Đến với làng cổ Đường Lâm, Hà Nội du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình cùng với những ngôi nhà cổ.
- Trải nghiệm cắm trại, câu cá và gặp rắn ở hồ Trị An, Đồng Nai
- Chuyện nghề du lịch: Nỗi niềm của một hướng dẫn viên Inbound ở TPHCM
Có nhiều lối vào Đường Lâm, Hà Nội nhưng chiếc cổng làng cổ còn lại duy nhất của làng cho đến ngày nay nằm ở thôn Mông Phụ. Đây là một trong những cổng làng cổ nổi tiếng nhất ở Việt Nam, được ví như nơi lưu giữ hồn quê của Xứ Đoài.
Cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông. Cũng như nhiều công trình kiến trúc truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi thuật phong thủy.
Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Có thể thấy, ý thức dựng làng, giữ làng để phát triển cho đời sau đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ người dân xứ Đoài.
Cổng làng Mông Phụ là một công trình quan trọng trong quần thể di tích của Đường Lâm, được kết hợp hài hòa với đường làng, cây đa, giếng nước, ao đình, lũy tre xanh và cánh đồng lúa mênh mông. Bao quát quanh cổng là một không gian rộng và thoáng
Với những người con Đường Lâm làm ăn nơi xa, lâu ngày trở lại thăm quê, nhìn thấy cây đa làng thấp thoáng từ xa, họ đã thấy tâm hồn nhẹ nhõm vì biết sắp về đến mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.
Cổng làng Mông Phụ được dựng theo kiểu thượng gia hạ môn (trên là nhà, dưới là cổng). Tường của cổng làng được làm từ đá ong. Hai cánh cổng được làm từ gỗ lim. Cổng làng Mông Phụ có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui.
Cổng làng từ lâu đã trở thành một công trình văn hóa đặc sắc và luôn tồn tại trong tâm khảm của người Việt như là một biểu tượng của văn hóa cộng đồng. Gần nửa thiên niên kỷ đã trôi qua nhưng những dấu ấn của lịch sử – văn hóa của Đường Lâm xưa vẫn còn in đậm nơi cổng làng như một nét đẹp của văn hóa dân tộc.
Trần Hiếu