Xe lôi, ‘nét duyên thầm’ của vùng Châu Đốc

Thành phố biên viễn Châu Đốc, An Giang được ví như rốn văn hóa của Tây Nam bộ, nơi đầu nguồn giữa hai con sông Tiền và sông Hậu chảy vào đất Việt. Du khách ghé thăm nơi này có thể thưởng thức đờn ca tài tử trên sông hay lênh đênh thăm xóm nhà bè đông đúc nổi tiếng của ngư dân nuôi cá da trơn, nhưng ấn tượng nhất là thong dong ngắm phố phường trên chuyến xe lôi.

Không thể nói chính xác xe lôi xuất hiện ở vùng đất Tây Nam bộ từ khi nào, chỉ biết xe lôi đã từng là đặc sản riêng của vùng đất này. Xe lôi là xe đạp, gắn thêm thùng chở khách hoặc hàng hóa phía sau, một loại xe ba bánh, cùng họ xích lô (cyclo, tiếng Pháp) nhưng khác là xích lô chở khách và hàng hóa phía trước, xe lôi thì ngược lại.

Xe lôi không phải loại xe được sản xuất công nghiệp nên hình dáng và thiết kế của mỗi chiếc xe cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng nhờ tính tiện dụng của nó mà ngay từ khi xuất hiện, loại xe này đã chiếm được “cảm tình” và lập tức phổ biến rộng rãi ở khắp vùng Tây Nam bộ trong khoảng nửa cuối thập niên 80 đến nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Dù từng được coi là “xe vua”, nhưng hình ảnh của những chiếc xe lôi rong ruổi khắp xóm, làng chở bà, chở mẹ đi chợ, chở các cô cậu học trò đến trường hay lỉnh kỉnh chở những món hàng đã vắng bóng từ lâu. Giờ đây, “loại đặc sản này” chỉ còn nhiều nhất ở Châu Ðốc, bởi số người cho rằng, vì An Giang là quê hương của xe lôi, nên người dân cố gắng gìn giữ nó như nét văn hóa đặc trưng của mình.

Du khách ngồi xe lôi dạo phố phường TP Châu Đốc, An Giang. Ảnh: Lâm Thanh Quang

Như muốn nếu giữ nét văn hóa xưa, nhiều doanh nghiệp ở Châu Đốc cũng tạo điều kiện kết nối với các tài xế xe lôi để chở khách của họ. Anh Trần Cao Sang, Giám sát Tiền sảnh của Khách sạn Victoria Châu Đốc, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn chia sẻ, “Trải nghiệm ngồi xe lôi là một trong nhiều hoạt động được du khách rất yêu thích khi nghỉ dưỡng tại đây. Cảm giác ngồi trên xe lôi sẽ rất thoải mái, du khách vừa ngồi, vừa hóng gió, vừa tham quan cảnh phố phường”. Tại khách sạn Victoria Châu Đốc nếu du khách có nhu cầu có thể đến quầy lễ tân để đặt trước, khách sạn sẽ sắp xếp các tài xế đến chở du khách ngắm phố phường. Không chỉ vậy, tại sảnh khách sạn cũng bày trí một chiếc xe lôi để du khách có thể chụp ảnh và lưu lại những bức ảnh kỷ niệm với xe lôi, anh Sang cho biết thêm.

Nhiều người cũng gọi vui xe lôi là xe “dân biểu”, tức là dân biểu đi đâu thì đi đó. Trong nghề chia thành hai thành phần: một là dân chuyên nghiệp, hai là dân mùa vụ. Với những người đạp xe lôi chuyên nghiệp thì đạp xe lôi là công việc chính, khách hàng thường xuyên của họ là những người buôn bán ở chợ, hay các bà, các mẹ đi chợ mua hàng. Còn dân mùa vụ, đa số là những người làm nông, tranh thủ chở khách vào những mùa cao điểm du lịch.

Dịp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc vào cuối tháng 4 Âm lịch hàng năm là mùa cao điểm của dịch vụ xe lôi, các tài xế thường tập trung nhiều ở khu vực quanh miếu Bà Chúa Xứ và chợ Châu Đốc để đợi khách đi dâng hương và tham quan các khu vực quanh đó để mua các loại mắm, bánh, các loại đặc sản về làm quà biếu…

Theo các vòng quay chầm chậm của bánh xe không động cơ, du khách cảm nhận cùng nhịp sống, bức tranh phố xá đổi mới. Không chỉ chở khách đi ngắm phố, những tài xế hành nghề xe lôi còn kiêm cả “hướng dẫn viên du lịch” vừa lành nghề, vừa thân thiện.

Trải qua những tròng trành của thời thế, xe lôi vẫn gắn bó với hàng ngàn người dân nơi đây. Nghề đạp xe lôi ở An Giang dường như trở thành sản phẩm du lịch không đụng hàng và lưu giữ nét đẹp văn hóa giao thông đặc trưng của đất phương Nam.

Thiên Thanh

“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn