Chuyện nghề du lịch: Cách vượt suối an toàn khi trekking mùa mưa

Theo chia sẻ của các chuyên gia trong hoạt động trekking vượt sông, suối thì trước khi thực hiện chuyến hành trình, người dẫn đoàn phải ghi nhớ nguyên tắc sinh tồn: Không an toàn thì không nên vượt.

Kỷ luật trong tour mạo hiểm khám phá thiên nhiên được đề cao, mọi thành viên phải có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc sinh tồn để hạn chế tối đa rủi ro. Ảnh: Châu Á

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Jungle Boss, Công ty du lịch chuyên tổ chức các tour mạo hiểm có trụ sở tại Quảng Bình, cho biết an toàn luôn là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu cho cả du khách và hướng dẫn viên trong hành trình du lịch thiên nhiên.

Vì thế, việc ghi nhớ nguyên tắc sinh tồn khi vượt thác, ghềnh hay sông suối trong mùa mưa là yếu tố quan trọng khi đi trekking. “Vào thời điểm nước dâng quá cao, các đơn vị tổ chức tour nên cân nhắc hoãn lịch trình hoặc xem xét các lựa chọn khác như thay đổi lộ trình, băng qua sông ở vị trí khác hoặc sử dụng thuyền”, ông Dũng nói.

Trong trường hợp có thể đi bộ qua sông, du khách sẽ được trang bị thêm dây thừng, túi ném, mũ bảo hiểm và áo phao. Dây thừng vượt suối phải là loại dây nổi, nhẹ và bền.

Khi băng qua sông, hướng dẫn viên và du khách phải kiểm tra thêm nhiều yếu tố như độ nông – sâu của dòng nước; tốc độ dòng chảy; điều kiện địa hình dưới nước; xem đáy sông có đá ngầm, sỏi, cây cối… hay không; và phát hiện sự bất thường của màu nước.

Dây cứu hộ phải nhẹ và nổi. Trong ảnh là nhân viên đang ném dây cứu hộ cho người bị kẹt dưới dòng nước.

“Khi xảy ra lũ, nước sông dâng cao liên tục sẽ khiến cho cây cối bị kẹt lại tại các đồi đất ở giữa sông, các vật thể rắn bị nhấn chìm ở dưới nước khiến ta khó nhận diện. Vì vậy, bạn cần phải xác định chắc chắn điểm vượt sông an toàn. Và nếu cần thiết, ta nên đổi sang vị trí khác có dòng chảy chậm hơn”, ông Dũng nói thêm.

Theo ông Dũng, đối với các tour trekking mà trong hành trình có vượt thác ghềnh hay sông suối thì người dẫn đoàn phải thường xuyên theo dõi thời tiết và cập nhật tình hình mực nước trong khu vực đi khám phá để đánh giá mức độ an toàn trước khi khởi hành.

Trong trường hợp đã đi trong rừng mà mực nước đột ngột lên cao không đảm bảo an toàn thì không vượt suối và phải tìm nơi khô ráo, an toàn để ở lại và chờ nước xuống.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm một số cách vượt suối thông thường đối với các treker để luôn dảm bảo an toàn cho các thành viên trong đoàn.

Ông Dũng cho biết thêm, ngoài yêu cầu bắt buộc được cấp thẻ hướng dẫn, người dẫn đoàn còn cần học qua lớp kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống trong tour mạo hiểm. Ảnh: Châu Á

Qua suối theo hàng ngang:

Đây là cách vượt suối đơn giản nhất khi mực nước còn thấp dưới thắt lưng. Lúc này cả nhóm hãy lập thành một hàng ngang, dùng một cành cây thẳng có khả năng chịu lực tốt để mọi người cùng nắm tay đan xen trên cành cây nhằm mục đích hỗ trợ lực cho nhau.

Nếu không có cành cây thì có thể choàng tay qua vai và eo nhau. Người khỏe và có kinh nghiệm nhất nên là người đứng trên cùng theo hướng dòng chảy để cản lực chảy của dòng nước nhằm giảm tác động lực đẩy lên các thành viên khác trong đoàn.

Những thành viên còn lại hỗ trợ lực cho người đứng trên cùng để cùng nhau vượt suối. Chú ý phải cử một người để ra hiệu lệnh, thường là người đứng trên cùng theo dòng nước và cả đoàn cùng bước tới theo nhịp đều và đúng cự ly nhằm tránh việc bị lệch đoàn sẽ giảm rất lớn sức chống của cả đoàn.

Qua suối theo hang dọc:

Khi nước lên cao ngang bụng thì có thể áp dụng phương pháp này. Cả đoàn kết thành một hàng dọc, tay người ở sau giữ chặt lên vai người ở trước.

Người đứng đầu tiên ngược hướng dòng chảy phải là người khoẻ nhất để cản lực nước, những người ở sau sẽ hỗ trợ lực giúp người đứng đầu. Người đứng đầu nên cầm một cành cây hoặc gậy có độ bền và chắc để chống trụ xuống lòng sông, suối nhằm làm điểm bám trụ.

Người đứng đầu sẽ có trách nhiệm hô bước để cả đoàn cùng bước theo để tránh việc bị lệch đoàn sẽ gây giảm sức chống. Với kỹ thuật này thì việc di chuyển sẽ là bước sang một bên, sang trái hoặc sang phải tuỳ theo hướng di chuyển.

Kỹ thuật vượt suối flying fox òi hỏi công đoạn set up phức tạp và cần những điểm néo ở cao để tạo thành một dây đu zipline tạm thời.

Dùng dây vượt suối:

Dây vượt suối có thể được sử dụng để hỗ trợ khi nước dâng cao. Người mang dây vượt suối phải là người rất kinh nghiệm, có sức khoẻ tốt và bơi giỏi.

Giây thừng vượt suối phải là loại dây nổi, nhẹ và bền. Người đầu tiên đưa dây qua suối theo cách thắt một vòng tròn rộng ở một đầu dây, sau đó choàng chéo qua vai.

Với cách vượt suối này, theo ông Dũng, tuyệt đối không được cột thắt dây ở bụng hoặc cầm hay buộc dây ở tay vì trong trường hợp bất trắc khi đang bơi qua suối, người tiên phong có thể dễ dàng luồn tay đẩy dây khỏi cơ thể mình để thoát hiểm nhanh chóng.

Góc bơi từ bên này sông qua bên kia sông nên ít nhất là 45 độ tùy theo lực chảy của dòng nước. Dây vượt sông suối cũng phải chênh lệch khoảng 45 độ xuôi dòng để người vượt sông giảm được lực đẩy từ dòng chảy.

Vượt suối bằng zipline:

Đây là kỹ thuật đòi hỏi công đoạn set up phức tạp và cần những điểm néo ở cao để tạo thành một dây đu zipline tạm thời để cả đoàn có thể an toàn đu dây qua suối một cách an toàn.

Ngoài ra, đối với khách tham gia tour trekking vượt sông – suối, ông Dũng đưa ra lời khuyên không nên mang theo balo hoặc trang thiết bị nặng trên người khi vượt sông suối ở mực nước lên cao

Đồng thời, để hành trình khám phá an toàn, luôn có sẵn một đội cứu hộ ở khu vực phía dưới điểm vượt suối và được trang bị dây nổi cứu hộ chuyên dụng.

Nguyễn Nam


Nhằm tạo sân chơi để những người làm trong lĩnh vực du lịch như hướng dẫn viên, điều hành tour, thiết kế tour, giám đốc du lịch, blogger du lịch, chuyên gia tư vấn du lịch… chia sẻ bài viết, hình ảnh, video về kinh nghiệm đi du lịch trong nước, quốc tế; kinh nghiệm trekking, camping, du lịch mạo hiểm…, Sài Gòn Tiếp Thị và chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn phát động chương trình “Chuyện nghề du dịch”.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn