Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các trường đào tạo về du lịch đã đưa ra những giải pháp như dạy online, ứng dụng phần mềm để thay đổi phương cách đối với một số môn thực tập, kiến tập của sinh viên hoặc cho phép sinh viên chuyển đổi sang những học phần tương ứng để đảm bảo thời gian ra trường.
- Thách thức của sinh viên học ngành du lịch trong đại dịch Covid-19
- [Tọa đàm trực tuyến] Đào tạo nhân sự du lịch trong mùa dịch: Khó khăn và giải pháp
Trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch, do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện, được livesream trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị hôm 5-9, các khách mời khẳng định rằng, sinh viên là chủ thể của đào tạo, trong điều kiện dịch bệnh, cả nhà trường và sinh viên đều phải có những giải pháp để thích nghi trong cả công tác giảng dạy và học tập.
Theo tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, trưởng Khoa Du lịch Đại học Hoa Sen, một sự thật không thể chối cãi là Covid-19 thật sự đã ảnh hưởng đến chương trình đào tạo của khoa với đại đa số sinh viên trong thời gian từ một đến hai học kỳ.
Theo cô Hồng Minh, chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo ngành/nghề du lịch nói chung và tại Khoa Du lịch Đại học Hoa Sen nói riêng không thể thiếu được các môn học thực địa trong lộ trình. Vậy nên chương trình học thiết kế các phương pháp trải nghiệm visual ảo để sinh viên tham quan và thực hành.
“Chúng tôi đã và đang phát triển lộ trình học tập cũng như phương pháp giảng dạy”, cô Minh nói. Hình thức học online đang được nhà trường, Khoa Du lịch triển khai. Giảng viên đã có những thay đổi trong giáo trình nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, giúp sinh viên có thể dễ dàng tiếp thu được kiến thức mà môn học mang đến.
Cô Minh cũng cho biết thêm, dịch bệnh chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ học tập của sinh viên, đặc biệt với những sinh viên chỉ còn 1, 2 môn học trước khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chương trình đào tạo sinh viên theo hệ tín chỉ và với sự hỗ trợ, tư vấn từ đội ngũ giảng viên, sinh viên có thể thay đổi lộ trình học cho phù hợp với bất kỳ tình huống nào.
Đối với trường đại học Hoa Sen, cô Minh cho biết thêm, đội ngũ giảng huấn của Khoa Du lịch đã ứng dụng các phần mềm công nghệ vào trong giảng dạy, thông qua các ứng dụng trực tuyến. “Đơn cử như môn tour guiding, chúng tôi hướng dẫn và tạo cho sinh viên những trải nghiệm tour thực tế ảo”, cô Minh nói thêm.
Cũng theo cô Hồng Minh, sinh viên ngành du lịch, trên thực tế vẫn có những bộ phận khác có thể linh hoạt vào mùa dịch như marketing/truyền thông du lịch, thiết kế các tour ảo, thu âm podcast giới thiệu địa điểm tham quan du lịch…
Cô Hồng Minh cũng chia sẻ thêm, bên cạnh việc thay đổi một số phương pháp giảng dạy, một số trường đào tạo về du lịch ở bậc đại học cũng đã thực hiện chuyển đổi học phần môn học tương thích để thay thế những môn kiến tập, thực tập, học kỳ tại doanh nghiệp nếu sinh viên có nhu cầu.
Sinh viên Khoa Du lịch của trường này, theo vị trưởng khoa, trong thời gian vừa qua cũng đã học được cách tổ chức sự kiện trên các nền tảng online và kỹ năng phản ứng, thích nghi và xử lý tình huống.
Trong khi đó, với trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (STHC), thạc sĩ Nguyễn Minh Thạnh, Trưởng bộ môn Lễ tân, chia sẻ thông thường sinh viên năm 2 sẽ có hai tháng để được gửi đến các doanh nghiệp như khách sạn Rex, Majestic và Continental thực tập. Tuy nhiên, theo thầy Thạnh, từ ngày 20-5, các cơ sở lưu trú đều tạm ngưng hoạt động, việc sinh viên thực tập cũng phải hoãn lại.
Theo thầy Thạnh, hiện nhà trường đã và đang tổ chức dạy online cho các khối lớp với một giáo án được thay đổi phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số môn thực hành có tính chất không tiếp xúc như kỹ năng sử dụng điện thoại hoặc kỹ năng tiếp nhận đặt phòng qua điện thoại thì trường vẫn có thể tiến hành dạy online trong thời gian này cho các lớp đang học.
“Thời gian nghỉ giãn cách, trường tổ chức dạy và học online. Kế hoạch là tháng 10 sẽ học trở lại, khi đó sinh viên sẽ thực hành. Tuy nhiên, nếu tới thời điểm đó vẫn chưa thể tập trung học trở lại thì kế hoạch có thể bị trễ so với tiến độ. Thời gian cụ thể còn tùy thuộc vào thời gian kiểm soát dịch bệnh của thành phố”, thầy Thạnh nói.
Theo thống kê từ cuối tháng 6-2021 của Tổng cục du lịch, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, khoảng 50% nhân lực ngành du lịch đã bị cắt giảm hoặc tái cấu trúc. Phần lớn lao động bị cắt giảm có tâm lý không muốn quay trở lại với ngành. Đây là nguyên nhân dự báo sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành du lịch như lữ hành, khách sạn… sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo cô Hồng Minh, khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch sẽ trở lại mạnh hơn và nhu cầu nhân sự cũng rất cao. Thậm chí một vài quốc gia châu Âu đã “sống chung với dịch” và áp dụng các chính sách hỗ trợ ngành du lịch. “Nhìn nhận ở góc độ khách quan và tích cực, dịch Covid-19 mang đến cơ hội cho người học chứ không chỉ là thách thức và khó khăn”, cô Minh nói thêm.
Hiện nay, nhiều bạn sinh viên du lịch đang có tâm lý nản bởi không biết học ra trường trong bối cảnh dịch thế này sẽ ra sao. Ở góc độ là doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nhân sự, anh Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch Hi Travel, cho rằng, không chỉ sinh viên mà cả những người đang làm du lịch hiện cũng đang rất nản.
Tuy nhiên, anh Hiệp cho rằng, không chỉ ngành du lịch bị ảnh hưởng mà gần như mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Vì thế, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sinh viên hãy làm tốt nhiệm vụ của việc học”, anh Hiệp nói.
Bên cạnh đó, dưới góc độ là nhà tuyển dụng, anh Hiệp cũng cho rằng, khi có cơ hội thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp, sinh viên hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian này để học hỏi với một thái độ cầu thị và nghiêm túc.
“Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi sinh viên ra trường và có ý định quay trở lại đơn vị thực tập để xin việc vì đã tạo được thiện cảm trước đó”, anh Hiệp chia sẻ thêm.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh, anh Hiệp cũng khuyên các bạn sinh viên cần chủ động tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực theo học để trao dồi kiến thức. Trong đó, ngoại ngữ sẽ là yếu tố quan trọng đối với sinh viên theo học ngành du lịch.
Nguyễn Nam