Phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới hay hậu Covid đang đặt ra nhiều vấn đề cho chính quyền cũng như doanh nghiệp du lịch Huế nói chung. Sự thay đổi lệ thuộc vào thái độ của quản lý và doanh nghiệp địa phương. Nếu chậm chạp trong cách tiếp cận vấn đề cũng như đi sau những nơi khác, chúng ta sẽ có lỗi với sự mong mỏi của ngành du lịch và các ngành ăn theo du lịch.
Mang lại sự yên tâm cho khách và điểm đến
- Cách thực hiện các biện pháp an toàn cơ bản như đeo khẩu trang, xịt nước rửa tay, đo nhiệt độ, ngồi khoảngcách… cần được thực hành bình thường và là quy trình làm việc mới.
- Thay đổi cách set up phương tiện phục vụ nhằm thỏa mãn trào lưu du lịch thời Covid nhưbuffet có nhân viên phục vụ, không gian ngồi được thông gió, giảm tù túng trong máy lạnh, phòng ngủ có cửa sổ thông gió.
- Quy trình checkin, check out tự động không cần tiếp xúc nhiều với lễ tân.
- Bố trí nhiều không gian riêng tư cho nhóm nhỏ, gia đình…
- Quy trình đặt ăn, ngủ, nhu cầu khác tại điểm đến ít tiếp xúc đối diện với nhân viên bằng các ứng dụng qua app.
Phục hồi du lịch ở điểm đến cần chú ý trào lưu mới
Mạng xã hội
Với tiến bộ của công nghệ internet, điện tử, điện thoại thông minh du khách tìm thông tin và trao đổi thông tin qua các ứng dụng cũng như các phần mềm có tương tác nhanh, mạnh và không tốn tiền, dễ sử dụng như Zalo, Messenger, Viber hay What’s app. Thậm chí ngày nay email cũng bớt được dùng thay vào đó là tin nhắn kèm hình ảnh nhanh.
Webinare rất phổ biến cho các doanh nghiệp.
Checkin
Trào lưu nầy hiện rất nóng và thịnh hành. Các điểm đến muốn thu hút khách phải tạo dựng địa điểm và chủ điểm checkin. Công việc này đòi hỏi tính nghệ thuật cao, thậm chí tốn kém đầu tư.
Thời kỳ vàng son của chụp hình các đền dài dinh thự… gần như không mạnh bằng các điểm checkin mới, phù hợp lứa tuổi và sở thích cá nhân.
Màu sắc cho checkin cũng rất quan trọng. Màu đồng bộ đang được ưa chuộng. Trong một buổi đi chơi, nhóm khách thay đổi màu áo quần, dù, mũ vài lần.
Tạo dựng điểm checkin ngày nay làm bao người quản lý doanh nghiệp nhức đầu vì sẽ tốn kém do tính nghệ thuật và chi phí cao. Nếu không làm thì sẽ không thu hút nhiều khách, không cạnh tranh kịp nơi khác.
Trạm selfie
Những thay đổi về cơ cấu dân số; thay đổi về công việc cũng như thu nhập, người độc thân có tiền cùng với quan niệm mới về cách sống khiến nhiều người thích đi chơi một mình hay nhóm nhỏ; thậm chí đi với nhóm đông nhưng hành động, tự mình thỏa mãn sở thích và cái đẹp riêng một mình.
Selfie không xa lạ từ khi điện thoại thông minh ra đời. Khách chọn góc chụp hình và tự chụp, sau đó đưa lên trang cá nhân. Trạm selfie là những nơi xác định có thể chụp những tấm hình đẹp mà không ảnh hưởng hoạt động của người khác. Người ta cố tình sắp xếp vài điểm tựa cho khách. Điều quan trọng nhất phải có lắp đặt wifi mạnh, miễn phí để khách chuyển đi cho người thân trên thế giới của họ ngay.
Trào lưu riêng
Từ “cách ly xã hội, tự cách ly, khoảng cách xã hội”… xuất hiện trong thời Covid. Làm việc và vui chơi giải trí theo nhóm nhỏ (có nơi tối đa 30 người) trở nên phổ biến; khuynh hướng quây quần trong gia đình cho an toàn cũng như gìn giữ quý trọng quan hệ gắn bó với gia đình hơn vì không đoán được Covid có “tha” cho ai trong gia đình họ không. Người ta có lý do từ chối nhưng nơi tụ họp đông người một phần theo quy định của các chính phủ, một phần do lo sợ lây nhiễm. Từ đó trào lưu RIÊNG (private) xuất hiện. Khái niệm RIÊNG có thể thấy như phòng ăn riêng, bếp riêng, hành lang riêng, phòng lounge riêng; hồ tắm riêng; lối vào riêng… Chấp nhận giá cao hơn một tý nhưng thích hơn.
Khách thời Covid
Kinh tế suy yếu, thu nhập giảm, tương lai khó đoán, hình thức du lịch phải thức thời nên những nhóm lớn, lẽ hội lớn, event lớn sẽ bị thu hẹp. Người giàu vượt qua khúc eo Covid sẽ đi chơi. Nhưng họ đòi hỏi cao cấp; riêng tư; nghỉ dưỡng tăng cường sức khỏe; trải nghiệm ẩm thực và văn hóa khác với những gì họ đã biết. Vì vậy phục hồi phát triển du lịch theo số đông sẽ không được như ý.
Thách thức khi outbound và inbound trở lại
Có thể dùng từ “ bị giam hãm” lâu ngày trong khu vực hay trong nước; tâm lý khách muốn ra đi nơi khác rất cao. Dự đoán khi các quốc gia cho phép mở cửa du lịch, nguồn khách outbound của nước này là inbound của nước khác sẽ tăng cực mạnh. Các quốc gia và công ty du lịch của quốc gia đó sẽ khuyến mãi lớn nhằm thu hút khách về phía họ. Lỗ hổng khách nội địa sẽ rất lớn đối với các điểm đến. Dĩ nhiên khách quốc tế sẽ bù vào. Chỉ tiếc là sự bù vào chậm và không đáng kể sẽ tiếp tục gây khó cho du lịch địa phương. Vì vậy địa phương cũng nên suy nghĩ cách gì lôi kéo khách về phía mình nhằm giảm thiệt hại nữa.
Khách du lịch đến Huế có 3 con đường chủ yếu
- Đường biển: Chậm, không đáng kể
- Đường hàng không: Số lượng chuyến bay đến sân bay Phú Bài trong ngày không nhiều so với những điểm đến mới như Phú Quốc , Côn đảo ; thậm chí điểm cũ như Đà nẳng, Nha trang, Vân đồn… Đầu vào ít ỏi sẽ không đủ khách sữ dụng tài nguyên du lịch của Huế.
- Đường bộ: Huế nằm trên quốc lộ 1. Phải nhận thức rằng nguồn khách hạn chế mà hai đầu Đà nẳng Hội An và Quảng Bình cũng sẽ tăng sức thu hút và giữ khách lâu hơn ở địa phương họ. Khách đường bộ sẽ chọn đi ngang qua hay đi trong ngày nhiều hơn. Vì vậy doanh nghiệp tại Huế phải nỗ lực hơn nữa may ra mới có khách nhiều.
- Thiếu vắng các tập đoàn quốc tế lớn: các tập đoàn lớn đóng vai trò dẩn dắt nguồn khách do có vốn, tiếng tăm và liên kết mạnh với hàng không, truyền thông. Khi họ đến họ sẽ tiếp thị mang khách về. Thiếu vắng sự có mặt của các tập đoàn lớn là điểm yếu cho phát triển du lịch Huế. Mong chính quyền và doanh nghiệp tại Huế tạo điều kiện thu hút họ về với Huế nhiều hơn.
Nhận thức nhanh và hành động nhanh khi dịch bệnh thuyên giảm cùng với các chính sách nới lỏng cho du lịch của các quốc gia, Huế sẽ không bị chậm so với các địa phương khác. Sự phát triển du lịch trong trạng thái bình thường không thể làm theo kiểu truyền thống bấy lâu nay. Cần thay đổi nhận thức, thức thời và hội nhập để giành lấy nguồn khách có hạn trên thị trường.
Hãy hành động!
Th.S Phan Xuân Anh
Tổng giám đốc Công ty Du ngoạn Việt phát biểu tại hội nghị du lịch Huế ngày 20-3-2021