Lâu nay, du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long thường đi các tour tham qua sông nước, miệt vườn, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm tát mương bắt cá, với những tour này giá bán không đến 500.000 đồng một vé. Nếu khách ngủ đêm trong nhà vườn, trang trại thì có thể thu 1-2 triệu đồng/ngày tính trên đầu khách, nhưng cũng có ít cơ sở. Tuy nhiên, nếu đầu tư như các du thuyền hạng sang thì khách trả từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho một người là điều bình thường.
- Khám phá miền Tây năm mới bằng du thuyền Victoria Mekong
- Victoria Mekong Cruises – Trải nghiệm du lịch độc đáo nơi vùng sông nước Mekong
Lợi thế để phát triển du lịch sông nước
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch dài khoảng 28.000 km với 101 tuyến giao thông đường thủy dài hơn 3.000 km, trong đó quan trọng nhất là sông Tiền, sông Hậu. Hai bên bờ sông là cảnh ruộng lúa, vườn cây, làng nghề, tạo nên một bức tranh sống động về vùng nông thôn đẹp và thanh bình mà ít nơi nào có được. Cùng với khí hậu nắng ấm quanh năm, ít bị thiên tai, nên ĐBSCL có thể làm du lịch bốn mùa, gắn với những dòng sông.
Theo các chuyên gia du lịch, khoảng 70% khách đi tour chọn điểm đến gắn với sông nước, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng muốn có tầm nhìn đẹp, khí hậu mát mẻ thường được xây dựng gần sông, biển, hồ. Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng cả trong việc thu hút khách và nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, vì vậy, ngay cả những quốc gia thường xuyên bị đóng băng vào mùa đông, thì họ vẫn phát triển du thuyền trên sông, còn những nơi chỉ có sa mạc, người ta tạo ra các dòng sông nhân tạo.
Là vùng có hệ thống sông, rạch chằng chịt, rõ ràng ĐBSCL có lợi thế để phát triển du lịch bền vững dựa trên tài nguyên quan trọng này.
Trong các năm qua du lịch trên sông ở ĐBSCL khá sôi động, đó là những tuyến tour bằng thuyền nhỏ tham quan các cồn nổi trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; chợ nổi ở Cần Thơ; trải nghiệm trang trại nông nghiệp kết hợp với văn hóa Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng hay làng hoa Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp).
Các khách sạn sang trọng chọn view (cảnh) sông có ở hầu khắp các đô thị trong vùng, như Mekong (Mỹ Tho), Ninh Kiều, Vạn Phát, Victoria, TTC (Cần Thơ), bên cạnh đó là các khu nghỉ dưỡng dành cho khách quốc tế ở Cái Bè (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ), An Bình (Vĩnh Long).
Trong những năm gần đây khi du lịch nông nghiệp trở thành một trào lưu mới thì các nhà vườn, trang trại, vuông tôm ven sông cũng tận dụng lợi thế này để phát triển thành những điểm du lịch hấp dẫn có các trải nghiệm làm nông, đánh bắt thủy sản gắn với hoạt động thể thao dưới nước. Đặc biệt loại hình du lịch bằng du thuyền có phòng ngủ, kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên và văn hóa bản địa, đang ngày càng thu hút khách.
Khi sản phẩm du lịch sang trọng xuất hiện
Lâu nay các địa phương thường chỉ bán được tour tham quan sông nước, thưởng thức trái cây, nghe ca tài tử và ăn trưa với giá bán thường không đến 500.000 đồng một vé. Nếu khách ngủ đêm trong nhà vườn, trang trại thì có thêm tiền phòng, nhưng cũng rất ít cơ sở có thể thu 1-2 triệu đồng/ngày tính trên đầu khách.
Với các du thuyền hạng sang có phòng ngủ đi trên sông Hậu, sông Tiền như Du thuyền Victoria Mekong, Bassac, Aqua, Heritage Line, Ms Amadara, RV Mekong… thì khách trả từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/ngày, hay một tour 4 đến 5 ngày có giá từ 25 đến 35 triệu đồng/khách.
Các tour này thường khởi hành từ bến Bạch Đằng (TPHCM), Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang); bến Ninh Kiều (Cần Thơ) chạy theo các tuyến sông lớn trong vùng và kết nối với Campuchia. Khách sẽ được ngắm cảnh sông, sinh hoạt hai bên bờ, bình minh buổi sáng, hoàng hôn buổi chiều, tham gia một số chương trình nghệ thuật, tham quan chợ và bảo tàng địa phương.
Tùy cảm nhận của từng khách – mà phần nhiều là khách nước ngoài chọn những tour này, highlight (điểm ưa thích nhất) có thể là món ăn ngon, đồ uống phong phú, nhân viên thân thiện, cảnh hai bên sông đẹp, chợ nổi lạ, được ngắm hoàng hôn chìm dần trên mặt nước. Chẳng hạn như ở Du thuyền Victoria Mekong có thêm những hoạt động đem lại nhiều nụ cười và ấn tượng cho du khách như biểu diễn đờn ca tài tử. Món nghệ thuật bình dân với vở “Tình anh bán chiếu” thường được đánh giá cao nhất trong các phiếu góp ý, dù khách chỉ hiểu mơ hồ về một chuyện tình trắc trở qua tóm lược của hướng dẫn viên. Có lẽ lời ca mượt mà cùng các hoạt cảnh múa phụ họa “vác chiếu”, “gà gáy”, úp nơm bắt cá” cùng với dàn nhạc cụ một dây (đờn bầu), hai dây (nguyệt cầm) phát ra âm thanh du dương, đã làm họ say đắm.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc Du thuyền Victoria Mekong (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn), cho biết: “Du thuyền Victoria Mekong cũng tổ chức các tuyến tham quan dọc sông Mê Kông qua địa phận Cần Thơ, Long Xuyên, Tân Châu, Phnom Phenh và Kampong Cham (Campuchia). Trên các tuyến này, du thuyền còn được ghé và tham quan các làng nghề thủ công truyền thống như làng lụa Tân Châu, làng cà ràng Phú Thọ, làng chiếu Đinh Yên, chậu gốm, chợ nổi Long Xuyên, Bảo tàng An Giang, làng Kok Chen, Trung tâm Thiền Vipassana Dhura, đảo tơ lụa ở Oudong, đền Wat Hanchey”.
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm qua các làng nghề truyền thống của người dân địa phương, khách đi Du thuyền Victoria Mekong có thể tham gia vào các hoạt động như pha chế cocktail, yoga, học nấu ăn, làm bánh in truyền thống, xem múa Apsara của người Campuchia hoặc xem múa lân sư rồng. Trên du thuyền, du khách có thể tắm nắng từ boong tầng thượng, tại đây cũng có khu vực ghế ngồi có mái che, thư giãn tại quầy bar, hồ bơi hay sân golf mini, phòng tập gym, spa, thư viện, phòng chiếu phim…
Như vậy, vẫn với cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa lâu nay của ĐBSCL, nhưng nếu phát triển thành sản phẩm có chiều sâu, thì sẽ trở thành sản phẩm cao cấp.
Tiềm năng vẫn còn phía trước
Do hạn chế về hạ tầng bến bãi, phương tiện vận chuyển và nguồn nhân lực, nên những điểm sáng về du lịch gắn với tài nguyên sông nước như kể trên ở ĐBSCL chưa nhiều. Những vùng cửa sông Tiền, sông Hậu có hệ sinh thái đa dạng, môi trường trong lành nhưng vẫn chưa được phát triển; các khu bảo tồn, vườn quốc gia có đặc trưng sinh thái vùng sông nước như Lung Ngọc Hoàng, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Mũi Cà Mau; các sân chim, vườn cò hấp dẫn du khách nhưng còn vắng khách do thiếu dịch vụ.
Nhưng, phát triển du lịch bằng cách tiếp cận du khách đi du thuyền trên sông nước vùng đất “chín rồng” vẫn còn nhiều việc phải làm. Công tác truyền thông dựa trên chuyển đổi số cần được đầu tư nhiều hơn để đưa hình ảnh, thông tin cập nhật đến với khách hàng thường xuyên hơn, từ đó kích thích họ chọn ĐBSCL cho các chuyến tham quan của mình. Các điểm dừng chân khi du thuyền neo đậu cho khách tham quan trải nghiệm cũng nên đầu tư có chiều sâu mới đáp ứng nhu cầu cho khách cao cấp. Một thực tế hiện nay là nhiều điểm đến dọc theo các tuyến mà du thuyền đi qua, phần lớn dường như chỉ chú trọng cho khách du lịch nội địa, du lịch số đông với giá rẻ.
Điều đáng mừng và cũng là thuận lợi cho du lịch trên du thuyền đi trên sông nước là xu hướng quay trở về với thiên nhiên, du lịch xanh đang chi phối các chương trình tham quan hiện nay, nên đây sẽ là cơ hội để ĐBSCL phát triển du lịch bền vững dựa trên lợi thế về sông nước của vùng. Hy vọng trong tương lai gần, tài nguyên du lịch trên sông sẽ đưa ĐBSCL trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước hơn.
Phan Đình Huê
Chuyên gia du lịch
tham gia Dấu ấn xanh qua từng điểm đến
“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.