Quá trình phục hồi du lịch của Việt Nam sau thời gian dài đóng băng vì dịch Covid-19 đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng vì “vướng” nhiều trở ngại chưa được tháo gỡ, trong đó có sự thiếu thống nhất trong quy định phòng chống dịch tại các địa phương đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của các công ty lữ hành.
Tòa soạn Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận ý kiến của các thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn, một chương trình do báo sáng lập.
- Thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn: Phòng dịch mỗi nơi mỗi kiểu làm “khó” du khách
- Đi uống cà phê và ngắm “tuyết rơi” giữa lòng Sài Gòn
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều doanh nghiệp lữ hành là thành viên của Sáng kiến Điểm đến an toàn cho biết đang gặp phải những khó khăn ảnh hưởng tới việc kinh doanh tour, tuyến du lịch vì bị “vướng” quy định phòng dịch của các địa phương.
Theo bà Trần Phương Linh, Giám đốc truyền thông Công ty du lịch BenThanh Tourist, quá trình phục hồi du lịch của Việt Nam sau thời gian dài đóng băng vì dịch Covid-19 đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng.
Thực tế, ngành du lịch còn rất nhiều trở ngại chưa được tháo gỡ, trong đó có sự thiếu thống nhất trong quy định phòng chống dịch tại các địa phương. “Đôi khi, ngay trong một tỉnh, một thành phố, các quy định phòng chống dịch cũng có thể bị thay đổi chỉ sau một đêm”, bà Linh nói.
Hiện trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này làm du khách ngại thủ tục rắc rối nên không muốn đi du lịch, đồng thời cũng đặt các công ty lữ hành vào thế bị động, không thể đảm bảo tổ chức chương trình tour thành công, cũng như khó xoay xở, phản ứng kịp thời nếu bất ngờ xảy ra tình huống tại điểm đến.
“Dù rất mong muốn phục hồi du lịch, nhưng sau hai năm dài kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch, không mấy công ty lữ hành sẵn sàng làm tour nếu còn quá nhiều yếu tố rủi ro”, bà Linh chia sẻ thêm.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel, mặc dù hiện nay, Việt Nam đang chuyển sang trạng thái “sống chung” thay vì đạt được mục tiêu “zero Covid-19” nhưng những quy định về phòng chống dịch của các địa phương vẫn chưa đồng bộ, thống nhất.
“Chúng ta cũng biết đặc thù Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính chất liên vùng rất cao. Du lịch phát triển dựa trên hệ thống dịch vụ công cộng và xã hội. Một khi các ngành dịch vụ, các hoạt động kinh tế còn bị gián đoạn, nhịp sống còn chưa thông suốt thì du lịch không thể khởi sắc”, bà Khanh nói.
Trong khi hiện nay, mỗi địa phương tự đưa ra một phương án về việc tiếp nhận khách và dịch bệnh trên cả nước chưa thực sự ổn định. Nhiều địa phương hôm nay vùng xanh, ngày mai vùng vàng, hay nay vùng vàng, mai vùng cam… Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý du khách và công tác điều hành của doanh nghiệp.
Đại diện Vietravel dẫn chứng, một địa phương đang “vùng xanh” hoặc “vùng vàng”, khách dự kiến đi công tác hay du lịch nhưng chưa kịp đi, vài hôm sau thông tin xuất hiện tỉnh đó chuyển sang cấp độ dịch “vùng cam”, người ta không dám đi nữa.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết, chưa kể, khâu điều hành của công ty sẽ vất vả hơn nhiều vì phải liên tục cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh của các điểm đến mà dự kiến công ty sẽ khai thác, triển khai tour.
Vì thế, theo các doanh nghiệp lữ hành, sản phẩm đã sẵn sàng nhưng việc bán được tour hay không và khách có mua tour để đi được cũng là một vấn đề. Giai đoạn này chỉ cầm chừng vì những quy định khá gắt và diễn biến dịch khó lường trước.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông – marketing Công ty du lịch TST tourist, cho biết tình hình khó nhất hiện nay là TPHCM đã đạt độ phủ vắc-xin khá cao, đảm bảo cho việc tham quan, du lịch. Tuy nhiên tình hình dịch tại các địa phương vẫn âm ĩ, có diễn biến tăng cộng với tỷ lệ phủ vắc-xin chưa cao tạo tâm lý chưa an tâm cho du khách.
“Đó là cái khó chính. Bên cạnh đó, các quy định của mỗi địa phương đều có những điểm chưa nhất quán như việc cách ly hay không cách ly người đến từ TPHCM”, ông Mẫn nói.
Đề xuất của doanh nghiệp
Theo đại diện BenThanh Tourist, bên cạnh việc cần có các chính sách hỗ trợ kinh tế, miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng dành cho các doanh nghiệp du lịch, ta có thể thấy rõ rằng để phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần phải có những chính sách, quy định phòng chống dịch một cách thật chi tiết, rõ ràng và dễ hiểu cho cả các cấp quản lý của chính quyền địa phương lẫn du khách, để họ thấy được sự thuận tiện, dễ dàng và an tâm khi du lịch.
“Các địa phương nên ‘mở rộng cửa’ hơn cho tất cả các du khách đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin, giảm tối đa các thủ tục rườm rà như yêu cầu test PCR, yêu cầu cách ly”, bà Phương Linh nói.
Các tỉnh, thành phố cũng cần chủ động kết nối, thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn liên tỉnh để nhất quán trong việc đón và phục vụ du khách.
Theo bà Linh, trong điều kiện bình thường mới, vắc-xin là yếu tố quan trọng để mở cửa thị trường du lịch. Vì thế, cần đẩy nhanh tiến độ phủ vắc-xin trên cả nước, đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có thế mạnh du lịch để kiến tạo các “vùng xanh” an toàn đáp ứng tiêu chí phòng chống dịch.
Trong khi đó, đại diện Vietravel kiến nghị Tổng cục Du lịch và Bộ Y tế sẽ đưa ra các quy chuẩn và kịch bản cụ thể hướng dẫn cho từng địa phương. “Mỗi màu sẽ có một kịch bản tương đương, áp dụng các phương thức đón khách, hay ứng phó với các ca bệnh phát sinh như thế nào”, bà Vân Khanh nói và cho biết, các địa phương sẽ căn cứ theo đó thực hiện đúng với kịch bản.
Trong khi đó, để không phải “vướng” bởi những quy định phòng dịch của các tỉnh, TST tourist lại chọn phương án tập trung nâng chất của các sản phẩm du lịch TPHCM để phục vụ thị trường 10 triệu dân và tổ chức các tour liên kết đến điểm đến “vùng xanh” an toàn, tất cả du khách đảm bảo 5K và thẻ xanh Covid.
Nguyễn Nam