Ngao du Sài Gòn bằng xe đạp, tại sao không?

Dù Sài Gòn là đô thị đông đúc nhưng vẫn có thể tạo ra các hành trình du lịch bằng xe đạp phù hợp, thiết kế linh hoạt cho các đối tượng và lứa tuổi khác nhau từ việc đạp xe len lỏi khám phá một Sài Gòn quen mà lạ đến rong ruổi trên con đường rợp bóng cây hay dọc theo các bờ kênh của vùng quê thanh bình nơi ngoại ô thành phố.
Một điểm check-in trên cung đường đạp xe tại TPHCM.

Xe đạp không chỉ là ký ức, hoài niệm mà còn là nét đẹp văn hóa từ đô thị đến làng quê. Tại Việt Nam, không chỉ có khách nước ngoài xúc động trước hình ảnh các cô nữ sinh giờ tan trường mặc áo dài đi xe đạp hay các cô thôn nữ đội nón lá đạp xe chở lúa về nhà trên con đường làng.

Đó là chưa kể, hình ảnh chiếc xe đạp đã đi vào thi ca, gây biết bao thương nhớ trong tâm hồn nhiều thế hệ như “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?” (thơ Đỗ Trung Quân) hay “nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ” (lời bài hát Xe đạp ơi của Ngọc Lễ).

Đó là những dữ liệu khá “chất” để chúng ta có thể hình thành nên các ý tưởng về các tour xe đạp trên các cung đường ngắn kết hợp với việc tham quan các di tích văn hoá lịch sử, hòa mình vào cuộc sống thường nhật tại thành phố, ngoại ô hay miền quê xa hơn bên cạnh các biking tour chuyên nghiệp của các “phượt thủ” địa hình hay tốc độ.

Du lịch bằng xe đạp, khách còn có thể dễ dàng trò chuyện với người dân.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 hoành hành và những ngày giãn cách xã hội kéo dài nhiều lần làm chúng ta thay đổi các thói quen sinh hoạt, làm việc, giải trí và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.

Nhu cầu hưởng không khí trong lành, tự do tự tại, mong muốn thích nghi với lối sống lành mạnh, năng động, tích cực trở nên mạnh mẽ và cộng đồng đã nhanh chóng lựa chọn và lan tỏa một thú vui thể thao nhẹ nhàng là đạp xe!

Dù Sài Gòn là đô thị đông đúc nhưng vẫn có thể tạo ra các hành trình du lịch bằng xe đạp phù hợp, thiết kế linh hoạt cho các đối tượng và lứa tuổi khác nhau từ việc đạp xe len lỏi khám phá một Sài Gòn quen mà lạ đến rong ruổi trên con đường rợp bóng cây hay dọc theo các bờ kênh của vùng quê thanh bình nơi ngoại ô thành phố.

Một góc ngoại ô TPHCM trên cung đường đạp xe.

TPHCM có rất nhiều yếu tố phong phú để tạo sản phẩm biking tour thu hút. Với hai huyện ngoại thành kiểm soát tốt dịch bệnh vừa qua và đang thí điểm mở tour du lịch khép kín cho các cư dân có “thẻ xanh Covid-19” như Củ Chi và Cần Giờ thì chúng ta có thể có nhiều hành trình xanh, đạp xe qua rừng ngập mặn Cần Giờ – nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới hay về miền đất thép Củ Chi tham quan làng nghề, vườn cây ăn trái hay đi dọc kênh Đông khám phá nhiều điều thú vị của làng quê giữa chốn đô thành.

Các cung đường ven sông quận 12, dọc vườn rau huyện Hóc Môn hay băng qua rừng Lê Minh Xuân, làng mai vàng Bình Lợi của huyện Bình Chánh cũng sẽ là các trải nghiệm khó quên.

Bên cạnh đó, dù khách du lịch Việt Nam và cả khách quốc tế sau này dù mới bắt đầu đạp xe hay chỉ đơn giản muốn thử sức thì các tour ngắn, nửa ngày quanh thành phố với khoảng cách đạp từ 2km cho đến 8km chuyên tham quan các tượng đài, các tòa nhà kiến trúc cổ kính và hiện đại; tìm hiểu Sài Gòn xưa và nay; khám phá ẩm thực đường phố… cũng sẽ là các trải nghiệm thú vị.

Len lỏi qua những hàng dừa.

Đối với giới trẻ, các nhà thiết kế biking tour có thể tạo thành “trend” mới với việc kết hợp công nghệ trong một games xe đạp thú vị, khám phá chính nơi mình đang sống hay tổ chức team building với hành trình xe đạp…

Tất nhiên, các nhà thiết kế và tổ chức biking tour cũng mong TPHCM có qui hoạch các tuyến đường dành cho xe đạp, có chính sách khuyến khích các hoạt động thể thao lành mạnh, tiết kiệm, có các ứng dụng hướng dẫn cung đường, điểm đến và các tiêu chí xanh môi trường và Covid-19 phù hợp.

Bên cạnh đó, các công ty đã chọn loại hình này cũng cần hoàn thiện các nội dung tour phù hợp khách Việt Nam từ mọi miền và khách tại chỗ với các nội dung đúng gu người Việt: vừa đạp xe tham quan, ngoạn cảnh, giao lưu và thưởng thức ẩm thực địa phương phong phú vừa có thể check-in, sống ảo và phải được chăm sóc chu đáo.

Việc xây dựng các sản phẩm du lịch bằng xe đạp tại TPHCM là hoàn toàn khả thi và hứa hẹn sẽ thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước, với loại hình này, trước mắt là người Sài Gòn đi du lịch tại chính Sài Gòn.

Xe đạp đã, đang và sẽ là xu hướng du lịch nổi bật tại nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực mở cửa, phục hồi du lịch trong đại dịch Covid-19 với nhiều lý do như tăng cường sức khỏe từ thể chất đến tinh thần, thân thiện môi trường, trải nghiệm độc đáo với những khám phá thú vị.

Phan Yến Ly

Chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch

Mời đón xem tọa đàm “Du lịch bằng xe đạp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ”

Trong bối cảnh du lịch như hiện nay, khi mà khách du lịch quốc tế chưa thể vào Việt Nam, nguồn khách nội địa đang là nguồn duy nhất của các hãng lữ hành trong nước. Cùng với xu hướng du lịch thiên về chăm sóc sức khỏe, phát triển tinh thần và thể lực, hình thức du lịch bằng xe đạp sẽ là thị trường ngách đầy tiềm năng trong thời gian tới và mở ra cơ hội lớn để phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp (biking tour).

Tiềm năng và cơ hội của biking tour là những gì; Người Việt Nam sẽ đón nhận ra sao và loại hình du lịch này phù hợp với hình thức khám phá nội thành, nội tỉnh như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch, được livestream trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị vào lúc 9:30 Thứ Năm, ngày 23-9.

Khách mời trong chương trình sẽ là:

  • Ông Trần Văn Đản, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp tại Hà Nội
  • Ông Hàng Minh Thái, Giám đốc Công ty du lịch Mr Biker Saigon
  • Ông Huỳnh Quyết Thắng, đại diện câu lạc bộ xe đạp Cào Cào Adventures, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp tại TPHCM.

Các khách mời đều là những người có đam mê, am hiểu về xe đạp; đồng thời cũng là các chuyên gia trong việc xây dựng tour xe đạp gắn liền với khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và trải nghiệm ẩm thực vùng miền của các địa phương. Cùng trò chuyện với các khách mời là bà Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch.

Đây là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của đài VTC News và đài truyền hình Hậu Giang.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn