Hồi đó, trong độ tuổi sung sức, nghe lời “dụ dỗ” của bạn bè cùng trang lứa, mua một tour của một hãng Thuỵ Sĩ đi sáu ngày, không theo kiểu du lịch bình thường.
- Vietravel mở cửa lại 6 văn phòng du lịch nước ngoài
- Những kinh nghiệm khi du lịch nước ngoài một mình
- Những bí kíp khi đi du lịch nước ngoài
Quả chẳng bình thường khi lao xe đạp trên những con đường ven triền núi với đằng trước một nữ hướng dẫn viên người Thuỵ Sĩ, đằng sau một xe van hộ tống.
Nhiều năm tháng trôi qua, bây giờ với cơn đại dịch Covid chưa thấy điểm dừng với biến thể Omicron, từng trang đời tuổi trẻ quay về. Ký ức nào phải nắng hanh hao buổi chiều tà mà tan biến; nó có thể lặn sâu đâu đó trong tiềm thức, trong vô thức, nhưng không hề biến mất.
Như chuyến đi trên núi mùa hè năm ấy. Một thử thách cho chính mình khi cắm cúi vượt một đèo rồi lại một đèo. Giờ nhớ lại, thấy mình không thua gì bè bạn phương Tây ở nước ngoài đó cả.
Lên yên ngựa sắt
Đi như thế nào? Đem theo xe đạp tốt tốt chút theo, không có, thì mướn, có thể của hãng tổ chức tua. Rồi nhảy tàu lửa tới một thị trấn bên… Ý sát Thuỵ Sĩ: Chiavenna, đã ở độ cao rồi – trên 300 mét. Khắp châu Âu, luôn tiện lợi với tàu lửa, hầu như đi đâu cũng được. Chuyến tàu đầu tiên của chúng tôi từ thủ đô nước Pháp đến thị trấn heo hút miền cao nước Ý Chiavenna, cách đó gần 600 cây số, tàu chậm cũng chỉ mất chưa tới 10 tiếng đồng hồ.
Đến buổi chiều, chơi quanh quanh cái thị trấn chưa đến 8.000 dân này, đến 9 giờ sáng hôm sau thì tập họp trước cửa tòa thị chính Chiavenna, nơi cô hướng dẫn viên đã đứng chờ. Cô ấy rất xì po với bộ đồ vàng chói bó sát người, giày đát chói vàng, không lẫn vào đâu được.
Từ đó, cùng nhau lên yên ngựa sắt. Như những cua rơ thực thụ, chúng tôi đạp mỗi ngày cả 100 cây số, băng qua những triền núi Alpes từ Ý sang Thuỵ Sĩ, và quay lại Pháp. Cô hướng dẫn cũng vun vút đường trường, chỉ thỉnh thoảng dừng xe bên vệ đường một tý, giải thích một tý cho cả bọn 10 đứa toàn nam chúng tôi, rồi lao xe chạy tiếp. Cô ấy chăm sóc cho cả đoàn.Y như cô Tấm chăm… em!
Sự có mặt của cô còn làm cho ai nấy đều cảm thấy nơi đèo heo hút gió như sáng sủa, ấm áp hẳn lên. Giọng nói của cô lại ngọt lịm như nước dừa xiêm khiến không ít anh trong đoàn chới với, có lúc như trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ…
Theo sau đoàn là một chiếc xe van chở đồ hậu cần, sơn màu xanh nước biển khiêm tốn.
Chúng tôi chạy từ đông sang tây, đối mặt với những con đèo cao thuộc vòng cung dãy núi Alpes phía Thụy Sĩ là chính, trong đó có những con đèo mảnh như sợi chỉ vắt ngang sườn núi đá. Những cơn gió thốc vào mặt, có lúc như nổi cơn cuồng nộ khiến xe chao đảo, gây khó thở nữa, nhưng cứ phải tiếp tục rấn tới. Không thể nhẩn nha, bởi một ngày cần nhấn bàn đạp cả 100 cây số chớ không phải ít, bằng đường từ TPHCM đi Vũng Tàu, trên những con đường không bằng phẳng, nhỏ hẹp.
Tuy vậy, vẫn tận hưởng được những cảnh đẹp như tranh, mà chỉ ở vùng núi mới có thể nhìn thấy: những ngôi nhà gỗ mái dốc điển hình Thuỵ Sĩ nằm bên vệ đường hoặc lẫn trong rừng thông; những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ hoặc những dòng sông, hồ nước, nghe nói, thường đóng băng như đá mùa đông, đến mùa hè nước chảy lững lờ, hoặc trôi nhẹ nhẹ. Thật ngoạn mục.
Nhìn lên trời xanh, có lúc thấy đại bàng – thủ lĩnh của vòm trời – bay lượn; nhìn xuống thung lũng, có lúc thấy bò, trừu, cả dê nữa, gặm cỏ nhởn nhơ – đương hè mà. Khi mùa đông đến, từ đầu tháng 11, chúng sẽ được mục đồng đưa về trang trại miền đồng bằng.
Có lúc băng qua những cánh rừng thông, những âm thanh vi vút xuyên qua các tán lá, lúc thưa, lúc nhặt, hòa trong tiếng nước từ núi cao chảy xuống triền núi tạo thành giai điệu mê đắm. Ngửi được cả mùi nhựa thông thơm cùng hơi cỏ ngai ngái dưới tán rừng.
Có khi, vừa qua khỏi một khúc quanh, đã thấy nhô ra trước mặt một ngọn núi, có khi hai ngọn trên đỉnh tuyết phủ đầy. Tuyết luôn lưu cữu trên những ngọn núi cao thuộc rặng Alpes chạy dài cả ngàn cây số, từ ý sang Pháp, Monaco đến Thụy Sĩ, Áo, Đức và Slovenia.
Có lúc phải chậm chậm vì chạy vô một ngôi làng với những căn nhà mái rất dốc – để dễ bề gạt tuyết đi ngay trong mùa đông hoặc sau mùa đông-, gặp từng nhóm du khách, tay cầm sách hướng dẫn du lịch và bản đồ, đi tới đi lui. Thỉnh thoảng, thấy họ dừng lại đọc sách hoặc xem bản đồ.
Cảnh trí trên cao thấy sao mà phóng khoáng và rất đỗi dịu dàng.
Mệt nhoài cuối ngày
Lúc ấy đã giữa tháng sáu, thời điểm đất nước Thuỵ Sĩ nhỏ bé 7,5 triệu người đông khách du lịch vì trời tương đối ấm. Họ có thể đi thuyền, leo núi mà không đụng phải không khí quá lạnh. Tuy vậy, trên đường chúng tôi đi, lại không gặp đoàn xe đạp nào cả!
Đến cuối ngày, ai nấy đều mệt nhoài. Ăn uống qua quít cho xong – không thưởng thức nổi món ngon miền núi Thuỵ Sĩ làm từ phó mát, sữa tươi ngon, mọi người đều lăn ra, chìm sâu trong giấc ngủ. Bởi ngày mai còn phải thức giấc sớm, tiếp tục cuộc hành trình hun hút dặm trường, không phải du lịch đơn thuần này. Vậy nên cũng không thể thưởng thức bầu trời đầy sao cùng những đám mây cam và đỏ buổi bình minh, theo lời quảng cáo của một hãng chuyên tua Thuỵ Sĩ.
Thật ra, có lúc cũng thưởng thức được nhưng không lâu. Khi chiều nghiêng nghiêng nắng đổ, hoàng hôn ra đi, một chút ráng núi hắt lên bầu trời xanh thẳm, rồi tím dần, và xuất hiện những ngôi sao nhấp nháy. Có đêm, thấy cả mặt trăng từ từ nhô lên như treo mình lơ lửng giữa không gian mênh mông…
Thức dậy, mỗi sáng sớm, điều đầu tiên tôi làm là ra trước sân khách sạn thực hiện chừng 15 phút các động tác thể dục, ngước lên ngắm bầu trời, tận hưởng buổi bình minh. Mặt trời dần ló dạng, mắt nhắm mắt mở, sau những đám mây; nắng chiếu nhàn nhạt xuống mặt đất xua đi cái khí lạnh của đêm qua. Không gian miền núi quả quá bao la, sáng ra trời lại xanh thăm thẳm. Đẹp như một bức tranh thuỷ mặc hài hoà, tự nhiên.
Nhũng giờ khắc như thế giúp tôi thêm tràn đầy năng lượng, có thể bắt đầu một ngày mới… đạp xe không mệt mỏi. Đó là đối với tôi, bởi cuối ngày thứ ba, một bạn cao to đã xin dừng cuộc chơi, chờ xe của hãng du lịch điều lên để quay lại Paris. Đến ngày thứ tư, cũng thế, thêm một bạn nữa cao to không kém giã từ … xe đạp. Họ chịu không xiết khiến tôi lo lắng, hoang mang, tự nhủ mình phải cố gắng, giữ vững tinh thần.
Sau này, tìm hiểu thì được biết, lắm khi những người nhỏ con, roi roi, thường xuyên chơi thể thao, sáng sớm thì thể dục lại sức bền hơn những người chỉ được cái to con, không thường xuyên thể dục thể thao.
Trải nghiệm khó quên
Cuối cùng, chỉ còn lại tám “tay đua” quyết tâm bám trụ, gò lưng đạp xe, tiếp tục dặm trường.
Chuyến rong ruổi trên các độ cao, có lúc tới gần 2.000 mét, kết thúc vào cuối buổi chiều ngày thứ sáu, cạnh nhà ga xe lửa Thonon-les-Bains thuộc vùng Haute-Savoie, miền đông nam nước Pháp.
Đó là một ngôi làng ở độ cao 430 mét, cách Paris gần 550 cây số. Phải hơn 5 giờ ngồi tàu và chuyển tàu ba lần, trong đó có một lần với tàu nhanh TGV 320 cây số/giờ, mới về tới ga Lyon của Paris. Lý ra, ở lại làng Thonon-les-Bains cũng sẽ rất thú vị. Làng nằm bên bờ Nam Hồ Leman thuộc Pháp, cách Genève của Thụy Sĩ chừng 35 cây số.
Nói chung, quả quá lý thú và vui sướng do dần quen mùi gió núi; một trải nghiệm khó quên! Mà cũng là cách để … bồi bổ sức khỏe một cách tích cực nữa chứ!
Nhưng, sau này, nếu có đi tua miền núi Thuỵ Sĩ nữa, chắc sẽ chọn tua như thế này: Ăn uống ven hồ Walenstadt, Thuỵ Sĩ. Đó là một tuyến du lịch dùng xe đạp điện chạy qua nhiều chặng do myswitzerland.com giới thiệu.
Khởi hành từ Unterterzen dọc theo một con đường ven hồ, khách dừng xe để ăn hạt dẻ tại Murg, thủ phủ của loại hạt này, rồi chạy đến Mühlehorn. Điểm nổi bật tiếp theo là thác Seerenbach, sau đó thì đến Weesen, nơi khách sẽ thưởng thức món ăn chính buổi trưa tại quán Brasserie du Lac. Lại lên xe đạp điện đi tiếp, những cây số cuối cùng đến Beetlis; từ đó, quay về lại Unterterzen bằng thuyền để ăn… tráng miệng. Hấp dẫn quá!
Ngọc Trân