(SGTT) – Mỗi người được sinh ra lành lặn để cảm nhận đầy đủ cuộc sống xung quanh là 1 điều may mắn. Và thế giới xung quanh thật tươi đẹp qua tranh ảnh, qua những lời kể của các “Tây balo”. Chúng ta có đầy đủ sự may mắn như vậy. Tại sao lại chỉ loanh quanh một “vùng an toàn” của bản thân rồi lụi tàn với cát bụi?!
- Câu chuyện du lịch: Chàng trai xứ Nẫu và hành trình khám phá Việt Nam
- Câu chuyện du lịch: Blogger du lịch chia sẻ về hành trình đạp xe xuyên Đông Nam Á
Đây là những chia sẻ của anh Lê Văn Tiến sau những chuyến du lịch khắp nơi trên thế giới với Sài Gòn Tiếp Thị.
Du lịch khắp các nước cùng nón lá
Anh Lê Văn Tiến, 31 tuổi, hiện là một hướng dẫn viên du lịch kiêm photographer ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã sở hữu cho bản thân chuyến đi ấn tượng như du lịch qua 8 quốc gia, du khắp các nước Đông Nam Á và những chuyến đi khắp các nước cùng chiếc nón lá Việt Nam.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Tiến cho biết chuyến du lịch bụi đầu tiên của anh vào tháng 7-2015 qua 4 nước (Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore) trong 42 ngày với 400 đô la Mỹ và cũng là chuyến đi tiền đề, chuyến đi mơ ước.
“Mình đã mừng rớt nước mắt khi bay về Việt Nam với vài chục ngàn đồng cuối cùng còn lại”, anh kể.
Năm 2018 anh Tiến tiếp tục lên kế hoạch cho “chuyến đi của cuộc đời” khi cùng chiếc nón lá Việt Nam lang bạt qua 12 nước (Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, và đảo Jeju Hàn Quốc) trong gần 7 tháng.
“Khi còn làm một hướng dẫn viên du lịch mình nhận các bạn người nước ngoài yêu thích chiếc nón lá và luôn chụp ảnh với nó, cũng đem về nước để làm quà cho bạn bè. Vậy nên mình nghĩ vì sao lại không đem ra nước ngoài check-in”, anh Tiến nói.
Anh cho biết nhiều bạn ngoại quốc gặp trên đường thì đoán ra món đồ này là của Việt Nam và có thể nói chuyện với nhau trên đường. Vốn là hướng dẫn viên du lịch, anh có cơ hội để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với họ cũng như cho họ vài lời khuyên hữu ích khi đến dải đất hình chữ S.
Điều không may, chuyến đi này của anh đã phải tạm dừng khi đã đi được 7 nước, tới Indonesia thì mình bị tai nạn gãy vụn xương chân và phẫu thuật, nằm viện ở trung tâm Mataram, Lombok (Indonesia) 12 ngày và hủy kế hoạch đi Philippines, Ấn, Nepal và Sri Lanka sau đó.
“Năm 2019 sau tai nạn 8 tháng. Mình lại lên đường đi 8 nước, nhưng với chi phí không còn thoải mái như 2018 và chân mới bị tai nạn xong chưa thật sự mạnh như bình thường. Nhưng vẫn là chuyến đi rất đáng nhớ khi mình có nhiều kỹ năng hơn”, anh nói.
Công thức cho việc du lịch an toàn, tiết kiệm
Theo anh Tiến việc đầu tiên nếu muốn đi du lịch một mình ở nước ngoài thì cơ bản nhất là tiếng Anh lưu loát. Kỹ năng này sẽ giúp bản thân mỗi người bình tĩnh và tự tin trong những trường hợp khó khăn như làm thủ tục xuất nhập cảnh, giao tiếp, tìm đường.
Bên cạnh đó, cần xác định mục đích của chuyến đi như đi cho biết, đi trải nghiệm và đi hưởng thụ.
“Ví dụ qua Singapore thuê phòng hết 50-70 đô la trong khi có thể ở ký túc xá chỉ tốn 5 đô la/đêm vẫn ổn. Vì mình thiên về trải nghiệm tức là tiền ưu tiên để trả vé cổng, cho các trải nghiệm mình có và ăn uống còn lại di chuyển và lưu trú là thứ yếu”, anh Tiến chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm để có thể du lịch an toàn, tiết kiệm anh Tiến cho biết:
Lưu trú: Có thể chọn ký túc xá làm nơi ở vì chi phí chỉ khoảng 4-10 đô la/đêm hay homestay tầm 15-20 đô la và có thể chọn khách sạn có bể bơi, quang cảnh đẹp để thư giãn và hồi phục sức khỏe.
Di chuyển: Chọn phương tiện xe buýt đêm (nếu có) để tiết kiệm thời gian và ngủ luôn trên xe sẽ tiết kiệm một đêm ở khách sạn. Trong thành phố thì đi phương tiện công cộng như xe buýt, tàu hỏa…
Ăn uống: Ăn những món ăn bản địa vừa rẻ vừa biết thêm đa dạng văn hoá và ăn thật nhiều bữa.
“Bên cạnh đó, khi đi du lịch một mình thì luôn chú ý đến tư trang cá nhân, không nên để lộ quá nhiều đồ trang sức cũng như điện thoại, máy ảnh đắt tiền, không nên giữ quá nhiều tiền mặt và nên để một vài phần trong thẻ visa”, anh Tiến nói.
Tự tin hơn và nhìn nhận cuộc đời đơn giản, tinh tế hơn nhờ đi du lịch
Anh Tiến cho biết những chuyến đi tưởng chừng là đi cho biết, đi cho vui nhưng thật sự giúp ích rất nhiều trong công việc, khách du lịch thường thích thú nghe những hành trình của anh.
“Đi nhiều cũng giúp mình biết thêm nhiều nền văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh sắc tuyệt đẹp bên ngoài, qua đó có thể so sánh và đưa ra những ý kiến hài hòa, bổ ích và lý thú cho các vị khách của mình”, anh Tiến nói.
Sau các chuyến đi, anh Tiến có những ký ức tuyệt đẹp, những bức ảnh nổi bật về những cảnh đẹp xung quanh, có thêm hiểu biết thực tế về các nước và trở nên tự tin hơn, cách nhìn nhận cuộc đời đơn giản và tinh tế hơn.
Anh Tiến cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ Việt rằng: “Hãy đôi lần đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân mình để nhìn ngắm cuộc đời tươi đẹp xung quanh. Nếu bạn khép một cánh cửa như bỏ việc, nghỉ việc, bỏ một thói quen thường lệ thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Đừng sợ! Vì trời sẽ luôn xanh và ai cũng có một đôi cánh riêng cho bản thân mình, việc còn lại của bạn là chọn giang cánh bay giữa trời xanh hay cô quạnh với những muộn phiền, lo toan của cuộc sống?!”
“Sắp tới, mình dự định sẽ leo các ngọn núi ở Nepal, khám phá văn hoá, ẩm thực và đất nước Ấn Độ, lái xe Royal (mô tô) ở vùng Ladalk và lang bạt ở Srilanka và trở thành một bloger du lịch”, anh Tiến bật mí.
Minh Hoàng