Du lịch cộng đồng ở Lai Châu: Nhiều lợi thế phát triển nhưng cũng không ít khó khăn

Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu và toàn tỉnh có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những đặc trưng văn hóa, phong tục riêng độc đáo… Lai Châu có nhiều ưu thế để tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Tuy nhiên, hệ thống giao thông, nguồn nhân lực phục vụ du lịch vẫn còn là những hạn chế đối với sự phát du lịch của địa phương này.

Bao la mây trời Tây Bắc.

Trong chương trình livestream trên fanepage Sài Gòn Tiếp Thị sáng ngày 26-8, chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện mang chủ đề Du lịch cộng đồng ở Lai Châu: Lợi thế và khó khăn, các khách mời của chương trình đã khắc họa khá rõ nét bức tranh du lịch Lai Châu.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Theo chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu, tỉnh có những đỉnh núi cao nhất Việt Nam được khách phượt đặc biệt yêu thích như Putaleng, Phu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Khang Su Văn, Tả Liên, Chung Nhía Vũ hay Pờ Ma Lung….

Lai Châu có những đỉnh núi cao rất được khách phượt yêu thích.

Do đặc thù địa hình núi cao, một số vùng ở Lai Châu như huyện Sìn Hồ, Dào San, Phong Thổ và thành phố Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, mưa thuận gió hòa.

Lai Châu còn sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách như đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ) – cung đèo dài nhất Việt Nam, khu du lịch Cầu kính rồng mây có cầu kính cao nhất Đông Nam Á, khu rừng sinh thái Hoàng Liên, khu sinh thái Tà Tổng, khu du lịch sinh thái thác Tác Tình, những đỉnh núi cao trên 3.000m so với mực nước biển mà các phượt thủ đều muốn chinh phục như đỉnh Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử với rừng đỗ quyên tuyệt đẹp. Lai Châu còn có hệ thống hang động vẫn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ như động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pusamcap ở thành phố Lai Châu.

Miền đất biên viễn này còn có 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng. Lai Châu còn có một lợi thế khác là nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, có đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai.

“Với những nét như vậy, tỉnh Lai Châu xác định tiềm năng, lợi thế chính để khai thác phát triển du lịch là tập trung vào hai loại hình: Du lịch leo núi, mạo hiểm và du lịch văn hóa cộng đồng”, chị Duyên chia sẻ.

Du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng là một trong hai loại hình được tỉnh Lai Châu quan tâm, triển khai.

Trong đó, với du lịch cộng đồng tại Lai Châu, Lai Châu đã tập trung quy hoạch, xây dựng một số bản văn hóa du lịch cộng đồng, điểm nhấn là loại hình du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách thăm quan, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Tại các điểm du lịch cộng đồng thường xuyên duy trì đội văn nghệ và sinh hoạt văn hóa dân gian phục vụ du khách. Đồng thời, các bản cũng bảo tồn, phát triển sản phẩm chợ phiên trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu.

Tất cả những yếu tố trên là điều kiện tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo. Và Lai Châu đã chọn phát triển loại hình du lịch cộng đồng và bước đầu khá thành công.

“Mang cả thế gian về bản Sin Suối Hồ”

Từ một vùng đất nghèo, được biết bởi tệ nạn nghiện hút thuốc phiện. Giờ đây, bản Sin Suối Hồ ở huyện Phong Thổ đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Sự “lột xác” này do chính người dân nơi đây tự mình tạo nên.

Đường vào bản Sin Suối Hồ.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu, trong số 16 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận, có 13 khu, điểm là làng văn hóa du lịch. Trong đó, bản Sin Suối Hồ được vinh danh là “làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”.

Theo chị Hảng Thị Sú, con gái của vị mục sư có uy tín trong bản, Sin Suối Hồ nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, thời tiết mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên đẹp, ẩm thực phong phú, hấp dẫn.

Cả bản gần như sạch bóng, không có một chút rác thải nào vương ra ngoài.

Theo chia sẻ của chị Sú, khoảng hơn 25 năm trước, hầu như 90% người dân bản Sin Suối Hồ nghiện thuốc phiện và nghiện rượu. Cuộc sống người dân trong bản lúc đó “chỉ có thể đào củ mài ăn qua ngày. Bệnh tật tràn lan vì bệnh viện ở xa, trộm cắp thì khắp bản”, Sú chia sẻ.

Đến năm 2005, với những nỗ lực không mệt mỏi của mục sư Hảng A Xà cùng trưởng bản Vàng A Chỉnh và lực lượng chức năng, người dân đã cai nghiện thành công. Đồng thời bà con đã thay đổi tư duy và bắt đầu kết hợp với nhà nước tham gia các chương trình nông thôn mới.

Hiện bản đã có hơn 40.000 chậu địa lan phủ khắp nơi. Đây cũng đang là một trong những nguồn thu cho người dân bản Sin Suối Hồ.

Bản Sin Suối Hồ cũng bắt đầu làm du lịch. Người dân lên rừng mang về những loại hoa rừng, đặc biệt là cây địa lan để trang trí khắp bản. “Hiện bản đã có hơn 40.000 chậu địa lan phủ khắp nơi, trong bản đã đưa ra những chiến lược kinh doanh cho bà con bản, để mọi người có thể kiếm thêm thu nhập”, Sú nói thêm. Năm 2015 bản đã được tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng.

Hiện bản này có 20 nhà hàng và homestay, 17 bungalows có thể phục vụ lưu trú cho hơn 300 khách và ăn uống khoảng 500 khách. Các đường mòn thông để leo đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Sơn Bạc Mây và đường thông cái thác cũng được người dân trong bản sửa sang, làm đẹp.

Theo chị Hảng Thị Sú, bản Sin Suối Hồ có khoảng 100 cái cổng.

Cũng theo Sú, trong bản có hơn 100 cái cổng mang đậm chất văn hóa người H’Mong và phân ra thành nhiều khu để khách có thể thăm quan như khu đá sổ đỏ, khu vẽ sáp ong, khu dụng cụ giúp người H’Mong sinh tồn, bức tường 300 năm, khu ngắm cảnh, khu tỏ tình, khu không gian đôi lứa, khu vườn lan, vườn đào…

Cô gái người H’Mong này còn cho biết thêm, bà con dân bản Sin Suối Hồ luôn có một phương châm “không thể đi được khắp thế gian thì hãy để thế gian đến với Sin Suối Hồ”.

Khi những vị du khách đến với Sin Suối Hồ, du khách không chỉ được thưởng thức không khí mát mẻ, không gian văn hóa và ẩm thực phong phú, phong cảnh đẹp của núi rừng mà còn được nghe câu chuyện biến đổi của bản Sin Suối Hồ.

Và có lẽ không là nói quá, khi nhận định Sin Suối Hồ là một điểm đến lý tưởng và ấn tượng với mọi du khách. Bà con dân bản đã chung ta xây dựng “bản 5 không” với tiêu chí: không uống rượu, không hút thuốc (thuốc phiện, thuốc lá, thuốc lào), không xả rác sai nơi quy định, không có tệ nạn như trộm cắp – cờ bạc…, người dân không đeo bám – chèo kéo du khách.

Mỗi cổng mang đậm văn hóa của người H’Mong.

Hiện nay, bản đang tiếp tục vận động bà con thực hiện thêm những điều tốt đẹp khác như không tảo hôn, không thả rông gia súc, không hủy hoại môi trường như chặt phá rừng, biết bảo vệ nguồn nước… Mỗi người dân bản luôn cố gắng phấn đấu để bản thân, gia đình sẽ là muối cho đất và ánh sáng cho thế gian, để nhiều nơi khác có thể học hỏi và đưa đất nước tươi đẹp thêm.

Mặc dù vẫn còn thiếu nhiều khó khăn về chuyên môn và nhân lực trong phục vụ hoạt động du lịch, nhưng với sự đoàn kết của bà con bản Sin Suối Hồ, mọi người bảo nhau sẽ cùng cố gắng khắc phục.

Chú trọng đầu tư, phát triển nhân lực du lịch

Mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, tuy nhiên việc phát triển các khu, điểm du lịch cộng đồng tại Lai Châu vẫn tồn tại một số hạn chế, là rào cản để tiếp tục mở rộng, tạo thành điểm đến thật sự đặc trưng, hấp dẫn khách du lịch của địa phương.

Dù có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng nhưng các diễn giả cho rằng hệ thống đường giao thông để di chuyển đến các bản còn khó khăn, chỉ sử dụng được xe nhỏ.

Theo đánh giá của chị Duyên, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại các bản văn hóa du lịch còn rất hạn chế. Đa số các bản văn hóa du lịch chưa được quy hoạch chi tiết để khai thác triệt tiềm năng, lợi thế sẵn có; thiếu không gian sinh hoạt truyền thống để tổ chức các hoạt động văn hóa, tạo điểm nhấn, khác biệt.

“Một số bản văn hóa du lịch còn thiếu hệ thống homestay phục vụ du khách như bản San Thàng, Sì Thâu Chải, hệ thống đường, cảnh quan thiếu tính đồng bộ, chưa hấp dẫn khách du lịch”, chị Duyên nói thêm.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch trong cộng đồng cũng cần phải được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.

Tại buổi trò chuyện, các diễn giả cũng cho rằng, sản phẩm, điểm du lịch tại Lai Châu dù khá đa dạng nhưng vẫn chưa thực sự đặc sắc, chưa mang tính nối tiếp để tạo thành các chuỗi và chủ yếu dựa vào cảnh quan thiên nhiên nên chưa tạo được sự hấp dẫn, tò mò và mong muốn ở lại lâu hơn cho khách du lịch.

Các dịch vụ du lịch đi kèm còn chưa phát triển, chủ yếu ở quy mô nhỏ khiến khách du lịch không có nhiều cơ hôi tiêu tiền.

Theo bà Phan Yến Ly, chuyên gia trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, Lai Châu có thể nghiên cứu những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận.

Đồng thời tăng cường các lớp, chương trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ buồng, bếp, hướng dẫn viên cho các hộ gia đình trực tiếp tham gia phục vụ khách du lịch. “Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch homestay như là một sản phẩm chủ lực của du lịch Lai Châu”, bà Ly chia sẻ.

Đối với du khách khi đến các điểm du lịch cộng đồng, theo bà Ly, địa phương cần tuyên truyền và kêu gọi có ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư.

“Ngành du lịch Lai Châu cũng cần tăng cường sự hợp tác, kết nối với các công ty lữ hành để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo cơ hội cho du khách khám phá, trải nghiệm”, bà Ly nói thêm.

Bà Ly cũng mong muốn các doanh nghiệp lữ hành có thể chủ động chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương để cùng nhau góp sức tạo nên những điểm đến hấp dẫn…

Nguyễn Nam

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn