Câu chuyện du lịch: Đà Lạt trong tôi những ngày trước dịch

Khí hậu của TPHCM những ngày qua bổng trở nên mát mẻ làm tôi nhớ đến không khí và cái lạnh của thành phố Đà Lạt mộng mơ.

Ghé đến Đà Lạt cũng đã được hai lần, lần đầu vào những năm cuối cấp 3 do trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa và gần đây nhất là dịp lễ Giáng sinh vào năm ngoái. Không thích bị ràng buộc trong các hoạt động tham quan du lịch thông qua các chương trình hay tour du lịch, tôi chọn cách tự mình khám phá, tự mình trải nghiệm. Vì là chuyến đi ngẫu hứng nên cũng chẳng có sự chuẩn bị trước, cứ thế mà đặt xe và khách sạn.

Một góc Đà Lạt nhìn từ quán cà phê Túi Mơ To.
Tôi xuất phát từ TPHCM lúc 11:00 đêm, 5:00 sáng đã đến bến xe Đà Lạt, gió từng cơn thổi đến mang theo chút hơi lạnh phả vào người. Đứng trong lòng thành phố xa lạ giữa nhiệt độ 16 độ C, tôi loay hoay tìm chiếc áo khoác vội lên người tiến về hướng khách sạn.

Nghỉ ngơi một hồi lâu, bầu trời trong xanh cũng đã bắt đầu chiếu rọi những tia nắng ấm áp, tôi chuẩn bị tươm tất bắt đầu hành trình trải nghiệm thành phố ngàn hoa.

Bánh mì xíu mại Hoàng Diệu.
Ghé đến tiệm bánh mì xíu mại trứ danh tại Đà Lạt nằm trên đường Hoàng Diệu. Chỉ với 17.000 đồng/chén bao gồm: xíu mại, da heo, chả và bánh mì đã no căng bụng. Thưởng thức khi bánh mì còn nóng hổi chấm với nước sốt thơm lừng của xíu mại giữa cái lạnh trong một buổi sớm Đà Lạt còn gì tuyệt vời hơn.

Không quá khó để bắt gặp các hàng quán bán thức ăn này, có lẽ điều này dường như đã trở thành một trong những nét đặc trưng của nền văn hóa ẩm thực Đà Lạt.

Cầm trên tay ly sữa đậu nành nóng uống vội từng ngụm, tôi háo hức đến điểm tham quan đầu tiên: nhà ga Đà Lạt. Khác với những nhà ga khác không phải mang trong mình vẻ hiện đại, ga Đà Lạt mang lối kiến trúc và phong cách độc đáo bởi nét hoài cổ. Có lẽ vì vậy, nhà ga đã được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Ghé đại vào một quán ăn nằm số 20 trên đường Bà Triệu, gọi một suất cơm gà với giá 49.000 đồng. Dĩa cơm vàng ươm được bưng ra cùng cái đùi góc tư “nhìn ngon mắt” làm sao. Sự hòa quyện giữa thịt gà mềm thơm, da gà giòn vàng ươm kết hợp với nước chấm tiêu xanh khiến cho hương vị trở nên bùng nổ, lan tỏa và thấm dần trong khoang miệng.

Trời vừa tắt nắng, tôi tiếp tục ghé ngang quảng trường Lâm Viên tham quan. Ở đây vào lúc chiều tối cũng chính là lúc mà quảng trường đông vui và nhộn nhịp. Khi hoàng hôn tắt dần, tôi ghé chợ Đà Lạt để khám phá ẩm thực về đêm.

Những ly sữa đậu nành nóng bên cạnh những chiếc bánh tráng nướng giòn tan được xem là combo món ăn quen thuộc mỗi khi ghé chợ Đà Lạt.

Bánh tráng nướng Đà Lạt nóng hổi, giòn tan.
Đi bộ và tham quan một ngày dài tôi đã thấm mệt nên quay trở về khách sạn “đánh một giấc” thật say, để ngày mai có tinh thần tiếp tục hành trình mới.

Có lẽ hành trình đến với Đà Lạt không chỉ dừng ở tham quan và thưởng ngoạn mà tâm hồn đã va phải vào “mỹ thực” nơi đây mất rồi. Tìm điểm ăn sáng, không phải nghĩ ngợi nhiều bánh căn chính là sự chọn lựa đầu tiên.

Đến với tiệm bánh căn cô Hải nằm trên đường Nhà Chung. Mỗi chiếc bánh căn có giá 1.500 đồng, tôi gọi hẳn 10 cái. Vỏ bánh mỏng, mịn quyện cùng trứng cút lòng đào chấm với mắm hẹ, hương vị cứ thế mà thấm dần trên đầu lưỡi.

Bánh căn Cô Hải nằm trên đường Nhà Chung.
Tìm một nơi để có thể tận hưởng cái tiết trời se lạnh và đắm mình cùng thiên nhiên, leo đồi là một trong những trải nghiệm cực kỳ lý tưởng. Dự định đón nắng đón gió trên đồi Đa Phú thế nhưng chưa quen với việc leo đồi, vừa leo được một đoạn ngắn thì tôi đã thấm mệt.

Một điểm đến khác tại Đà Lạt không thể bỏ lỡ chính là hồ Tuyền Lâm và hồ Xuân Hương, nơi thả hồn ngắm nhìn bầu trời rộng lớn. Thoáng nhìn hoàng hôn khẽ buông xuống mặt hồ tĩnh lặng, cảm giác bình yên cũng theo đó ùa về.

Một góc hồ Xuân Hương.
Hai ngày trôi qua thật vội vã, chợp mắt một tí trời đã chập tối. Ghé vào một quán ăn vừa thưởng thức đồ nướng vừa nghe những bản nhạc acoustic. Bên cạnh chiếc bếp than rực hồng lửa đỏ, không khí cứ theo đó phảng phất cái giá lạnh của mùa đông Đà Lạt.

Gửi trọn xúc cảm của mình về đêm vào trong thành phố này. Khi được biết tin Đà Lạt có thể mở cửa đón khách du lịch vào tháng 11 tới đây, tôi lại mong gặp lại Đà Lạt một ngày nào đó không xa.

Hẹn gặp lại Đà Lạt một ngày không xa.
Kim Chi
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn