Khám phá Genève, trái tim của châu Âu

Cảnh quan Genève, Thụy Sĩ quả tươi đẹp, những người thích vi vu nhất định phải tới đây. Hơn nữa, Genève còn được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” không phải ngẫu nhiên.

 

 

Genève quanh năm khí hậu ôn hòa, đặc biệt, bầu trời luôn trong xanh, khác xa nhiều thành phố châu Âu khác. Thành phố này thuộc bang cùng tên – Genève, nơi con sông Rhône quanh co, uốn khúc, dẫn nước vào hồ Léman, chia thành phố ra hai phần khác biệt với diện mạo và dáng vẻ khác nhau. Một bên là sự cổ kính, trầm mặc, nhuốm màu thời gian; bên kia, sự trẻ trung sôi nổi của một thành phố hiện đại đang trên đà tiếp tục phát triển.

 

Đài phun nước nhân tạo cao nhất thế giới – cao tới 140m, giữa Hồ Léman.

Hồ Léman thanh bình

Hồ Léman quá rộng, không giống hồ Tây của Hà Nội mà diện tích chỉ chừng 5 km²; chỉ giống hồ Tây ở chỗ nước quanh năm phẳng lặng, thanh bình, và nằm trong lòng thành phố.

Hồ Léman là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Trung Âu, bắt nguồn trên đất Pháp rồi chảy qua đất Thụy Sĩ, nhưng 60% diện tích của nó nằm bên phía phía Thụy Sĩ – 348 km², phần còn lại thì ở Pháp, với 234 km².

Giữa hồ, người ta đã xây dựng, từ năm 1886, đài phun nước nhân tạo cao nhất thế giới – cao tới 140m. Đây là địa điểm khách du lịch thường ghé đến đầu tiên khi đến Genève. Từ mặt hồ, một luồng nước mạnh phun thẳng lên bầu trời xanh, trong trẻo của ngày hè, tỏa bụi nước trắng một góc trời.

Tuy nhiên, dường như âm thanh dữ dội, mạnh mẽ của đài phun nước chẳng ảnh hưởng mấy đến mặt hồ phẳng lặng. Từ bờ hồ đã có thể ngắm nhìn dãy núi Alpes xa xăm với ngọn Mont Blanc khoảng 5.000 mét, cao nhất trong số các ngọn núi ở Pháp; gần hơn thì những chiếc thuyền buồm lướt nhẹ, những con hải âu bay tà tà, những tòa nhà cổ soi bóng trên mặt nước biếc xanh. Cảnh tượng như tranh thủy mạc. Đi theo tuor, chạy nhanh thở gấp, hẳn không thưởng thức được như thế đâu!

Nghe nói vẻ đẹp của hồ đã ảnh hưởng đến thiết kế của Genève, một thành phố chưa tới 200.000 dân. Và cả của những thành phố lân cận. Thành phố Vevey, chẳng hạn, đã làm một con kênh nhân tạo để thoát nước mưa, nước lũ ra hồ với bờ kè vững chãi nhằm tạo cảnh quan.

Ven hồ Léman có nhiều quán cà phê, nhà hàng xinh xắn nằm nối nhau. Chúng tôi vào một quán, ngồi cùng những người bạn học cũ định cư lâu năm ở thành phố này, thưởng thức tách cà phê espresso, vị đắng pha lẫn vị ngọt đầu môi, chuyện trò nhỏ nhẹ; người châu Âu thường không ồn ào…

Tiếp đến, những người bạn cũ đưa chúng tôi vào khu phố cổ của Genève. Hồi ấy, thấy khá đông người bởi đang những ngày hè nắng ấm, mà lại rơi vào dịp cuối tuần nữa.

Khu phố trông như một mê cung ôm ấp một ngọn đồi với những con đường dốc lát đá, những bức tường cổ bảo vệ một phần thành phố hồi xưa, các nhà thờ và những con hẻm cũng đầy hàng quán. Để cho khách du lịch có mệt thì vào đó mà ngồi, và chi tiền. Chốn du lịch mà!

Có lẽ những người nghiên cứu triết học cùng văn học sử Pháp đều biết, trong một căn nhà nào đó của khu phố cổ Genève là nơi Jean Jacques Rousseau chào đời. Thiệt tình, ngay cả giới chức thành phố Genève cũng không biết rõ nhà triết học-nhà văn này được sinh ra ở ngôi nhà nào.

