Du khách quốc tế vào Việt Nam không phải cách ly, trẻ em không xét nghiệm

Bộ Y tế vừa hướng dẫn phòng, chống dịch với người nhập cảnh. Hành khách vào Việt Nam không phải cách ly và không phải xét nghiệm sau khi đến nơi.

Hướng dẫn này cũng không có quy định yêu cầu người nhập cảnh phải tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19.

Việt Nam đã mở hoàn toàn mảng du lịch quốc tế từ ngày 15-3. Ảnh minh họa: DNCC

Theo văn bản số 1265/BYT-DP, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ngày 15-3, gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người nhập cảnh phải xét nghiệm, khai báo y tế – kiểm dịch y tế tại cửa khẩu và theo dõi sức khỏe – áp dụng các biện pháp phòng bệnh Covid-19.

Yêu cầu về phòng, chống dịch

Người nhập cảnh theo đường hàng không, trừ trẻ em dưới 2 tuổi, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh, được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Người nhập cảnh theo đường bộ, đường thủy, đường sắt phải có xét nghiệm như đối với nhập cảnh bằng đường hàng không.

Trong trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu, bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kể từ khi nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách sẽ được rời khỏi nơi lưu trú, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, nếu dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2. Trẻ chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Khai báo y tế trước khi nhập cảnh

Người nhập cảnh phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tại cửa khẩu, nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, giảm hoặc mất khứu giác, đau, nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp… thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Theo dõi sức khỏe, áp dụng các biện pháp phòng bệnh

Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, hành khách tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 như vừa kể trên thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời.

Người nhập cảnh cũng thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh: hạn chế dừng, đỗ dọc đường, tránh tiếp xúc gần với người xung quanh trong thời gian đi từ cửa khẩu nhập cảnh đến nơi lưu trú.

Giới kinh doanh du lịch, hàng không đang chờ đợi hướng dẫn này để có thể thực hiện các chương trình thu hút du khách khi Việt Nam mở hoàn toàn mảng du lịch quốc tế từ ngày 15-3.

Sau hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ có hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp thuận tiện đón du khách quay trở lại sau hai năm tạm dừng vì dịch bệnh.

Đào Loan

Theo KTSG Online

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn