Suối Tà Pứa, điểm cắm trại qua đêm lý tưởng gần TPHCM

(SGTT) – Cách TPHCM hơn 140km, suối Tà Pứa (Bình Thuận) là địa điểm thích hợp để dã ngoại, cắm trại qua đêm với rừng xanh và suối mát.

 

Lều trại được dựng trên các tảng đá lớn giữa suối.

Suối, thác vùng cực Nam Trung bộ

Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ, Đức Linh và Tánh Linh là hai huyện xa về phía Tây Nam tỉnh, giáp vùng cực Nam của Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Vì thế, khu vực hai huyện này có nhiều rừng, núi, suối, thác như ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên suối, thác ở đây thường có độ cao không lớn, dòng nước thường hiền hòa hơn so với ở Tây Nguyên.

 

Lòng suối Tà Pứa mùa khô.

Nằm giáp ranh hai xã Đức Phú, huyện Tánh Linh và xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, suối Tà Pứa có độ dốc thoai thoải với dòng chảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Vào mùa mưa, người dân hay gọi là “thác trượt Tà Pứa”, bởi có thể dễ dàng trượt theo dòng nước qua tảng đá lớn một cách dễ dàng.

Còn về mùa khô, dòng suối Tà Pứa chảy rất nhẹ nhàng, tạo ra các hồ nước lớn nhỏ dọc theo dòng chảy, bên cạnh là những tảng đá lớn khá bằng phẳng, rất thích hợp để du khách dựng lều cắm trại và tắm suối. Nơi đây cách TPHCM khoảng hơn 140km, có thể đi theo hướng QL1A hoặc QL20 đều dễ dàng, là một điểm “trốn nóng” rất thú vị chưa được nhiều người biết đến.

Cắm trại qua đêm tại suối Tà Pứa

Từ TPHCM, chúng tôi tranh thủ hai ngày cuối tuần đi cắm trại, tắm suối Tà Pứa. Cả nhóm xuất phát từ sáng thứ Bảy bằng xe máy, sau khi đã chuẩn bị sẵn một ít thực phẩm và đồ uống (không cần mang nhiều đồ vì có chợ ở gần điểm cắm trại, mua sắm đồ ăn cũng khá tiện).

 

Bữa tiệc giữa núi rừng.

Đường đi khá dễ dàng, chúng tôi chạy theo QL1A đến ngã ba Ông Đồn thì rẽ trái vào đường đi Đức Linh và đi thẳng đến đèo Tà Pứa. Sau khi vượt đèo Tà Pứa, rẽ trái theo con đường mòn vào rừng, dọc theo suối Tà Pứa.

Sau khi chọn được một khu vực ưng ý, có nhiều tảng đá phẳng và một hồ nước tương đối lớn trên dòng chảy của suối, chúng tôi khóa xe máy ven đường để dựng trại trên các tảng đá lớn giữa suối. Lưu ý rằng việc này tuyệt đối không nên làm vào mùa mưa, vì có thể có lũ bất ngờ rất nguy hiểm.

 

Ngâm mình dưới làn nước suối mát lạnh.

Sau vài giờ chạy xe giữa trời nắng nóng, được thoả thích tắm tại hồ nước mát lạnh trên núi cảm giác vô cùng tuyệt vời. Những chiếc lều nhanh chóng được dựng lên, mọi người quây quần cùng nhau, chuyện trò rôm rả.

 

Nướng thịt trên đá.

Tắm suối xong, chúng tôi kiếm củi khô, nhóm bếp để chế biến thức ăn cho bữa tối. Dưới trời sao và tiếng cây rừng rì rào, tiếng suối róc rách… cảm giác như được thư giãn tuyệt đối giữa không gian yên bình. Chúng tôi thưởng thức thịt nướng, nhấp nháp vài ngụm bia được ngâm dưới suối mát lạnh.

 

Đêm về, chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng gió rì rào.

Sáng sớm, tiếng chim hót vang đánh thức cả nhóm dậy. Một vài người tranh thủ chụp ảnh trước ánh bình minh. Âm thanh của những bản nhạc cổ điển vang lên từ chiếc loa của một thành viên khiến những người còn lại tỉnh dậy, mở cửa lều và tận hưởng buổi sáng yên bình, rời xa âm thanh náo nhiệt thường ngày nơi phố thị.

 

Bình minh tại suối Tà Pứa sẽ làm phông nền tuyệt vời cho những người yêu thích chụp ảnh.

Nắng lên, nhưng do cây rừng xòe tán nên lều cũng không bị nóng. Một số bạn chạy ra chợ mua thực phẩm, số còn lại tiếp tục xuống tắm suối. Kết thúc bữa trưa, chúng tôi tập trung dọn dẹp rác, trả lại sự trong sạch cho thiên nhiên. Sau đó, cả nhóm thu dọn lều trại để trở về thành phố, bước vào một tuần làm việc mới đầy năng lượng.

 

Ngô Hoà Nam

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn