Cắm trại trên vách đá, đi bộ 154km khám phá Hà Giang

Cắm trại qua đêm trên vách đá trắng hay đi bộ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bản làng là hai hoạt động thú vị mà các bạn trẻ thích xê dịch đã trải nghiệm khi đến Hà Giang.

 

Cắm trại trên vách đá trắng nhìn ra sông Nho Quế

Vách đá trắng là cách gọi cho dễ hiểu khi Huỳnh Lít quê Đà Nẵng cùng vài người bạn khác chọn nơi đây để neo trại trong tháng 2 vừa rồi. Cũng như nhiều người trẻ khác, họ quyết một lần thử cảm giác chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non hùng vĩ và con sông Nho Quế xinh đẹp từ bên dưới hẻm vực Tu Sản từ bình mình cho đến hoàng hôn.

Đặc biệt, ngắm bầu trời đầy sao về đêm và ngồi cùng nhau hàn huyên bên ánh lửa bập bùng trên một độ cao nhất định. Đây có lẽ là trải nghiệm “có một không hai” đối với những bạn trẻ này.

Huỳnh Lít cắm trại trên vách đá trắng ở Hà Giang. Ảnh: NVCC

Tên gọi khác của điểm cắm trại này là “vách đá thần Hà Giang”, nằm ngay trên đèo Mã Pí Lèng. Nơi đây cách trung tâm Hà Giang khoảng 160km, nơi có địa hình cheo leo, giữa xã Pải Lủng và xã Pả Vi huyện Mèo Vạc.

Theo nhiều người bản địa kể, trước khi có đèo Mã Pì Lèng, đường đi bộ qua khu vực vách đá trắng này là tuyến đường nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Địa điểm hạ trại hiện tại là nơi mà xưa kia vua Mèo và tùy tùng dừng chân mỗi khi di chuyển qua. Cung đường đèo Mã Pí Lèng thường được biết là đoạn đèo trên quốc lộ 4C hay còn gọi là Con đường Hạnh Phúc.

“Tuy nhiên còn một con đường đèo Mã Pí Lèng nhỏ nữa (hay có nơi gọi là Mã Pí Lèng B) mà chỉ có xe máy của dân phượt có thể ghé tới chứ ô tô của những tour đến Hà Giang thông thường không thể đi vào được. Nếu bạn muốn ghé qua đây thì cũng có thể hỏi nhân viên tư vấn tour trước để được thiết kế tuyến tour riêng ghé qua đây nếu đi đông người”, Huỳnh Lit cho biết.

Đi bộ 154km để chiêm ngưỡng cảnh núi đồi

Một trải nghiệm khác vô cùng độc đáo đó là chuyến đi bộ dọc theo những con đường đèo thoai thoải ở Hà Giang của Trần Trung Hiếu quê Hội An. Chuyến đi của anh kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ ngày 18 và kết thúc ngày 24-2 năm nay. Anh bảo đây là chuyến hành trình của tuổi trẻ hay nói cách khác là muốn mình sống chậm để tận hưởng cuộc sống sau thời gian dịch căng thẳng.

Chuyến đi đầu tiên đến Hà Giang của Hiếu cách đây 6 năm. Dù đã đi nhiều lần nơi này bằng xe máy, nhưng Hiếu cho biết “chưa thấy đã” và anh quyết định phải đi bộ để ngắm cho thật kỹ cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, sẵn dịp giao lưu với người dân.

“Tôi không vội, vừa đi vừa hít mùi cây cỏ núi rừng, hương hoa trong sương. Cảm giác thật tuyệt.” – Anh chia sẻ.

Hà Giang lạnh tê tái vào tháng 2, có băng giá, nhiều người khuyên Hiếu suy nghĩ lại, nhưng anh đã quyết. Men theo đường quốc lộ, nhắm thẳng tới đèo Mã Pí Lèng vào sáng 18-2 với quần áo ấm và một chiếc ba lô nặng 16kg, anh chàng 32 tuổi lên đường.

Đêm đầu tiên, anh nghỉ ở dốc Bắc Sum. Nhờ chủ quán cà phê ở bên đường cho trú nhờ, Hiếu mang túi ngủ ra trải ngủ qua đêm. Hai ngày đầu, Hiếu đi bộ một mình. Khi tới thị trấn Quản Bạ, có một cô bạn đi từ Tuyên Quang qua để cùng đi bộ với anh trong bốn ngày còn lại.

Sau một lần trượt chân, cô gái tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng. Song, sau một buổi sáng nghỉ ngơi không di chuyển, cô đã lấy lại được sức và quyết tâm cùng tiếp tục hành trình với Hiếu.

Hiếu trong chặng hành trình 6 ngày của mình ở Hà Giang. Ảnh: NVCC

“Trung bình chúng tôi đi 20 km/ngày, có ngày đi 30-35 km/ngày. Mỗi sáng thì khởi hành lúc 7:00 – 8:00 giờ, chiều thì dừng bước nghỉ ngơi lúc 18:00”, Hiếu cho hay.

Anh chọn ăn cùng người bản địa, để được thưởng thức các món ăn truyền thống nơi này như thắng cố, xôi nếp, uống rượu ngô bên bếp lửa, nghe bà con kể những câu chuyện địa phương.

Tối thứ ba, Hiếu nghỉ ngơi ở một homestay huyện Yên Minh. Tối thứ tư, anh chọn ngôi nhà nhỏ ở thung lũng Sủng Là, cách nơi từng quay bộ phim Chuyện của Pao không xa. Tối thứ năm, anh dừng chân ở cao nguyên Đồng Văn.

Anh chọn nghỉ ở các homestay bên đường, hiện ở Hà Giang có rất nhiều người bản địa mở các homestay, có các dạng phòng dorm (phòng ở cho nhiều người), giá chỉ khoảng 100.000 đồng/đêm/người nhưng đầy đủ chăn, nệm, mọi người được ngủ nghỉ an toàn sẽ có sức khỏe cho những ngày di chuyển kế tiếp.

“Tôi được sống trọn vẹn mọi giác quan với cảnh sắc, thiên nhiên nơi đây. Những thung lũng tuyệt đẹp trong màu hoa đào, những ngôi nhà nhỏ tường đất bên những hàng rào đá, những triền núi nở vàng hoa cải. Khi thấy bản làng nào nhỏ xinh trên núi, chúng tôi lại đi bộ lên, vào bản để nói chuyện với người bản địa, đó là những điều tuyệt vời mà nếu đi xe hơi hay xe máy, bạn sẽ chẳng thể nào có được”, Hiếu tự hào chia sẻ.

Vẻ đẹp của Hà Giang được Hiếu ghi lại. Ảnh: NVCC

Hiếu thực hiện chuyến đi 154km của mình khi nhiệt độ xuống thấp vô cùng. Có những buổi sáng, anh thức dậy di chuyển trong mưa gió và rét buốt, nhiệt độ chỉ 2 – 3 độ C, khiến tay chân tê cóng. Lúc đi thì anh thấy ấm, nhưng dừng lại là gió thốc lạnh buốt. Thay vì đi bộ lên Cột cờ Lũng Cú như kế hoạch, Hiếu và bạn đồng hành dừng ở Mã Pí Lèng.

Ngày 24-2, Hiếu kết thúc 6 ngày đi bộ, đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, sải bước chân trên con đường Hạnh Phúc, nhìn xuống dòng Nho Quế xanh bát ngát, trong lòng có chút luyến tiếc. Đó là phải kết thúc một hành trình mà bản thân anh không biết khi nào có cơ hội thực hiện nữa.

Tổng chi phí gồm cả vé máy bay khứ hồi, xe khách, di chuyển dọc đường, ăn, ở… Nếu chỉ tính riêng 6 ngày đi bộ của Hiếu là 1,35 triệu đồng.

“Chi phí ấy hoàn toàn phù hợp với sinh viên, nhân viên mới đi làm và muốn trải nghiệm. Tuy nhiên, các bạn nên chuẩn bị thể lực tốt, hãy tập luyện chạy bộ, đi bộ trong khoảng thời gian dài trước khi bạn muốn có một trải nghiệm tương tự ở Hà Giang hay bất kỳ nơi nào khác,” Hiếu khuyên các bạn trẻ.

Thanh Thu

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn