Bên cạnh những điểm tham quan quen thuộc như Miếu Bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư… An Giang còn gây ấn tượng với du khách bởi những ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo.
Chùa Prey Veng toạ lạc trên đường Trần Hưng Đạo, huyện Tri Tôn. Chùa còn có tên gọi khác là Trường Lâm Tự hay chùa Dưới, xuất phát từ cách gọi quen thuộc để phân biệt hai ngôi chùa của người dân địa phương: Chùa Xvayton (chùa Xà Tón) là chùa Trên và chùa Pray Veng là chùa Dưới.
Nhìn từ ngoài vào, ngôi chùa có phần bình dị và không thu hút. Tuy nhiên, khi vào khuôn viên chùa, du khách sẽ bất ngờ bởi những toà tháp màu vàng lộng lẫy, không thua kém những ngôi chùa tại Thái Lan hoặc Myanmar. Để có được bức hình ấn tượng, du khách có thể thuê trang phục truyền thống của người Khmer để chụp ảnh.
Chùa Kal Bô Krưk (Chùa Ba Thê)
Nằm tại triền núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn), chùa Ba Thê có lich sử hơn 200 năm. Chùa được xây dựng vào năm 1826 khi cộng đồng người Khmer có mặt ở đây. Ban đầu, chùa được cất bằng cây tạp, lợp tranh với diện tích 2.500 m². Sau nhiều lần trùng tu và xây mới, hiện tại chùa có kiến trúc Khmer Nam bộ đặc trưng như ngày nay. Đó là kiểu kiến trúc nóc nhọn, mái vút cong, tam cấp. Trên nóc đỉnh là các thần rắn Pônaga tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt.
Chùa Kal Bô Krưk có kiến trúc đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ. Ảnh: Henry Dương
Trong khuôn viên chùa có những ngôi tháp cổ được ví như “tiểu Angkor Wat”. Để có bức ảnh đẹp, du khách nên đi vào buổi sáng hoặc trưa để có ánh sáng tốt. Tuy nhiên, đây là thời gian các sư nghỉ ngơi nên lưu ý giữa im lặng.
Chùa Huỳnh Đạo
Chùa Huỳnh Đạo tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông 2, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Với kiến trúc độc đáo và không gian rộng lớn, chùa Huỳnh Đạo là nơi được nhiều du khách và Phật tử đến tham quan, chiêm bái.
Không gian khoáng đãng, xanh mát của chùa Huỳnh Đạo. Ảnh: Henry Dương
Phía trước chánh điện chùa là hồ sen rộng, mùa hè trổ hoa thơm ngát. Trên mặt hồ có tượng chín rồng lớn, đầy uy lực biểu tượng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khuôn viên rộng đến 3.000 m² là hơn 50 bức tượng Phật bằng đá trắng trong nhiều tư thế và trang phục khác nhau, tạo thêm sự uy nghi của ngôi chùa.
Chùa Bà Hẹ
Thất Sơn Thiên Hậu Thánh Cung, dân gian gọi là chùa Bà Hẹ, là miếu thờ Thiên Hậu của người Hẹ vùng Thất Sơn, huyện Tịnh Biên. Trong miếu, ngoài thờ Thiên Hậu còn có Kim Hoa Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng… Miếu được xây dựng đầu thế kỷ XX, xung quanh là vườn cây thoáng mát.
Du khách tham quan, chiêm bái tại chùa bà Hẹ. Ảnh: Henry Dương
Điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu thường được người dân nơi đây quen gọi là chùa Bà Hẹ hay chùa Bà nước Hẹ (vì đây là ngôi miếu thờ được xây dựng bởi những người Hẹ, một tộc người của người Hoa, đến định cư trong vùng Thất Sơn xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX).
Chùa Lầu
Toạ lạc trên trục đường Quốc lộ 91, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, chùa Lầu (hay còn được gọi Phước Lâm Tự) được mệnh danh là “tiểu Nhật Bản giữa lòng An Giang” bởi màu sắc và kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách xứ phù tang. Sở dĩ được gọi là chùa Lầu bởi chùa được xây theo kiến trúc tầng lầu, xếp chồng lên nhau
Chùa Lầu là nơi check-in quen thuộc của du khách khi đến An Giang. Ảnh: Henry Dương
Không chỉ đặc sắc bởi kiến trúc, chùa Lầu còn có khuôn viên ngập tràn cỏ cây, hoa lá tựa như một công viên hoa thu nhỏ. Đến đây, bất kỳ góc nào của chùa cũng sẽ là phông nền hoàn hảo để du khách có bức ảnh đẹp.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.
Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.
Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.