Loại hình du lịch “go green tourism” tạm hiểu là “đi theo hướng xanh” hay “trả lại giá trị xanh” đã trở thành xu hướng toàn cầu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ngành khách sạn, nhà hàng và sắp tới sẽ là ngành lữ hành nếu các doanh nghiệp du lịch quan tâm đổi mới sản phẩm tour của mình sau đại dịch Covid -19.
- Xu hướng du lịch xanh: Tuần hoàn rác – Khó mà dễ
- Những lợi ích mang lại từ mô hình tuần hoàn rác thải trong du lịch
Du lịch xanh là loại hình du lịch bền vững có trách nhiệm liên quan đến việc tham quan các khu vực tự nhiên đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường bao gồm du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên, du lịch nông thôn.
Còn du lịch “go green” là một khái niệm mới hơn. Đó là việc các hoạt động du lịch có thể làm giảm thiểu và đảo ngược những tác động tiêu cực của du lịch với môi trường sinh thái.
Không chỉ đưa khách đến tham quan tại những nơi gần gũi với thiên nhiên rừng núi, sông suối, ao hồ, biển đảo; trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp tại nông thôn, trang trại… sử dụng các dịch vụ xanh như ẩm thực organic, tránh lưu trú tại các tòa nhà có hiệu ứng nhà kính, go green còn là các hành trình trải nghiệm tại những khu vực từng bị tác động xấu bởi môi trường, con người và xã hội đã “xanh” trở lại, hưởng thụ các dịch vụ theo tiêu chuẩn 3R ( Reduce – giảm thiểu; Reuse – tái sử dụng; Recycle – tái chế).
Theo kết luận từ báo cáo giai đoạn đi lên xanh giữa các khách sạn tại Việt Nam (Outbox Consulting & Informa Markets, Vietnam, 6-2020), ngành khách sạn, kinh doanh ẩm thực Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển go green này.
Do đó, việc tập trung phát triển khách sạn, nhà hàng, khu du lịch xanh giai đoạn tới là rất quan trọng vì quyết định này có tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ trong tương lai.
Sau dịch Covid-19, các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch… đứng trước bài toán lớn là phải thắt chặt chi tiêu để giảm chi phí vận hành duy trì hoạt động kinh doanh.
Việc áp dụng thực hành xanh 3R về lâu dài còn giúp khách sạn, nhà hàng, khu du lịch tiết kiệm chi phí vận hành như điện, nước, chất tẩy rửa… Cụ thể như sử dụng điện năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng tự nhiên, tái sử dụng đồ vật hay trang bị các nội thất tái chế…
Việc sử dụng các sản phẩm địa phương và thực phẩm từ các doanh nghiệp địa phương đảm bảo qui trình xanh, sạch cũng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là khuyến khích việc canh tác, nuôi trồng của cộng đồng dân cư.
Theo trang booking.com, du lịch bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến khi 70% du khách quốc tế nói rằng họ sẽ có nhiều khả năng đặt chỗ ở khi biết rằng nó thân thiện với môi trường. Và họ sẽ ngày càng quan tâm tìm kiếm một kỳ nghỉ an toàn và có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Một khách du lịch tương lai, sau đại dịch có trách nhiệm sẽ đưa ra quyết định dựa trên những gì tốt nhất cho cộng đồng địa phương trong dài hạn.
Như vậy, các doanh nghiệp lữ hành sẽ xây dựng các hành trình và sản phẩm du lịch gì để cung ứng cho các quyết định lựa chọn của du khách mang đến những trải nghiệm thú vị hơn cho khách du lịch thông qua các kết nối có ý nghĩa hơn với người dân địa phương và hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường của địa phương?.
Chúng ta có thể thiết kế các tour có trải nghiệm sâu hơn các hành trình trước kia như trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc; đưa du khách tham quan lại những nơi đã hồi sinh sau chiến tranh như canh tác trên hố bom xưa, chiến trường xưa; tổ chức các tour tình nguyện viên vì môi trường làm sạch bãi biển, thu dọn rác thải, sửa sang nhà cửa cho dân sau thiên tai…
Tại TPHCM đã có 2 mô hình tour khá hấp dẫn theo hình thức go green. Một là các tour đi trải nghiệm làm nông tại Củ Chi. Hai là các tour du ngoạn trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nơi mà dòng kênh đen và thối đã xanh trở lại, có sức hút với du khách quốc tế và gần đây là khách Việt Nam.
Tuy nhiên, ở mô hình tour Củ Chi, sau khi tham quan địa đạo, tiếc là các tour chỉ nhấn mạnh từng nội dung địa đạo và làm nông mà không gắn kết hai giá trị lớn này lại với nhau. Trong khi đó, tour Nhiêu Lộc cần bổ sung thêm các quà lưu niệm hay cơ sở vật chất, nội thất… làm bằng hàng tái chế thì mức độ thu hút sẽ càng tăng cao.
Hành trình du lịch “trả lại giá trị xanh” sau đại dịch Covid-19 nếu được xây dựng kịp thời, khả thi sẽ thu hút được nhiều du khách, góp phần lợi ích to lớn cho du lịch bền vững.
Đồng thời cũng hỗ trợ cộng đồng địa phương cùng phát triển, định hướng và tạo thị hiếu cho du khách và quan trọng hơn là góp phần tạo doanh thu cho doanh nghiệp và ngành du lịch Việt Nam.
Vào lúc 14:30, thứ Năm, ngày 19-8, trên fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị và fanpage của Đài Truyền hình Hậu Giang, sẽ bắt đầu chương trình livestream Chat với doanh nhân du lịch có chủ đề: Xu hướng du lịch xanh: Tuần hoàn rác – khó mà dễ.
Đây là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của Đài Truyền hình Hậu Giang. Trong chương trình này, ban tổ chức mời anh Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Emic Hospitality – doanh nhân ươm mầm và lan tỏa kinh tế tuần hoàn trong nhiều năm qua tại Quảng Nam, làm người dẫn chuyện (Moderator). Và khách mời là chị Vũ Mỹ Hạnh, Quản lý dự án “Doanh nghiệp Giảm rác thải hướng tới Hội An – Điểm đến Xanh” và chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, chủ nhân của Huế Eco Homestay – nơi vật dụng trang trí nội thất và đồ dùng được tái chế từ vật dụng cũ. Cùng với anh Nguyễn Trung Châu, Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung, nhóm báo Kinh tế Sài Gòn – chủ trì phòng Zoom sẽ chia sẻ về những “bí quyết” tuần hoàn rác mà mọi người có thể áp dụng dễ dàng, đặc biệt là trong ngành du lịch để phục vụ cho xu hướng du lịch xanh sau đại dịch. |
Phan Yến Ly
Bà Phan Yến Ly với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, là một trong những chuyên gia về xây dựng và phát triển sản phẩm.