Bởi vậy họ mới nghĩ ra cách chọn một ngôi nhà xem ra được được ở phố Saint-Gervais, rồi cho đó là nơi chốn Rousseau được sinh ra! Theo trang mạng www.tdg.ch/societe, từng có nhà nghiên cứu tìm cách ghi lại mọi địa chỉ trong khu phố cổ khả dĩ là những nơi Jean Jacques Rousseau từng có mặt, và tìm được đến chín cái nhà!

Tuy giấy khai sinh ghi rõ sinh quán Genève, nhưng Rousseau lại là người Pháp. Ông được xem như nhà triết học-nhà văn quan trọng bậc nhất của thời đại Lý trí, thế kỷ 18. Tư tưởng của ông đã góp phần thúc đẩy các biến cố chính trị dẫn tới Cách mạng Pháp năm 1789.

Các tác phẩm của Rousseau cũng ảnh hưởng sâu rộng tới văn chương và giáo dục các thời đại kế tiếp ở châu Âu. Nếu trong tác phẩm “Khế ước xã hội”, ông đề cập tới việc làm sao thực hiện được sự tự do, thì với tiểu thuyết “Emile”, ông lại quan tâm tới hạnh phúc và sự khôn ngoan trong đời sống…

Khi dạo khu phố cổ của Genève, chẳng thể nào bỏ qua việc đến chiêm ngưỡng nhà thờ Saint Pierre nằm trên đồi cao. Được xây dựng từ thế kỷ 12, nhà thờ này đã bao lần thay đổi, và phải mất đến… 400 năm mới được hoàn thiện! Lúc đầu, đây vốn là nhà thờ thuộc giáo hội công giáo La Mã, nhưng đến thế kỷ 16 thì trở thành một nhà thờ Tin lành.

Chúng tôi cùng nhau leo lên 157 bậc thang của tháp chuông nhà thờ, ngắm nhìn toàn cảnh Genève. Lúc đó đã gần chiều muộn, gió từ đâu thổi tới, lạnh dần, nên đành phải đi xuống nhanh thôi. Nhờ vậy, còn xem được những di tích nằm trong lòng đất dưới nhà thờ. Một trải nghiệm cũng khá độc đáo, biết cả những chuyện trước khi nhà thờ được xây dựng, trước kỷ nguyên tôn giáo cho đến thời tôn giáo được phổ biến ở thành phố này.

 

Thành phố toàn cầu

Rời nhà thờ Saint Pierre, chúng tôi qua khu phố mới của Genève. Sự tương phản với khu phố cổ thật quá rõ rệt, và trông chẳng khác gì những khu phố hiện đại của chốn thị thành sôi nổi ở những đô thị châu Âu khác như Paris, Bruxelles, Amsterdam… Không thấy các chung cư, nhà cao tầng ồ ạt chen lấn nhau mọc ra như được thần đèn của Aladin hóa phép.

 

Đồng hồ treo tường với nắp trang trí, sản xuất năm 1660, trưng bày ở Bảo tàng Patek Philippe.

Tuy nhiên, Genève vẫn có điểm khác biệt bởi nơi đây thường chứng kiến những cuộc thương thảo tầm thế giới lẫn khu vực dẫn đến những ký kết mang tên thành phố này như các Công ước về Quyền con người được hầu hết các nước ký kết.

Công ước Genève được ký vào năm 1949. Từ đó, luật quốc tế về Quyền con người được sử dụng để bảo vệ người dân các nước, những cơ sở dân sự lẫn ngăn cấm việc sử dụng vũ khí huỷ diệt trong chiến tranh. Cũng từ đó mà Hội Chữ thập đỏ ra đời.

Một hiệp định liên quan trực tiếp đến đất nước chúng ta cũng đã được các bên liên quan ký kết tại thành phố Thụy Sĩ này. Đó là Hiệp định Genève năm 1954, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương cũng như chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Nhưng nó lại khiến cho đất nước chúng ta bị chia cắt làm hai…

Từ những năm đầu thế kỷ 20, chính phủ Thụy Sĩ đã chọn chính sách trung lập, tránh xa những cuộc chiến tranh, xây dựng một cuộc sống hòa bình, thân thiện. Chính vì vậy, Genève trở thành một nơi khá lý tưởng để các hiệp hội và tổ chức quốc tế đặt trụ sở, khiến nó nhanh chóng được biết đến như một thành phố toàn cầu.

