Nét đẹp chợ nổi sông nước miền Tây

Chợ nổi là loại hình đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không nơi nào ở Việt Nam có được, thu hút nhiều du khách trước đại dịch, trong đó có chợ nổi Cái Răng.

 

 

Màu sắc, mùi và hương vị luôn được tìm thấy tại chợ nổi Cái Răng, chợ nổi lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây tập trung hàng trăm con thuyền, và thông thường vào thời điểm này trong năm, khi ngày Tết cổ truyền đến gần, người dân buôn bán hầu như không ngơi tay, không theo giờ giấc như ngày thường nữa.

Của dân địa phương

Người dân bán và mua từ thuyền này sang thuyền khác, tung hứng hàng hoá như trong rạp xiếc. Họ chủ yếu mua bán các loại trái cây như chôm chôm, xoài, quýt, bưởi, dưa hấu, củ đậu, măng cụt, sầu riêng… và cả những nhu yếu phẩm.

Hầu hết những người bán là ngư dân hoặc nông dân, không nhiều người buôn bán chuyên nghiệp.

Họ có thể làm xiêu lòng người yêu trái cây với các đặc sản, nổi tiếng nhất là bưởi Năm Roi từ Vĩnh Long, cam sành từ Lai Vung hay sầu riêng từ Cái Mơn. Với ngàn lẻ một hương vị trên những con thuyền lênh đênh, hẳn không cần phải đến tận vườn cây ăn trái làm gì, để dành thời gian đi chơi những nơi khác…

Du khách còn được hòa mình vào không khí của phiên chợ, có thể khám phá cuộc sống sông nước của cư dân trong những “ngôi nhà di động”. Trên đó có tivi, máy nghe nhạc, máy chiếu phim, cây cảnh, xe máy… và cả chó, gà!

 

Quán bán đồ ăn đồ uống trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Ngọc Trân

Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng, chợ nổi còn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ sửa chữa tàu thuyền đến cung cấp xăng dầu, bán quần áo, mỹ phẩm, muối mắm, thuốc men, bánh kẹo cùng các thức uống. Và vé số!

Tại đây cũng không thiếu những quán ăn nổi, với nhiều món ăn bình dân – hủ tiếu như phở, hủ tiếu… có thể làm hài lòng những người bán hàng khác cũng như khách mua hàng và khách du lịch đã đến đây trước đại dịch Covid-19.

Nằm trên sông Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng và Phong Điền là hai chợ đầu mối sông nước với thuyền bè ghé đến mỗi ngày từ khi trời chưa hừng sáng. Những người sống với những khu chợ nổi thường thức dậy từ 3 đến 4 giờ sáng để buôn bán cho đến 6 hoặc 7 giờ sáng.
Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, nếu đi thuyền từ bến Ninh Kiều, sẽ đến chợ sau 30 phút. Nhưng chợ nổi Phong Điền thì xa hơn, khoảng 17 km về phía đông nam. Chúng đều được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Từ chợ Cần Thơ hoặc từ khách sạn, du khách có thể thuê xe ôm chở thẳng đến chợ Cái Răng nằm trên đường lộ. Sau đó, thuê một lần nữa, lần này là một người lái thuyền, để được đưa đến chợ nổi nằm trên sông, không xa bờ cho lắm. Đó là những gì tôi đã làm khi rời khách sạn lúc 5 giờ sáng.

Đầu bếp nổi tiếng tới đây

Có thể nhìn thấy thuyền của những người bán hàng từ xa. Đôi khi một cây bắp cải, đôi khi cà chua hoặc tỏi được treo trên một cây sào, xem như biển hiệu – một phương thức quảng cáo thô sơ nhưng hiệu quả – cho biết thuyền cung cấp loại sản phẩm gì, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Năm 2013, đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay đã đến thăm và tìm hiểu ẩm thực miền Tây Nam bộ. Tô hủ tiếu mì ăn ở chợ nổi Cái Răng để lại ấn tượng rất tốt nơi ông. Ông nói, tô hủ tiếu mì có mùi hẹ, ngò, và mọi thứ được trộn với nhau một cách hoàn hảo cho ra hương vị thơm ngon.

Năm 2016, chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nơi đây quả thực là một điểm đến thú vị cho những ai thích khám phá cuộc sống muôn màu trên sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long và trải nghiệm, biết được cả sự thân thiện của người dân.

 

Củ quả chở về từ chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Ngọc Trân

Không chỉ ở Cần Thơ, một số tỉnh, thành miền Tây Nam bộ cũng có những khu chợ nổi sầm uất như chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang; chợ nổi Phụng Hiệp ở Hậu Giang; chợ nổi Châu Đốc ở An Giang.

Sông ngòi đóng vai trò thiết yếu trong đời sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Chúng kết nối các làng và thị trấn với thành phố, giúp người dân di chuyển và mua sắm.
Chợ nổi ở miền Nam Việt Nam, về thực chất là nơi mua bán của người dân địa phương, rất khác với chợ Damnoen Saduak ở Thái Lan vốn không tự nhiên vì chỉ nhằm phục vụ khách du lịch. Người Thái không mua bán ở loại chợ nổi này.

Ngọc Trân

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn