Câu chuyện du lịch: Khám phá Cần Giờ bằng xe đạp

Những bạn yêu thích thiên nhiên, thích rừng, thích sông, thích biển, nơi để chúng ta có thể thỏa thích sống ảo, ăn hải sản tươi ngon và đạp xe trên những cung đường phủ đầy cây xanh thì Cần Giờ, TPHCM là nơi hội đủ điều kiện để các bạn “thoả chí tang bồng”.
Khám phá Cần Giờ bằng xe đạp.

Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 55km, Cần Giờ là một huyện ngoại thành ven biển, có khu sinh quyển rừng ngập mặn đóng vai trò là “lá phổi xanh” của thành phố.

Để đến được Cần Giờ có nhiều cách như đường thủy, đường bộ bằng xe cá nhân… Tuy nhiên chúng tôi chọn đạp xe. Từ bưu điện thành phố đến phà Bình Khánh của huyện Nhà Bè, xuyên qua những con đường đông đúc, náo nhiệt, nhiều khói bụi và đi chung với tất cả các phương tiên lớn, nhỏ.

Sau khi qua khỏi phà Bình Khánh, cảnh tượng hoàn toàn ngược lại và vô cùng lý tưởng. Con đường trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ mang tên là đường Rừng Sác. Rất ít xe qua lại, chỉ có 2 tuyến xe buýt Bình Khánh – Cần Giờ, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe du lịch hoặc xe gắn máy chạy vụt qua.

Chinh phục cung đường Rừng Sác
Cung đường đạp xe về Cần Giờ.

Hai bên đường, những thân cây đước mọc sát nhau vươn thẳng lên trời, gốc cây nhô khỏi mặt nước làm lộ ra bộ rễ xoè tròn cắm sâu vào đất. Rừng Sác là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đóng vai trò là “lá phổi xanh” của Sài Gòn.

Chụp hình cùng những người bạn đồng hành trong Rừng Sác.

Thỉnh thoảng trên đường các bạn sẽ gặp những cây cầu khá cao và lớn, bắc ngang qua những con sông quanh co không gợn sóng và lặng lẽ ôm lấy khu rừng đước xanh tươi. Cây cầu là một trong những địa điểm lý tưởng để sống ảo. Từ lan can ở giữa cầu chúng ta có thể nhìn bao quát cảnh sắc thiên nhiên của rừng xanh, mây trắng, nước trôi lững lờ.

Chụp hình tự sướng ở mọi lúc, mọi nơi

Đạp xe dưới trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, cơ thể mất nước, uống một ly nước mía để bù nước là một điều cần thiết.

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không giới thiệu với các bạn thức uống đươc xem là đặc sản của vùng này chính là dừa nước. Một quài dừa nước sẽ có rất nhiều trái, chỉ cần tách đôi từng trái để lấy cơm dừa bên trong, thêm một ít đá viên thì có thể thưởng thức ngay.

Gần đây, người ta còn thu hoạch thêm mật dừa nước từ cuống của quài dừa để uống chung với cơm dừa. Cơm dừa mềm mềm, mật dừa thơm thơm, nước đá lạnh. Ngon hết biết! Có bạn đã uống một lúc 2 ly mà vẫn còn “thòm thèm”.

Khi cả nhóm tới Khu Du lịch 30-4, liền tìm một quán hướng nhìn ra biển để nghỉ ngơi và ăn hải sản. Các bạn có thể đi bộ đến chợ hải sản ở gần đó mua tôm, cua, mực, bạch tuộc… về nhờ quán chế biến món ăn.

Chợ hải sản ở Cần Giờ.

Trong khi chờ đợi, các bạn có thể nghỉ ngơi trên ghế bố, đón những làn gió mát rượi từ biển thổi vào hay xách xe đạp ra bãi biển đạp xe vòng vòng trên bờ cát thoai thoải, ẩm ướt vì sóng nước tràn vào.

Đạp xe trên bãi biển Cần Giờ.

Cung đường Sài Gòn – Cần Giờ là trải nghiệm thú vị dành cho những người yêu thích thiên nhiên và đạp xe đường trường.

Dương Minh Phượng

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn