địa lý quan trọng này đã góp phần đưa vùng cảng thị Nước Mặn vào lịch sử hình thành của chữ Quốc ngữ. Với sự góp mặt của thuyền buôn nước ngoài, việc truyền giáo phương Tây cũng sớm hình thành tại đây.
Giáo đoàn các thừa sai Dòng Tên ở xứ Đàng Trong đã thành lập cơ sở tại Nước Mặn từ đầu thế kỷ XVII. Đây là cơ sở thứ hai của các thừa sai Dòng Tên sau khi lập cơ sở truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong tại Đà Nẵng.
Nhằm mục đích truyền giáo thuận tiện hơn, thừa sai Dòng Tên là Francisco de Pina đã phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh với các dấu để phân biệt thanh âm. Sau này, học trò của ông là Alexandre de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ) đã có công hệ thống hóa hệ chữ này để dần hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Và Alexandre de Rhodes được người Việt cho là “ông tổ” của chữ Quốc ngữ.
Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII, phù sa sông Kôn bị bồi lắng, tàu thuyền không tiến sâu vào nội địa được, cảng thị Nước Mặn chìm dần vào quên lãng, không còn dấu tích nữa.
Cho đến năm 2011, để ghi nhận công lao của các thừa sai Dòng Tên, trên nền đất của cơ sở truyền giáo cũ, Giáo phận Quy Nhơn đã cho xây cây đa bằng bê tông gồm 16 nhánh tượng trưng cho 16 cơ sở truyền giáo ở xứ Đàng Trong với những tấm bia tưởng niệm.
Tại đây vẫn còn sót lại giếng nước ngọt cổ được các thừa sai Dòng Tên sử dụng từ xưa trong thời gian truyền giáo. Năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định xếp hạng “Nước Mặn – Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” là Di tích lịch sử cấp tỉnh, thu hút rất nhiều lượt khách tới tham quan và tìm hiểu.
Tham quan Tiểu chủng viện Làng Sông
Nhắc đến chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, không thể không nhắc đến Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có nhà in sách chữ Quốc ngữ, là một trong 3 nhà in ra đời sớm nhất tại Việt Nam (cùng với nhà in Tân Định – Sài Gòn, nhà in Ninh Phú – Hà Nội).
Ngoài tiếng La tinh, tiếng Pháp, nhà in tại Tiểu chủng viện Làng Sông cũng in rất nhiều sách chữ Quốc ngữ như các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Pierre Lục, Lê Văn Đức… được xem là những văn bản bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên.
Ngày nay, tại Tiểu chủng viện hiện còn trưng bày khá nhiều ấn phẩm in từ thời xa xưa của nhà in bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có chữ Quốc ngữ. Có thể nói, Tiểu chủng viện Làng Sông đóng vai trò rất lớn trong lịch sử hình thành, phát triển và quảng bá chữ Quốc ngữ.
Nằm giữa vùng đồng ruộng xanh mát, Tiểu chủng viện Làng Sông nổi bật lên với nét kiến trúc cổ kính cùng những cây sao hàng trăm tuổi. Tiểu chủng viện được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của các nhà thờ phương Tây, phong cách Gothic với tháp nhọn và cổng vòm. Bên cạnh đó là những khu nhà dạy học, sinh hoạt của các nữ tu với dãy hành lang nhiều cột dọc, mái vòm ấn tượng.
Ngoài ra, ngược dòng sông Gò Bồi, Tuy Phước, du khách đến với quê hương của nhà thơ Xuân Diệu, thăm nhà lưu niệm Xuân Diệu. Nhà lưu niệm Xuân Diệu được thiết kế theo kiến trúc Pháp với mái ngói và cửa vòm, quy mô khá kiêm tốn.
Tại đây, du khách sẽ có cơ hội được tìm hiểu, nghe kể về cuộc đời, sự nghiệp của Xuân Diệu, để thêm hiểu, thêm yêu thi sĩ tài ba và đầy tài năng này.
Hành trình tìm về cội nguồn chữ Quốc ngữ tại Bình Định sẽ mang đến một cảm nhận khác về vùng đất “địa linh nhân kiệt” này, một cơ hội để khám phá câu chuyện lịch sử mà ít ai biết được. Đừng bỏ lỡ nhé!
Bi Nguyễn
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.