Vào năm 1920, Hội quốc liên được thành lập và đặt văn phòng chính tại đây. Đến năm 1945, khi Liên minh đổi tên thành Liên hiệp quốc với trụ sở chính ở New York, Mỹ thì trụ sở ở Genève trở thành cơ sở phụ, nhưng vẫn tiếp tục là một trung tâm ngoại giao quan trọng của thế giới.

​Thời gian không nhiều, cùng bạn cũ, chúng tôi đã vào cơ sở phụ của Liên hiệp quốc, chiêm ngưỡng những bức tranh treo trên tường hội trường lớn mô tả cuộc đấu tranh của loài người vì hòa bình. Ai cũng vào đây được; không phải mua vé.

Ngoài Liên hiệp quốc, còn có đến hàng trăm tổ chức, hiệp hội quốc tế khác như Tổ chức Y tế thế giới, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Liên minh Điện tín quốc tế… đặt trụ sở chính hoặc cơ sở phụ tại thành phố này.

Tính quốc tế của Genève còn được biểu lộ qua hệ thống ngân hàng với chi nhánh ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đặc điểm của các ngân hàng Thụy Sĩ là sự bảo mật cao độ, bảo vệ khách hàng chặt chẽ, tuy rằng từ cuối năm 2013, đã bị buộc phải “bơn bớt” những việc này vì áp lực của nhiều nước, đứng đầu là Mỹ.

 

Thủ phủ đồng hồ  

Cũng vì thời gian hạn hẹp, chúng tôi chỉ đi thăm được thêm một nơi mà chắc chắn ai ai đến Genève cũng đều muốn tới: Bảo tàng đồng hồ Patek Philippe. Để vào bảo tàng, người lớn phải bỏ khoản phí 10,5 đô la Mỹ để mua vé, nhưng quả đáng đồng tiền bát gạo! Khi nói tới Thụy Sĩ, hình ảnh hiện lên đầu tiên, đối với không ít người, là những chiếc đồng hồ.

Theo tài liệu của bảo tàng này, vào năm 1989, Patek Philippe kỷ niệm 150 năm thành lập, đã triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hơn 500 chiếc đồng hồ  của hãng chế tác qua nhiều giai đoạn.

Cuộc triển lãm đã quá thành công. Ít lâu sau, ông Philippe Stern, chủ tịch hãng thời đó, cùng vợ đã quyết định xây dựng hẳn một bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày, giới thiệu đồng hồ, nhưng nó chỉ chính thức được mở cửa vào năm 2001.

Vào bảo tàng Patek Philippe, chẳng thể nào không trầm trồ, thán phục tài nghệ của những người thợ đồng hồ Thụy Sĩ qua nhiều thế kỷ. Tại đây, người ta trưng bày những bộ sưu tập đồng hồ từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 19, kiệt tác của nhiều nhà thiết kế; và, đương nhiên, một bộ sưu tập riêng về đồng hồ Patek Philippe – từ năm 1839 cho đến những năm gần đây.

Những ai muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể nán lại trong thư viện của bảo tàng, nơi lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến quy trình chế tạo đồng hồ.

Nói thêm về đồng hồ, hầu như mọi hãng tầm cỡ của công nghệ chế tạo, sản xuất máy đo thời gian đều hiện diện ở Genève, từ Omega, Rolex cho đến Cartier. Đương nhiên, sản phẩm của những hãng xịn sò thì phải ở trong những tòa nhà sang trọng, kiến trúc lộng lẫy. Và thường là trên những đường phố trung tâm.

Họ không chỉ sản xuất loại đồng hồ giá tiền… vừa vừa, khoảng 2.000 đô la cho tới 10.000 đô la, mà còn chế tạo cả những loại đồng hồ đính kim cương trị giá hàng triệu đô la, như một loại trang sức đắt tiền dành cho tỉ phú đô la. Khó tin nhưng sự thật là thế!

Sáng hôm sau, khi rời Genève đi Paris, lại thêm một sự ngạc nhiên thích thú: Sau khi cất cánh, máy bay đã bay ngang qua hồ Léman. Nhìn qua khung cửa sổ máy bay, vài cánh chim nhỏ xíu chao lượn mặt hồ, vài cánh buồm lạc trôi giữa dòng nước êm đềm… Một cảnh tượng khó quên.

 

 Ngọc Trân 

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn