Mở cửa du lịch quốc tế nhưng thủ tục visa vẫn còn phức tạp

Đoàn Famtrip từ Thái Lan tham quan Huế hôm 4-4. Ảnh: Lê Hoàng

Chuyện visa và e ngại của du khách

Hôm nay, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đón đoàn khảo sát du lịch và truyền thông (Famtrip) từ Thái Lan trong hai ngày 4 và 5-4. Trước đó, đoàn gồm 33 người đến từ các công ty lữ hành, cơ quan xúc tiến, báo chí, truyền thông tại Thái Lan đã tham quan, khảo sát Đà Nẵng và Quảng Nam trong tour bốn ngày ba đêm của mình.

Chia sẻ với KTSG Online trong khi tham gia chuyến khảo sát, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist) – đơn vị tham gia tổ chức chuyến Famtrip này, cho hay hiện tại Việt Nam có chính sách mở cửa thông thoáng nhất trong khu vực Đông Nam Á.

“Hiện tại du khách du lịch vào Việt Nam tương đối dễ dàng, không có rào cản về thủ tục nào hết khi du lịch tại Việt Nam. Chỉ có một số khách quốc tịch không được miễn visa, chưa xin duyệt visa lẻ trước khi đến. Hiện tại, thị trường khách du lịch còn yếu, do chính sách tại các nước sở tại chưa thông thoáng, nên việc đi du lịch cũng không thoải mái”, ông Thủy nói và lấy ví dụ quốc gia như Thái Lan vẫn còn cách ly trả phí một ngày khi quay về nước.

Theo ông Thủy – cũng đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, du khách còn e dè về bệnh dịch, tài chính cũng khó khăn, họ chưa dành ưu tiên cho du lịch trong thời điểm này. Tâm lý đợi mọi thứ trở lại bình thường thì họ mới đi du lịch nhiều.

Tâm lý e dè cũng là một trong tám nguyên nhân mà ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours – doanh nghiệp chuyên khách Hàn Quốc và một vài thị trường quốc tế khác – đưa ra khi nói về vướng mắc đón khách quốc tế cho dù đã có chủ trương mở cửa.

“Việt Nam mở cửa vào cuối mùa cao điểm, đầu mùa thấp điểm của du lịch quốc tế. Các thị trường vào mùa cao điểm như Úc, Tây Ban Nha đều ở xa, khó tiếp cận”, ông Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Lữ hành – Đà Nẵng, nói và cho biết du khách còn e dè và đường bay hạn chế là những thách thức mà doanh nghiệp phải cân nhắc khi kinh doanh quốc tế.

Các khó khăn khác mà vị doanh nhân này nhắc đến là thủ tục visa phức tạp, các công ty phải được xét duyệt lại việc kinh doanh lữ hành quốc tế, khách yêu cầu phải đặt tour trọn gói, chi phí làm visa cao, chi phí xét nghiệm cao. Giá dịch vụ không những không giảm mà còn tăng cao, đặc biệt giá vận chuyển, dẫn đến giá tour tăng. Hơn nữa, nhà cung cấp dịch vụ đóng cửa nhà hàng, cửa hàng, dẫn đến thiếu hụt lựa chọn cho khách. Và nhân sự giỏi đã chuyển nghề không muốn quay lại do e ngại bấp bênh là khó khăn cuối cùng mà ông Ngọc Anh nhắc đến.

Cùng chung nỗi niềm, ông Lê Thái Bảo Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại du lịch Trường Sa, cho hay doanh nghiệp kinh doanh du lịch quốc tế vấn còn nhiều vướng mắc trong việc lên kế hoạch và thu hút khách quốc tế.

“Vấn đề đầu tiên là chính sách visa 15 ngày của Việt Nam vẫn chưa có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách quốc tế nhất là các quốc gia chưa được miễn thị thực trong khi e-visa đối với các nước thì thời gian ra visa khá lâu và nhiều thủ tục hành chính”, ông Long nói và cho biết thêm ngoài ra các thị trường khách Đông Á vẫn còn đang đóng cửa biên giới nên công tác xúc tiến cũng còn rất nhiều khó khăn. Ông Long lấy đơn cử như Hàn Quốc mới đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia không bị cách ly khi nhập cảnh nước họ.

Xúc tiến và chờ đợi

Vì vậy, theo ông Long, hiện nay công việc chủ yếu của công ty ông là xúc tiến với nhiều thị trường khách quốc tế trong đó chủ đạo vẫn là thị trường Đông Nam Á và Đông Á. Đối với thị trường Đông Nam Á, công ty đang xúc tiến hai thị trường trọng điểm là Malaysia và Campuchia.

Khách quốc tế được nhìn thấy tại ga quốc tế, sân bay Đà Nẵng khi thành phố này mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ 27-3-2022. Ảnh: Nhân Tâm
 

“Trong tháng 4 Trường Sa Tourist đã có những đặt hàng khách Campuchia đầu tiên đến Đà Nẵng. Riêng thị trường Malaysia chúng tôi đang kết nối với các đại lý du lịch tại Kuala Lumpur (Malaysia) để giới thiệu sản phẩm du lịch Đà Nẵng, Hội An và Huế”, ông nói và cho biết đối với thị trường Đông Á, nhất là thị trường Hàn Quốc, công ty vẫn đang giữ kết nối thường xuyên với đối tác và dự kiến sẽ đón khách Hàn Quốc vào quí 3 năm 2022.

Về vấn đề visa, ông Long đề xuất Chính phủ nên tăng số ngày lưu trú tại Việt Nam lên 30 ngày, cắt giảm các thủ tục hành chính để khách thuận lợi khi làm visa và nhập cảnh

Trong khi đó, với Indochina Unique Tourist, theo ông Thủy, trong thời gian đến công ty sẽ tiếp tục xúc tiến, tổ chức mời các đoàn Famtrip từ các quốc gia như Malaysia, Indonesia để vào Việt Nam khảo sát và truyền thông mạnh mẽ hơn.

Ông Thủy hy vọng từ tháng 5-2022 có thể đón những đoàn khách theo lịch thường xuyên (series tour). Và để có thể làm được điều này, ông Thủy đề nghị Bộ Công An nên nhanh chóng triển khai duyệt visa cho khách lẻ sớm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần xúc tiến mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến trong thời gian đến. Ông Thủy đặc biệt quan tâm việc tổ chức các đoàn Famtrip đi trước, tiên phong vì đây sẽ là cơ hội để Việt Nam truyền tải thông điệp du lịch Việt Nam thực sự thông thoáng ra với thế giới.

“Giới truyền thông, bloggers, Facebooker sẽ truyền thông mạnh mẽ sau các chuyến Famtrip như thế này”, ông Thủy nói và cho biết Việt Nam cần lên kế hoạch xúc tiến nhiều đoàn Famtrip từ các quốc gia khác, tổ chức nhiều lần tại các điểm đến khách như Hà Nội hay TPHCM, để tăng cường việc truyền thông ra nước ngoài mạnh mẽ và nhất quán thông điệp mở cửa hoàn toàn.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn