Ghé thăm cù lao hơn 3.000 năm tuổi, xưa từng là nơi giao thương quốc tế

Khảo cổ ở Cù Lao Chàm (Hội An – Quảng Nam) cho thấy, cách đây 3.000 năm, nơi đây đã có người sinh sống và một ngàn năm trước, đã có những đội thương thuyền của các nước thuộc Trung Cận Đông, Đông Nam Á, Ấn Độ… neo đậu tàu thuyền trên hải trình đến Hội An giao lưu buôn bán, trao đổi. 

Hoang sơ biển đảo Cù Lao Chàm.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Chúng tôi rất ấn tượng khi đặt chân đến Cù lao Chàm vào một ngày đầu năm nắng vàng như dát mật “tưới” trên biển đảo hoang sơ. Hoa ngô đồng nở rộ màu đỏ tươi điểm xuyết trên nền những tán rừng cây lá xanh tươi. Sau khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, mỗi năm Cù Lao Chàm đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh, nghỉ ngơi, thư giãn.

Từ Cửa Đại (Hội An), du khách nhìn ra biển đã thấy Cù Lao Chàm ẩn trong màu lam sương khói. Nhưng cũng phải mất chừng 25 phút ngồi ca nô mới đặt chân lên đảo. Nếu đi tàu cao tốc thì khoảng 25 phút là đến Cù Lao Chàm hoặc có thể đi bằng thuyền gỗ du lịch, khoảng  hơn 2 giờ đồng hồ là đến bến Bãi Làng (Cù Lao Chàm), nơi tập trung đông dân cư nhất tại xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Khám phá san hô ở biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Tiên Sa

Khu bảo tồn sinh thái của đảo nằm ngay cạnh cầu cảng, nơi trưng bày và bảo tồn những mẫu động vật tìm thấy quanh khu vực đảo. Cũng tại đây, chúng tôi đã có được một hình dung về sự đa dạng của hệ thực vật trên đảo với 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, trong đó có 342 loài: có ích, quý hiếm, dược liệu; hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát.

Biển Cù Lao Chàm còn có rặng san hô rộng khoảng 165ha, gồm 188 loài, 61 giống thuộc 13 họ; hơn 200 loài cá; 500ha rong biển và nhiều loài động vật quý hiếm khác, trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến là hai loài được đưa vào sách đỏ động vật Việt Nam.

Đặc biệt, Cù Lao Chàm có loài cua đá to cỡ bàn tay, sống trên núi, ăn nhiều loại thảo dược nên rất quý hiếm. Hiện nay, ngoài mục đích quy định về kích thước, số lượng cua đá được phép đánh bắt, tem sinh thái còn đảm bảo cho sự phát triển của loài cua này.

Món cua đá hấp trên Cù Lao Chàm. Ảnh: Tiên Sa

Những con cua đá đạt chuẩn, được phép khai thác (mai cua phải đạt từ 7cm, nặng khoảng 200g) được chế biến theo nhiều cách như hấp, nướng, rang… để tạo thành các món ngon hấp dẫn. Ngoài ra, thịt cua chứa hàm lượng canxi và vitamin E cao, tốt cho sức khỏe nên giá cua đá khoảng 250.000 đồng/con/2 lạng.

Ghé chùa Hải Tạng 300 năm tuổi

Đến Cù Lao Chàm, bạn sẽ ấn tượng khi tham quan ngôi chùa Hải Tạng cổ kính rêu phong được xây dựng cách đây hơn 300 năm cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An hàng trăm năm trước. Có thể kể đến như các giếng cổ, lăng thờ cá Ông, lăng thờ Tổ nghề yến cùng nhiều di miếu mang tín ngưỡng tâm linh của cư dân Cù lao Chàm tại Bãi Làng, Bãi Hương, Bãi Ông, Bãi Chồng…

Chùa Hải Tạng có niên đại 300 năm tuổi. Ảnh: Tiên Sa

Đặc biệt, du khách tiếp tục lên tàu để đi thăm nơi tụ cư của chim yến ở hang Tò Vò, hang Khô. Chiêm ngưỡng hòn Ông, hang Bà, bạn không khỏi ngỡ ngàng trước sự vô tình hay hữu ý của tạo hóa, để giữa mênh mông sóng nước cù lao có sự hòa hợp Âm – Dương đầy ẩn ý hoặc khám phá cảnh trí thiên nhiên độc đáo qua các tour lặn biển để ngắm các rạn san hô muôn hình vạn trạng và cả những đàn cá đủ các sắc màu tại bãi Bắc, bãi Chồng, hòn Dài. Hay như là đi câu cá đêm và thưởng thức món cá nướng, mực nướng mới câu lên từ lòng biển.

Cù Lao Chàm không chỉ là không gian biển đảo với nhiều điểm tham quan, du lịch hấp dẫn mà còn là nơi có nhiều sản vật từ rừng đến biển như các loại rau rừng, cua đá, ốc vú nàng, mực một nắng và các loài hải sản khác như cá chuồn, cá trích…

Rộn ràng mùa cá trích Cù Lao

Trong chuyến du lịch của mình, chúng tôi được kể lại vào cuối tháng 11 năm ngoái, ngư dân nơi đây đã trúng đậm mùa cá trích. Ông Trần Văn Năm (65 tuổi, ngụ tại thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp) cho hay, năm ngoái đột nhiên cá trích về biển đảo nhiều vô kể. Có lẽ đây là đàn cá trích lớn nhất trong vòng gần chục năm gần đây.

Lúc đó, bà con trúng mùa cá trích nên ai cũng phấn khởi, tha hồ chế biến các món ăn. Cù Lao Chàm có đến 80% người dân làm du lịch. Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến du lịch thất thu. Chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm định hướng bà con quay lại nghề biển. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay đời sống ngư dân ổn định nhờ nghề biển.

Cá trích nướng với vị ngọt thơm, bùi béo của biển khơi hòa quyện với nước mắm ớt, gừng cay làm níu chân du khách trên Cù Lao Chàm. Ảnh: Tiên Sa

Chắc “ông Trời” ngó lại, năm 2020 bà con trúng mực biển, đầu 2021 ngư dân trúng mùa cá ngừ và đến gần cuối năm 2021 lại trúng đậm cá trích… Vừa gỡ cá trích họ vừa hát câu:

Rộn ràng cá trích cù lao

Cái chiên, cái nướng, cái… nào cũng… ngon

Ai ở cù Lao Chàm đều biết đến con cá trích với nhiều cách chế biến thơm ngon. Cá trích có  thịt ăn lành, mềm, béo lại ít tanh và giá thấp nên phù hợp túi tiền của các bà nội trợ.

Được biết, thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã phối hợp với UBND thành phố Hội An và các phòng chức năng tổ chức đi khảo sát, đánh giá điều kiện để công nhận Cù Lao Chàm là khu du lịch cấp tỉnh. Qua khảo sát thực trạng các điều kiện để công nhận khu du lịch cấp tỉnh, khu du lịch Cù Lao Chàm cơ bản đáp ứng hầu hết các điều kiện. Hy vọng tương lai không xa, Cù Lao Chàm được UBND tỉnh công nhận là “Khu du lịch cấp tỉnh” sẽ góp phần mở ra sự phát triển du lịch tại đây trong thời gian tới.

Tiên Sa

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn