Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau. Ngày 26-5-2009, cùng với Cù Lao Chàm – Quảng Nam, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Rừng U Minh Hạ là “thủ phủ” của cây tràm, tràm bao phủ U Minh, che chắn, bảo bọc cho mảnh đất nơi cuối trời tổ quốc trải qua bao mùa mưa nắng. Hơn 8.000 ha rừng tràm của Vườn quốc gia U Minh Hạ phủ một màu xanh tươi mát, chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Giá vé tham quan Vườn quốc gia U Minh Hạ là 10.000 đồng/vé dành cho người lớn. Nếu du khách khám phá Vườn quốc gia U Minh Hạ bằng vỏ lãi (tên một loại xuồng) sẽ tốn 300.000 đồng dành cho tám người. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Du khách đi vỏ lãi để men theo mạng lưới kênh, rạch chằng chịt, hoặc cũng có thể đi bộ xuyên rừng. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Nơi đây còn có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Dưới tán tràm rậm rạp, giữa ngút ngàn lau sậy trổ bông trắng tinh là nơi cư ngụ của vô số loài động vật hoang dã như khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê… trong đó nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Thông thường, vào cao điểm mùa khô là tháng 3, tháng 4 hằng năm, Vườn Quốc gia U Minh Hạ sẽ hạn chế khách tham quan để thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, ở mọi thời điểm khác, rừng đều mở cửa đón khách. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.
Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.
Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.