Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) sẽ phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên (thành viên mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn) tổ chức tọa đàm “Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã và thiên nhiên” nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã cho cộng đồng, du khách.
- Vườn quốc gia Cát Tiên và WWF trú trọng xây dựng đa dạng sinh học
- TPHCM và Hà Nội ‘về chót’ trong giải cứu động vật hoang dã
Tọa đàm sẽ diễn ra vào ngày 27-9, tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, “Buổi tọa đàm sẽ truyền tải đến công chúng thông điệp mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng, bằng các hành động cụ thể như không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp từ rừng”, ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn Quốc gia Cát Tiên, cho hay.
Theo WWF, Việt Nam là một trong các nước châu Á sử dụng thịt và các sản phẩm khác từ thú rừng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh trong nhiều thế hệ. Nhu cầu này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài trong tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo áp lực đến quần thể động vật hoang dã ở các nước láng giềng.
Nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã đặc biệt tăng cao trong các dịp lễ tết quan trọng, trong đó có cuối năm và Tết Nguyên đán. Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Văn phòng WWF-Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy điểm đến của 90% thú rừng bị săn bắt trái phép chính là các nhà hàng và các kênh tiêu thụ khác ở khu vực thành thị, và chỉ có 10% được tiêu thụ bởi những cá nhân sống gần khu vực săn, bẫy.
Ban tổ chức mong muốn tọa đàm lần này góp phần thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa lực lượng bảo vệ rừng, giới truyền thông, hơn 40 cá nhân đại diện các công ty du lịch, lữ hành, vận tải du lịch… để nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã, giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trái phép với 100% doanh nghiệp, công ty tham gia tọa đàm cam kết “Nói không với mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã”.
Tại tọa đàm, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ giới thiệu về các hoạt động du lịch xanh, du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của chương trình, cũng như trao biểu trưng Điểm đến An toàn cho Vườn Quốc gia Cát Tiên, một thành viên trong mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.
Vườn Quốc gia Cát Tiên có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ động thực vật phong phú với hơn 1.655 loài loài thực vật, hệ động vật khoảng 1.730 loài. Với những lợi thế về đa dạng sinh học và hệ sinh thái phong phú, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những điểm đến cho du khách yêu thích du lịch sinh thái, tìm hiểu về đa dạng sinh học. Tọa đàm lần này giúp hình ảnh Cát Tiên đến gần với các du khách và cộng đồng, đồng thời lan tỏa những cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, với rừng có trách nhiệm hơn.
WWF đã đồng hành cùng với Vườn Quốc gia Cát Tiên từ thập niên 1990 của thế kỷ trước với nhiều dự án cụ thể. Hiện nay WWF đang thực hiện các hợp phần của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tại Cát Tiên. Dự án tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; trang bị một số thiết bị phục vụ hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, giám sát tài nguyên đa dạng sinh học; đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho lực lượng bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho một số cộng đồng dân cư đang sinh sống gần rừng.
Ngọc An