Mỗi chuyến đi càng thêm yêu tổ quốc. Mỗi hành trình để thấy Việt Nam tươi đẹp hơn. Những cảm xúc luôn dạt dào trong mỗi chuyến hành trình, dù đó là chuyến du lịch cá nhân hay là chuyến công tác để xây dựng sản phẩm.
- Sáng kiến Điểm đến an toàn phát động chương trình “Chuyện nghề du dịch”
- Tâm sự của người thiết kế tour con đường tình báo
- Kinh nghiệm chinh phục Bạch Mộc Lương Tử từ bản Sin Suối Hồ
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Thuở mới bước chân vào nghề du lịch, tôi đã được chính du khách nước ngoài truyền cho tình yêu thiên nhiên, cảnh đẹp, con người quanh mình. Đã quen thuộc với nơi mình sinh ra và lớn lên, chắc chắn bạn cũng như tôi, nhiều khi chưa thấy vạn vật xung quanh thú vị và đẹp đẽ và nếu chưa có dịp đi xa, bạn sẽ không thấy nhớ da diết quê hương.
Mỗi con đường, góc phố, quán ăn ở thị thành hay dòng sông quanh co, cánh đồng lúa khi thì xanh mướt, khi thì vàng ươm, những vườn cây trĩu quả ở làng quê theo bước chân du lịch sẽ trở nên lung linh hơn bao giờ hết.
Mỗi lần khách ồ lên thích thú trước cảnh đoàn tàu đánh cá về cảng, cảnh tát nước ven đường, cảnh con trâu trong ruộng lúa hay cả đoàn đồng loạt giơ máy chụp hình một em bé miền núi, cụ già Hội An đang cười rất tươi dù nét mặt vẫn còn hằn nên vẻ khắc khổ… cảm xúc của tôi dần dần thăng hoa.
Tôi nhớ có lần thấy khách lặng người ngắm cảnh đẹp Lăng Cô từ đèo Hải Vân. Thú thật lúc đó tôi có mơ về một thiên đường resort nghỉ dưỡng nhưng khách đã bảo tôi “những cảnh quan tuyệt mỹ còn hoang sơ như thế này trong tương lai sẽ hiếm gặp và có khả năng sẽ bị những khối bê tông nhân tạo của con người đè bẹp. Việt Nam các bạn may mắn lắm!”.
Và rồi từ từ ,tôi thấy mấy con tàu đánh cá thô sơ còn gỉ sét, mấy ngôi nhà lá ven sông, những cánh hoa bần rụng trắng hồng như dải lụa trên dòng kênh, những ruộng bậc thang mùa đổ nước hay mùa lúa chín lại “art” đến vậy; thấy gói xôi gói trong lá chuối, thấy nhúm trà gói trong cánh sen, thấy cái bánh hoa hồng phố Hội xinh xinh… lại tinh tế nhường nào!
Đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước mấy chục năm trời mà tôi thấy tim mình vẫn đập rất nhanh vào những khoảnh khắc khi đứng trước những địa danh đi vào sách sử như là Ải Chi Lăng từng ngăn vó ngựa xâm lược phương Bắc, bãi cọc Bạch Đằng Giang vùi thây quân thù, gò Đống Đa ngạo nghễ, kia là lăng mộ bà Triệu trên núi Tùng, hầm De Castrie tại Điện Biên, thành cổ Quảng Trị, đường Trường Sơn oai hùng…
Và rồi, tôi lại thấy mình thật sự rung động khi ngắm cảnh bình minh trên biển từ bờ kè của xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ, ngắm hoàng hôn xuống núi trên đỉnh Chư Đăng Ya ở Tây Nguyên hùng vĩ hay đơn giản là đứng cạnh cột mốc biên giới nơi địa đầu tổ quốc và tận cuối trời đất nước tại Mũi Cà Mau…
Có lần, tôi cùng đoàn Tổng cục du lịch Việt Nam đến thăm Móng Cái và đến viếng đình Trà Cổ, một ngôi đình cổ khoảng 600 năm, tọa lạc giữa vùng giáp biên giới Việt – Trung như một cột mốc văn hóa của dân tộc Việt Nam nơi địa đầu tổ quốc.
Ghé thăm đình vào một ngày mưa bão, ai cũng cảm thấy ấm áp, an lòng và như cảm nhận được tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Cường khi viết bài Mái đình làng biển: “Ơi vút cong mái đình/Ơi nước non ân tình/Hồn Việt Nam như thế/Thuở bình minh”.
Và một lần nữa, cảm xúc người lữ hành trong tôi lại dâng trào :
“Bồi hồi tôi đứng giữa trời biên cương
Ngày có bão dưới mái đình Trà Cổ
Thấy máu Lạc Hồng trong tim chảy mạnh
Bỗng hiểu thế nào là tổ quốc, quê hương!”
Phan Yến Ly